Theo thống kê của Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương), hàng năm, lượng rác được thải ra tại Việt Nam là rất lớn.

Trung bình có gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn thải ra mỗi ngày.

Không ít ý tưởng sáng tạo được ra đời nhằm giúp những thứ đã bị bỏ đi có “cuộc đời mới”.

Phổ biến nhất là biến rác thải thành vật dụng hữu ích, đồ trang trí hay sử dụng chúng để nâng cao nhận thức của con người về việc xả rác.

Từ vỏ lon thành chiếc túi bắt mắt

Với đôi tay khéo léo, sự sáng tạo, chị Rơ Mah Vo (dân tộc Jrai, trú tại làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, Gia Lai) đã biến những nắp lon bỏ đi thành chiếc túi, chiếc gùi xinh xắn.

Khi mới sinh ra, chị Rơ Mah Vo đã bị khuyết tật ở chân.

Vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, chị đã tập dệt thổ cẩm, may quần áo, đan lát gùi, giỏ đựng, túi xách…

Chị Rơ Mah Vo và những chiếc túi làm từ vỏ lon của mình.
Chị Rơ Mah Vo và những chiếc túi làm từ vỏ lon của mình.

Một lần thấy vô số nắp lon bia bỏ đi, chị lóe lên ý tưởng sử dụng chúng để tái chế thành sản phẩm hữu ích.

Chị gom các nắp lon từ khắp nơi và bắt tay vào làm chiếc túi đặc biệt này.

Sau 3 ngày, chiếc túi hoàn thành và được nhiều người đánh giá cao.

Từ đó, túi đeo làm bằng nắp lon trở thành thương hiệu riêng của chị Rơ Mah Vo.

Được các hộ dân trong làng đặt mua túi với số lượng lớn, hành trình khởi nghiệp của chị bắt đầu từ đây.

Chị Vo là người phụ nữ đầu tiên trong làng có ý tưởng tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ từ phế liệu.

Các nắp lon bỏ đi đã được "hô biến" thành những chiếc túi, chiếc gùi xinh xắn.

nullChiếc túi đan từ nắp lon đính hạt bắt mắt.
Chiếc túi đan từ nắp lon đính hạt bắt mắt.

Ngoài giá trị sử dụng thường ngày, sản phẩm của chị Vo còn trở thành đồ lưu niệm.

Nhiều người dân ở thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ, Gia Lai) đã đến xem và đặt mua các sản phẩm mỹ nghệ do chị Vo làm ra.

Trung bình mỗi chiếc gùi, chị Vo bán với giá từ 500.000 đến 800.000 đồng. Còn túi đeo, giỏ xách có giá dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng/chiếc.

Nhờ công việc này, chị Vo đã có thu nhập ổn định để nuôi dưỡng bố mẹ già.

Máy vớt rác làm từ rác

Đây là ý tưởng của chàng giảng viên trẻ sinh năm 1991 Huỳnh Ngọc Thái Anh.

Anh từng tham gia dự án cộng đồng về môi trường và được kết nối cùng nhóm Green Rivers với mong ước sáng chế những giải pháp nhằm góp phần làm sạch môi trường nước.

Nhờ vậy mà anh biết đến chiếc máy thu gom rác trên sông do Nhật Bản tài trợ tỉnh Vĩnh Long.

Cơ chế hoạt động của chiếc máy này là dựa vào sức người điều khiển chạy trên sông để vớt rác.

Tuy nhiên, chúng chưa mang lại hiệu quả cao bởi chỉ phát huy công dụng tốt nhất ở những môi trường nước tĩnh như các ao, hồ.

Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều sông, nước chảy xiết, tàu bè nhiều nên sóng mạnh.

Thầy giáo 9X và máy vớt rác WSCA 2.0 chạy bằng năng lượng mặt trời.
Thầy giáo 9X và máy vớt rác WSCA 2.0 chạy bằng năng lượng mặt trời.

Trên cơ sở này, Thái Anh và cộng sự đã bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo một chiếc máy vớt rác có thể hoạt động tốt trên các môi trường nước động.

Chúng có khả năng thu gom các loại rác nhẹ nổi trên bề mặt nước như: túi nilon, vỏ chai nhựa, hộp nhựa, giấy, rác hữu cơ trôi nổi…

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu phải đối diện với hai khó khăn lớn là hạn hẹp về nguồn vốn và thực nghiệm trong bối cảnh dịch COVID-19.

Chi phí ban đầu của nhóm chỉ có 5 triệu đồng.

Trong khi đó, các vật liệu đáp ứng yêu cầu hoạt động 24/24 giờ trong môi trường nước, ngoài trời… lại tốn kém.

