Rác thải điện tử nặng hơn cả Vạn Lý Trường Thành
Trước khi điểm qua những hoạt động CSR mà Apple đã, đang và sẽ thực hiện, hãy cùng nhìn lại thực trạng thế giới chúng ta đang sống.
Có thể nói, đó là một trong những động lực lớn khiến một “ông lớn” như Apple nên “làm gương”, nghiêm túc thực hiện CSR.
Nỗi ám ảnh mang tên rác thải thiết bị điện tử
Tháng 10/2021, tổ chức WEEE Forum ước tính “núi” rác thải điện tử năm 2021 sẽ nặng khoảng 57 triệu tấn – nặng hơn cả Vạn Lý Trường Thành.
Núi rác thải này không phải tự dưng mà hình thành.
Theo báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020” của UN, vào năm 2019, trên thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 21% so với năm 2014.
Con số này sẽ chạm mốc 74 triệu tấn vào năm 2030, nghĩa là rác thải điện tử gia tăng trung bình từ 3-4% mỗi năm.
Ấy vậy, chỉ có khoảng 17,4% trong số đó được thu gom và tái chế. Điều này có nghĩa là khoảng gần 60 tỷ USD có mặt trong vàng, bạc, đồng, platinum, và nhiều vật liệu giá trị khác bị vứt đi, đốt bỏ.
Số tiền này gấp 3 lần sản lượng hàng năm của các mỏ bạc trên thế giới, cao hơn GDP hàng năm của hơn 120 quốc gia.
Đó là chưa kể chất độc hại chứa trong rác thải thiết bị điện tử như chì, thuỷ ngân… ảnh hưởng xấu đến con người và môi trường.
Chẳng hạn, khí chất thải được xử lý tại bãi chôn thông thường có thể giải phóng khí carbon gây ô nhiễm không khí, làm suy yếu sức khoẻ con người, động vật và sinh vật.
Cũng như trong báo cáo của UN, riêng năm 2019, có khoảng 98 triệu tấn khí carbon được thải vào khí quyển từ các thiết bị điện tử bị loại bỏ, làm tăng thêm 0,3% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Sự đa dạng và hoà nhập (I&D) – Có làm nhưng chưa tốt
Nghiên cứu “Diversity Wins” của McKinsey chỉ ra rằng tiến độ cải thiện sự đa dạng và hòa nhập của phần lớn doanh nghiệp vẫn còn chậm.
Chẳng hạn, sự đa dạng về giới trong tổ chức tăng chỉ 1% từ 14% (2017) lên 15% (2019).
Hơn 1/3 số công ty mà McKinsey khảo sát vẫn chưa có phụ nữ trong ban điều hành. Tương tự, tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong ban điều hành chỉ ở mức 14% vào năm 2019, tăng 2% so với năm 2017.
Sự đa dạng và hòa nhập không chỉ giới hạn trong phạm vi chủng tộc, giới tính mà bao hàm mọi sự khác biệt giữa các cá nhân, nhóm như người tự kỷ, khuyết tật…
Theo Hiệp hội Tự kỷ Quốc gia, chỉ có 22% người lớn mắc chứng tự kỷ được làm công ăn lương toàn thời gian.
Sự đa dạng & hoà nhập và biến đổi khí hậu là 2 vấn đề song hành nên Apple không có sự phân chia giải pháp cho từng vấn đề một.
Bà Lisa Jackson – Phó Chủ tịch của Environment, Policy và Social Initiatives tại Apple, cho biết:
"Theo tôi, chúng ta cần nắm bắt cơ hội để xây dựng một nền kinh tế xanh và công bằng hơn – nơi chúng ta phát triển các ngành công nghiệp mới nhằm mang đến cho thế hệ tiếp theo một hành tinh đáng gọi là ‘nhà’”.
Vậy, cụ thể những nỗ lực giải quyết thực trạng đáng sợ kể trên của “ông lớn” công nghệ là gì?
Apple trong “cuộc chiến” với môi trường và I&D
Thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo
Trong báo cáo 2020 Environmental Progress, Apple công bố kế hoạch giảm 75% lượng khí thải carbon vào năm 2030, đồng thời phát triển các giải pháp loại bỏ 25% dấu chân carbon còn lại của mình.
Sau đó 1 năm, Apple tuyên bố số lượng nhà cung cấp cam kết sử dụng 100% năng lượng sạch tăng hơn gấp đôi so với năm 2020.
