Cà phê không chỉ tạo nên một thức uống độc đáo, hấp dẫn mà phần bã cà phê cũng có thể sử dụng trong rất nhiều trường hợp, mang lại những công dụng bất ngờ.

null
Ngoài ly cà phê mà bạn uống hằng ngày, có rất nhiều sản phẩm được làm từ cà phê.

Theo một thống kê từ Hiệp hội Cà phê nước Anh, thế giới tiêu thụ hơn 2,25 tỷ tách cà phê mỗi ngày.

Pha chế số lượng cà phê như vậy tạo ra nửa triệu tấn bã cà phê tại Anh và hơn 6 triệu tấn bã cà phê trên toàn thế giới được thải ra các bãi rác.

Vì vậy, thay vì bỏ đi, nhiều nhà khởi nghiệp đã tận dụng bã cà phê là nguyên liệu chính cho những sản phẩm của mình.

Ly uống cà phê Kaffeeform

Kaffeeform - một startup ở Berlin (Đức) đã giành được giải thưởng Red Dot Design năm 2018 nhờ những chiếc ly uống cà phê nhỏ xíu làm từ bã cà phê được tái chế.

null
Ly Kaffeeform làm hoàn từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Julian Lechner – Người sáng lập ra Kaffeeform đã mất 5 năm tìm hiểu và nghiên cứu để khám phá ra công thức vững bền, hoàn hảo cho loạt sản phẩm xanh vừa phong cách mà cũng vô cùng ý nghĩa này.

null
Mỗi ly Kaffeeform được sản xuất sẽ giúp giảm tải lượng bã của 6 ly cà phê.

Bã cà phê thu thập được từ những quán nước địa phương được trộn trung với keo dán tự nhiên (biopolymers), mẩu gỗ vụn để ra được hỗn hợp có thể đúc thành khuôn rắn chắc.

Sản phẩm hoàn thiện cuối cùng có nước màu đen nhánh bắt mắt cùng lớp bề mặt mang chấm li ti, hằn những vân nhám tuyệt đẹp.

null
Những chiếc ly uống cafe này đảm bảo an toàn để sử dụng nhiều lần và có thể được rửa trong máy rửa chén.

Anh Julian Lechner chia sẻ:

“Với sự tiêu dùng tăng trưởng chóng mặt như hiện nay, bã cà phê được xem như một loại rác và đang có sẵn với số lượng lớn. Kaffeeform sử dụng nguồn nguyên liệu bỏ đi này để sáng tạo nên những vật dụng vững bền và thân thiện với tự nhiên thay cho những chế phẩm từ dầu mỏ khác.”

Nếu sản phẩm được sử dụng liên tục hơn 3 năm sẽ có thể tạo ra nhiều mảng màu Patina đẹp mắt bên trong ly.

Tuy nhiên nếu không may bị hư hỏng, công ty vẫn sẵn sàng thu gom lại sản phẩm để làm nguyên liệu cho các ly Kaffeeform tương lai.

Nội thất bền vững từ bã cà phê

Công ty thiết kế phi lợi nhuận chuyên về công nghệ xanh Re-worked đã tìm ra giải pháp tái sử dụng bã cà phê vào các thiết kế nội thất.

Không dừng lại với thành quả đã có, công ty vẫn liên tục nghiên cứu và cho ra mắt các loại vật liệu mới.

Nổi bật trong số đó có thể kể đến Curface, chủ yếu được sử dụng làm ván ép.

Loại vật liệu này làm từ bã cà phê và nhựa tái chế, có độ bền cao, không thấm nước, linh hoạt và phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau.

null
Sản phẩm ghế từ bã cà phê của công ty thiết kế Re-worked.

Với chiến lược không ngừng thay đổi và phát triển, đến thời điểm hiện tại, Re-worked đã sở hữu hàng loạt sản phẩm bắt mắt và thân thiện môi trường.

Các sản phẩm nổi bật và luôn được chỉ mặt gọi tên của Re-worked có thể kể đến như ghế ngồi, bàn cà phê, nội thất…

null
Một số thiết kế nội thất bàn, ghế sử dụng từ bã cà phê.

Trồng nấm từ bã cà phê

Trồng cây bằng bã cà phê không phải ý tưởng mới, nhưng công ty Espresso Mushroom đã nâng chúng lên một tầm cao khác.