Trước khó khăn đó, Thái Anh đã sáng tạo bằng cách sử dụng lại nguyên liệu từ dây chuyền công nghiệp cũ của các xí nghiệp thải ra.

Anh còn kết hợp với một số vật liệu tái chế như sắt cũ, ống nước, dây xích xe đạp… vừa rẻ lại đáp ứng được yêu cầu chống ăn mòn.

Máy vớt rác tự động làm từ phế thải của Huỳnh Ngọc Thái Anh.
Máy vớt rác tự động làm từ phế thải của Huỳnh Ngọc Thái Anh.

Với thế mạnh từ chuyên môn là công nghệ thông tin, Thái Anh đã tạo ra chiếc máy vớt rác WSCA 2.0 khắc phục được nhược điểm của máy vớt rác do Nhật Bản tài trợ.

WSCA 2.0 vận hành tự động thay vì điều khiển máy bằng sức người.

Động cơ lưới cuộn và chân vịt chạy bằng nguồn điện của bình ắc quy và có thể sạc lại trong ngày bằng tấm pin năng lượng mặt trời.

Thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động, người dùng "lái" máy đến nơi có rác thải, rác sẽ được cuộn vào phần lưới cuộn cho vào thùng chứa.

Đồng thời, máy vớt rác nhỏ gọn, vận hành đơn giản và tự động, dễ dàng nhân rộng.

Chúng có chi phí rẻ và góp phần giảm lượng rác thải nhựa tại nguồn.

Ý tưởng này của anh đã giành giải Nhất trong Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không rác thải nhựa”, do UNESCO tổ chức năm 2020.

Triển lãm “Sống mới với cũ”

Ngoài việc tái chế rác thành vật dụng hữu ích, sử dụng chúng vào những buổi triển lãm cũng là ý tưởng độc đáo nâng cao nhận thức của người dân về lối sống tiết kiệm, hạn chế rác thải.

Triển lãm nghệ thuật “Sống mới với cũ” là sáng kiến như thế.

Triển lãm lấy cảm hứng sống mới từ những món đồ cũ, tạo ra những trải nghiệm mới mẻ cho các bạn trẻ từ những món đồ cũ.

Thay vì “có mới nới cũ”, các bạn trẻ có thể thay đổi lối sống bằng cách “sống mới với cũ”, tái sử dụng đồ cũ góp phần bảo vệ môi trường.

Hình ảnh trong triển lãm “Sống mới với cũ”.
Hình ảnh trong triển lãm “Sống mới với cũ”.
Với nghệ thuật sắp đặt cũ - mới, 100% tác phẩm tại triển lãm được tạo nên từ đồ dùng đã qua sử dụng.

Những món đồ cũ nay được trao quyền để truyền tải tinh thần sống mới với cũ, mở ra một tương lai mới, nơi đồ đã qua sử dụng là lựa chọn hàng đầu.

Tất cả các tác phẩm trong triển lãm đều làm từ đồ đã qua sử dụng.
Tất cả các tác phẩm trong triển lãm đều làm từ đồ đã qua sử dụng.

Thông qua các tác phẩm nghệ thuật, người xem sẽ hiểu hơn về tác hại của chủ nghĩa tiêu dùng quá mức với vòng xoáy mua sắm và thải bỏ.

Chúng nhấn chìm chính hành tinh nơi ta đang sống.

Khán giả tham gia triển lãm sẽ tự khám phá thông điệp nhân văn về một tương lai tươi đẹp đang hé mở khi cả cộng động cùng tích cực mua bán đồ cũ.

Triển lãm “Sống mới với cũ” mong muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về mua bán đồ đã qua sử dụng để hướng đến tiêu dùng bền vững.
Triển lãm “Sống mới với cũ” mong muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về mua bán đồ đã qua sử dụng để hướng đến tiêu dùng bền vững.
Triển lãm được tổ chức bởi Chợ Tốt phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên & Môi trường (ISPONRE) và mạng lưới Kinh tế tuần hoàn (CE Hub).

Mỗi năm, cùng với hàng triệu người tích cực mua bán đồ cũ, Chợ Tốt cùng đã giúp vô số món đồ được mua bán tái sử dụng.

Nhờ vậy mà giảm bớt gánh nặng tài chính cho cuộc sống nhiều người.

Thường xuyên mua bán đồ cũ giúp giảm thiểu hàng trăm ngàn tấn CO2 thải ra ngoài môi trường nhờ hạn chế việc khai thác sản xuất mới.

Những hành động thiết thực của chị Rơ Mah Vo, anh Thái Anh, triển lãm tổ chức bởi Chợ Tốt sẽ góp phần hạn chế sự lãng phí của tài nguyên rác.

Cùng với đó là nâng cao nhận thức của con người về bảo vệ môi trường.