Khả năng này giúp đẩy nhanh tiến độ hướng tới mục tiêu đầy tham vọng của Apple là trung hòa carbon trên toàn bộ chuỗi cung ứng và sản phẩm vào năm 2030.
Như vậy, có tổng cộng 175 nhà cung cấp chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, và công ty cũng như các nhà cung cấp này sẽ cung cấp trực tuyến hơn 9 gigawatt điện sạch trên khắp thế giới.
Hành động này giúp giảm thiểu hơn 18 triệu tấn carbon hàng năm – tương đương với 4 triệu ô tô lưu thông trên đường mỗi năm.
CEO Tim Cook cho biết: “Mỗi công ty nên là một phần của cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Cùng với nhà cung cấp và cộng đồng địa phương, chúng tôi đang chứng minh những cơ hội, sự công bằng mà chuyển đổi xanh có thể mang lại.”
“Chúng tôi đang nỗ lực hành động bởi thời gian không phải là nguồn tài nguyên tái tạo. Thế nên, theo tôi, các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng đầu tư xây dựng một tương lai xanh và công bằng hơn”.
Tại Mỹ, có 19 nhà cung cấp tham gia Clean Energy Program đang mở rộng quy mô sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động với Apple, và thậm chí là ngoài lĩnh vực kinh doanh với Apple.
Tại Châu Âu, 10 nhà cung cấp hiện là một phần của chương trình cũng đã bắt đầu triển khai 9 dự án năng lượng tái tạo tương tự.
Ngoài ra, có 50 nhà cung cấp Trung Quốc, 31 nhà cung cấp từ Ấn Độ, Nhật Bản, và Hàn Quốc cũng tham gia vào chương trình trên.
Khử carbon trong thiết kế sản phẩm
Bên cạnh tăng đáng kể số lượng các supplier chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, Apple đã giảm lượng khí thải carbon xuống 4,3 triệu tấn trong năm 2019 thông qua các đổi mới trong thiết kế và tái chế sản phẩm.
Tính chung trong 11 năm (từ 2009-2020), Apple giảm được 73% năng lượng trung bình cần thiết cho việc sản xuất và phát hành sản phẩm.
Cụ thể, Apple tiếp tục tăng cường sử dụng vật liệu tái chế và carbon thấp trong các sản phẩm của mình.
Đồng thời hãng cũng thực hiện đổi mới quy trình tái chế và thiết kế sản phẩm sao cho tiết kiệm năng lượng nhiều nhất có thể.
Chẳng hạn, cải tiến tái chế mới nhất của Apple là robot “Dave” giúp tháo rời hiệu quả Taptic Engine khỏi iPhone để khôi phục tốt hơn các vật liệu quan trọng như nam châm đất hiếm và vonfram.
Vượt trội hơn 2 “tiền bối” là Liam và Daisy, Dave còn có thể thu hồi thép. Cũng trong nỗ lực này, Material Recovery Lab của Apple hợp tác với Đại học Carnegie Mellon để phát triển thêm các giải pháp kỹ thuật tái chế thiết bị điện tử.
Hay Apple còn liên doanh với hai công ty hàng đầu thế giới về sản xuất nhôm là Alcoa và Rio Tinto nhằm phát triển công nghệ luyện nhôm không chứa khí thải nhà kính và carbon đầu tiên trên thế giới.
Apple được biết đến là một trong những thương hiệu khởi xướng chương trình “thu cũ đổi mới” trong giới công nghệ.
Chương trình mới ra mắt vào năm 2013 chủ yếu thu nhận sản phẩm iPhone.
Đến năm 2018, Apple đẩy mạnh chương trình “thu cũ đổi mới” hơn nhằm nỗ lực bảo vệ môi trường hoặc làm ra thiết bị “xanh hoá môi trường”.
Khi thu hồi thiết bị về, những chiếc iPhone cũ được đưa vào robot để tháo rời và tân trang lại mọi thứ. Apple tiếp tục dùng những chiếc iPhone được làm mới để bán ra với giá rẻ (gọi là hàng Refurbished).
Nếu chiếc iPhone bị hư hỏng nặng về phần cứng lẫn phần mềm, Apple sẽ huỷ bỏ hoàn toàn, những phần xác sẽ được thu gom lại và tái chế để sản xuất vật liệu.
Về sau, chính những vật liệu đó sẽ được sản xuất ra các thành phẩm iPhone mới. Qua đó, có thể hình dung mọi chiếc iPhone đều có một vòng tuần hoàn – cái cũ bỏ đi, sẽ nối tiếp để sản xuất cái mới.
