Trao đổi trong Tọa đàm CTO Talks ngày 9/7 về chủ đề chuyển đổi số trong giáo dục, ông Tạ Hải Tùng - Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội - đặt vấn đề: "Hậu Covid-19, khi xã hội quay lại trạng thái bình thường mới, liệu việc học và dạy sẽ diễn ra như thế nào? Chúng ta sẽ tiếp tục duy trì mô hình học trực tuyến hay quay về phương pháp giáo dục truyền thống?".
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ba diễn giả còn lại là bà Mỹ Linh - đồng sáng lập Young Beat School of Music, bà Phạm Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Vinschool Harmony và ông Phạm Tuấn Anh - CTO STEAM Vietnam đều đồng ý rằng mô hình giáo dục trực tuyến sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hình thức dạy học trực tiếp cũng không thể xóa bỏ hoàn toàn. Mô hình kết hợp cả online lẫn offline sẽ là tương lai của ngành giáo dục Việt Nam.
Bà Phạm Thị Hiền - Phó hiệu trưởng trường Trung học Vinschool The Harmony - cho rằng chuyển đổi số là xu thế không thể đi ngược của ngành giáo dục.
Theo bà Hiền, vấn đề khó nhất trong chuyển đổi số trong giáo dục là thay đổi được quan điểm về giáo dục. Học sinh phải chủ động, tương tác với nguồn dữ liệu mở. Hệ thống giáo dục phải thay đổi chiến lược, xác định mục tiêu đầu ra mong muốn của mình, và cuối cùng là sự đồng lòng của các bậc phụ huynh.
Đồng quan điểm với bà Hiền, ca sĩ Mỹ Linh cũng chia sẻ “Vẫn có những định kiến rất lớn trong âm nhạc rằng dạy học là phải cầm tay chỉ việc. Ban đầu, nhiều thầy cô giỏi đều từ chối dạy học online. Bản thân những người làm âm nhạc giỏi chỉ tập trung vào lĩnh vực của mình, rất ít có xu hướng mở rộng, cập nhật thêm lĩnh vực khác, đặc biệt là công nghệ.”
Theo ông Phạm Tuấn Anh - CTO Steam for Vietnam, việc số hóa ngành giáo dục phải được thay đổi từ nhiều tầng nhận thức.
Ông khẳng định “Tôi tin rằng, một tổ chức muốn chuyển đổi số hiệu quả, phải phát triển một cách bài bản từ xây dựng hệ thống phần mềm, nền tảng hiệu quả, giúp học sinh tương tác, học tập tốt hơn phương pháp truyền thống.”
Ông Tuấn Anh cho rằng ngay cả ở Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác đều chưa tìm ra được mô hình mẫu trong chuyển đổi số ngành giáo dục.
Hiện thế giới đang áp dụng hai phương pháp cơ bản trong số hóa ngành giáo dục.
Đầu tiên sẽ tổ chức các lớp học trực tuyến như các lớp online đang triển khai ở đại học Harvard nơi mà có hàng triệu sinh viên tham gia cùng một lúc.
Tiếp đến với mô hình thứ hai, các trường tư thục sẽ trang bị các thiết bị công nghệ, mua phần mềm học tập về cho học sinh, sinh viên thực hành.
“Tuy nhiên, cả hai mô hình đều có những nhược điểm riêng. Với mô hình đầu tiên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp thấp hơn nhiều so với truyền thống. Còn phương pháp thứ hai chỉ có thể tiếp cận trong phạm vi hẹp vì đòi hỏi chi phí cao”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Là người vừa làm việc trong lĩnh vực giáo dục, vừa là nhà nghiên cứu công nghệ, ông Tạ Hải Tùng cho rằng: "Chuyển đổi số không chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch, mà mục đích cuối cùng là làm sao để đem lại hiệu quả tốt nhất cho người thụ hưởng lẫn người giảng dạy".
Tuy nhiên ông Tùng cũng lưu tâm rằng “Giải pháp đầu tiên là cả nhà nước và doanh nghiệp, ngoài làm kinh doanh, phải tính đến việc xóa đi khoảng cách số bằng việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở những vùng sâu vùng xa.”
Chia sẻ với góc nhìn của ông Tùng, đại diện Vinschool The Harmony cho rằng những tổ chức giáo dục đi đầu trong chuyển đổi số, có sẵn nền tảng, cũng nên chia sẻ những thành tự của mình cho toàn xã hội, để những học sinh không trong hệ thống của mình cũng có thể tiếp cận được những phương pháp, mô hình giáo dục mới một cách dễ dàng, miễn phí.
Ngoài những lo ngại về mặt trái của công nghệ trong giáo dục, các diễn giả trong CTO Talks còn lưu ý rằng chuyển đổi số có thể đe dọa đến tương lai của hệ thống giáo dục truyền thống. Những mô hình giáo dục, trường học không nắm bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, có thể bị bỏ lại rất xa và phải chấp nhận đào thải trong tương lai.
Theo VnExpress