Các dự án “tiền tỷ” của các nhà phát triển
Các căn hộ mang thương hiệu khách sạn đã tồn tại ít nhất kể từ năm 1927, khi dự án Sherry-Netherland tại New York mở cửa. Nhưng phải đến những năm 1990, lĩnh vực này mới thực sự phát triển.
Theo Knight Frank, đến năm ngoái, các khu căn hộ hàng hiệu đã phát triển tại hơn 60 quốc gia.
Hard Rock Café International Inc. đã khai trương khu nghỉ dưỡng trượt tuyết kèm căn hộ hàng hiệu đầu tiên của mình ở châu u tại Davos, Thụy Sĩ vào năm 2017. Trong khi đó, Ritz-Carlton có kế hoạch mở cửa một khu nghỉ dưỡng kèm căn hộ hàng hiệu tại Zermatt, Thụy Sĩ vào năm 2026.
Four Seasons Hotels & Resorts được nhà phát triển tại Vương quốc Anh Finchatton đã biến trụ sở trước đây của Hải quân Anh thành khu căn hộ hàng hiệu độc lập đầu tiên.
Nhà điều hành khách sạn Mandarin Oriental đã sẵn sàng mở các khu căn hộ hàng hiệu độc lập đầu tiên tại các thành phố New York, Beverly Hills và Barcelona, dự kiến sẽ được mở bán ra thị trường vào mùa thu năm nay.
Khu nghỉ dưỡng St. Regis Deer Valey ở bang Utah, Mỹ, đã khai trương vào năm 2009, nhưng gần đây đã xây dựng thêm các căn hộ hàng hiệu mới nằm liền kề.
Còn Hilton Worldwide Holdings Inc. đang phát triển một số dự án căn hộ độc lập dưới các thương hiệu Waldorf Astoria và Conrad, và có thể công bố ít nhất một dự án trong năm nay.
Marriott International Inc. đã xây dựng 17 khu căn hộ hàng hiệu độc lập ở phân khúc hạng sang trên toàn thế giới, tại các điểm du lịch như Bãi biển Sunny Isles tại Nam Florida và thành phố biển Bodrum tại Thổ Nhĩ Kỳ dưới thương hiệu Ritz-Carlton.
Nhà điều hành khách sạn lớn nhất thế giới này đã có 2 dự án được công bố tại Việt Nam hợp tác cùng tập đoàn Masterise là Grand Marina Saigon và Rizt Carlton Residences Hanoi.
Xu hướng “căn hộ hàng hiệu” tăng vọt
Nhìn chung, số lượng căn hộ mang thương hiệu khách sạn đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2010 đến năm 2020. Lĩnh vực này đã có thêm 52.000 căn nhà thuộc 370 dự án độc lập không đi kèm với các khách sạn, theo công ty bất động sản Savills PLC.
Tim Grisius, nhân viên bất động sản và sáp nhập toàn cầu của Marriott International Inc. cho biết: “Nếu tôi đặt thương hiệu khách sạn lên các căn hộ, chúng sẽ được bán nhanh hơn và với giá cao hơn”.
Các công ty bất động sản nhận thấy rằng chúng thu hút những người mua giàu có ngay cả khi không có đầy đủ các tiện nghi của khách sạn vì họ trung thành với một thương hiệu cao cấp.
“Họ cảm thấy rằng thương hiệu sẽ không thể gắn với một dự án gì đó nếu dự án này không thể đáp ứng chất lượng dịch vụ phù hợp”, Rupert des Forges, người đứng đầu bộ phận phát triển các dự án tại khu vực trung tâm London của Knight Frank cho biết.
Các khu căn hộ hàng hiệu thường cung cấp nhiều dịch vụ giống như một khách sạn sang trọng nhưng ở quy mô nhỏ hơn, bao gồm các tiện nghi spa, bar và nhà hàng, rạp chiếu phim và nhà hàng riêng tư.
Nhân viên tại đây được các nhà điều hành khách sạn đào tạo và hướng dẫn, hứa hẹn mang lại chất lượng dịch vụ xứng tầm với một khách sạn 5 sao cho chủ sở hữu căn hộ.
Giờ đây, một căn hộ thương hiệu khách sạn có thể bán ra thị trường với giá cao hơn các căn hộ thông thường. Mức giá chênh lệch khác nhau tùy từng thương hiệu, dự án, chủ đầu tư và thị trường.
Jeremy Rollason, người phụ trách các bất động sản tại các khu trượt tuyết của Savills, ước tính rằng người mua phải trả mức phí chênh lệch từ 10% đến 20% so với các căn hộ thông thường cùng phân khúc cho những ngôi nhà “siêu sang” này.
Trong khi đại dịch đã làm chậm lại hầu hết các chuyến du lịch quốc tế, ông Grisius từ Marriott nói rằng nhu cầu về nhà ở thực sự đã tăng lên, điều này có thể là một tín hiệu không vui với các khách sạn truyền thống.
Ông nói: “Mọi người không đi du lịch nhiều nữa, nên các căn hộ hàng hiệu đón nhiều khách hơn bình thường”.
Theo Cafeland