Hỗ trợ cộng đồng
Tại Mỹ, Apple cùng Oceti Sakowin Power Authority phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cho bộ lạc Sioux bằng cách cấp vốn, xây dựng và vận hành cơ sở sản xuất, truyền tải điện cho thị trường bán buôn.
Công ty đầu tư vào các dự án mới của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, cũng như hỗ trợ tiếp tục khôi phục các savan bị suy thoái ở Kenya và hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Colombia.
Theo đó, rừng ngập mặn không chỉ bảo vệ bờ biển mà còn có thể lưu trữ lượng carbon gấp 10 lần so với rừng trên đất liền.
Qua việc đồng hành cùng Quỹ Bảo tồn, Quỹ Động vật hoang dã thế giới, và Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, Apple đã và đang bảo vệ, cải thiện việc quản lý hơn 1 triệu mẫu rừng, những giải pháp khắc phục biến đổi khí hậu ở Trung Quốc, Mỹ, Colombia và Kenya.
Tại Nam Phi, Apple đang cung cấp năng lượng tái tạo cho hơn 3500 hộ gia đình.
Công ty cũng giúp giảm chi phí điện tại trường học dành cho người khiếm thị Pioneer bằng cách lắp đặt năng lượng mặt trời.
Tại Nigeria, Apple hỗ trợ phát triển hệ thống năng lượng mặt trời để phục vụ một trung tâm chăm sóc sức khoẻ ở bang Ondo, cũng như 200 hộ gia đình ở khu vực xung quanh.
Một số hoạt động đáng chú ý khác tại Đông Nam Á như cấp điện năng lượng mặt trời cho 20 trường học trên khắp cả nước Việt Nam, dạy hàng nghìn trẻ em về phát triển bền vững và STEM.
Hay tại Thái Lan, Apple tham gia sản xuất năng lượng tái tạo, thay thế nhiên liệu deisel với năng lượng sạch cho một làng chài để duy trì chất lượng sản phẩm hải sản.
Phát triển sự đa dạng & hoà nhập cho tổ chức và cộng đồng
Một số hoạt động khác có thể kể đến như để kỷ niệm Black History Month, Apple mang đến cho người dùng bộ sưu tập mới cùng nội dung độc quyền được sáng tạo bởi các creator, nghệ sĩ, doanh nghiệp… da đen.
Hay nhân ngày International Day Against Homophobia, Transphobia, and Biphobia, Apple ra mắt Apple Watch Pride Edition có thiết kế lấy cảm hứng từ lá cờ 7 sắc cầu vồng.
Nỗ lực tạo ra thế giới đa dạng và hòa nhập hơn của Apple còn thể hiện qua việc ủng hộ 30 triệu USD cho chương trình Racial Equity and Justice Initiative vào tháng 8/2021.
Apple cũng nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng và hoà nhập cho tổ chức. Theo đó, công ty đạt được sự tăng trưởng đáng chú ý từ năm 2014-2020 với những con số cụ thể sau:
* Số lượng nhân viên từ các cộng đồng thiểu số (URC) tăng đến 64% và chiếm gần 50% đội ngũ nhân sự của Apple tại Mỹ.
* Số lượng nhân viên là người da đen tại Mỹ tăng hơn 50%, riêng trong đội ngũ lãnh đạo tăng đến 60%.
* Số lượng nhân viên người Latin tại Mỹ tăng hơn 80% và tăng 90% trong đội ngũ lãnh đạo.
* Sự chênh lệch giữa nam – nữ cũng giảm đáng kể với số lượng nhân viên nữ tăng 70% và tăng 85% trong hàng ngũ lãnh đạo.
Có thể nói CSR là điều kiện bắt buộc để một doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững.
Như CEO Tim Cook chia sẻ: “Những cải tiến thúc đẩy hành trình bảo vệ môi trường, gia tăng sự đa dạng, hoà nhập trong tổ chức không chỉ giảm thiểu tác động đến hành tinh, xã hội mà còn giúp công ty phát triển sản phẩm hiệu quả hơn.”
Những hoạt động này có thể là nền tảng cho một kỷ nguyên mới với tiềm năng đổi mới, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Với cam kết về trung hoà khí carbon cùng I&D, hy vọng sẽ là gợn sóng tạo ra những thay đổi khác và lớn hơn nhiều.
Theo Brands Vietnam