Nhằm tiết kiệm tối đa thời gian gieo trồng và tối ưu hóa lượng bã cà phê bị bỏ phí, họ đã cho ra mắt bộ kit trồng nấm ngay tại nhà cực tiện lợi và nhỏ gọn.

null
Bộ kit trồng nấm tại nhà làm từ bã cà phê.

Bộ kit gồm hộp trồng nấm, bã cà phê đã khử khuẩn, hạt giống, dụng cụ tưới nước và cả công thức nấu ăn gợi ý cho phần nấm đã thu hoạch.

Sản phẩm này trung bình có thể thu hoạch được 4 lần, với lần thu hoạch tốt nhất lên đến 500g.

Nhờ phản ứng tốt từ khách hàng, tính đến thời điểm hiện tại, công ty đã thu gom và tái chế hơn 10 tấn bã cà phê từ các hàng quán và cửa hàng cà phê xung quanh thành phố Brighton, phía đông Sussex.

Thời trang ứng dụng vải sợi cà phê

Theo các nhà nghiên cứu ngành công nghiệp dệt may, vòng đời của một hạt cà phê vẫn chưa kết thúc kể cả sau khi được xay và pha chế thành nước uống.

Bã cà phê sau khi được làm sạch và tách bỏ dầu (dầu sau đó được dùng cho sản xuất xà phòng và mỹ phẩm) sẽ được nghiền nhỏ thành vụn và trộn với nylon hoặc polyester tạo thành sợi cà phê.

null
Ước tính để tạo ra một chiếc áo cần bã từ 3 cốc cà phê và 5 chai nhựa.

Đối với Singtex – Công ty tại Đài Loan nổi tiếng với dòng sợi S.Cafe đã lựa chọn nguồn nguyên liệu thân thiện hơn với môi trường.

Với công nghệ S.Cafe, bã cà phê vốn được xem như chất thải đã được tái sản xuất để trở thành một dòng vải sợi sinh thái đa chức năng mới - vải sợi S.cafe và được ứng dụng rộng rãi trong ngành may mặc.

Họ sử dụng sợi polyester từ vỏ chai nhựa PET tái chế trộn cùng với bã cà phê lấy từ Starbucks hay các cửa hàng tiện lợi 7 Eleven tại Đài Loan.

null
Một chiếc áo thun được làm từ vải sợi cà phê.

Singtex còn được cấp bằng sáng chế cho quy trình biến bã cà phê thành sợi S.Cafe chỉ với nhiệt độ 160 độ để cacbon hóa, tiết kiệm năng lượng so với 600 độ của sợi thông thường.

Tính năng nổi bật của sợi cà phê chính là cấu trúc sợi cà phê, vì thế chúng sẽ kéo dài vĩnh viễn trong suốt vòng đời của sản phẩm mà không mất đi trong quá trình sử dụng hay giặt giũ.

Bên cạnh đó, phân tử cà phê có tác dụng khử mùi hôi cơ thể sau ngày dài hoạt động.

Như vậy, công nghệ S.Cafe sẽ đẩy nhanh quá trình thoát hơi ẩm trên bề mặt vải, giúp bề mặt da trở nên mát mẻ, thông thoáng suốt cả ngày.

Ngoài ra, vải cà phê còn được cấu tạo bởi các phân tử microscopic nên tạo nên lá chắn ngăn tia UV tác động trực tiếp đến cơ thể.

S.Cafe cũng trở thành nhà máy đầu tiên biến bã cà phê thành sợi với hơn 110 khách hàng trên toàn thế giới bao gồm:

Patagonia, Nike, The North Face, Timberland, Adidas, American Eagle, và Victoria’s Secret…

null
Trung bình mỗi tháng có gần 100 tấn vải pha bã cà phê được sản xuất.

Rens Originals - Thương hiệu giày nổi tiếng từ bã cà phê

Nhắc đến giày làm từ bã cà phê, Rens Original là thương hiệu bật lên đầu tiên trong suy nghĩ của nhiều người.

Ấn tượng hơn nữa khi thương hiệu này được thành lập bởi hai bạn trẻ gốc Việt là du học sinh tại Phần Lan Trần Bảo Khánh (Jesse Tran) và Chu Hoàng Sơn.

null
Trần Bảo Khánh và Chu Hoàng Sơn là hai trong số những người châu Á nhập cư duy nhất có tên trong danh sách 30 Under 30 năm 2020 của Forbes châu u, hạng mục “Doanh nghiệp xã hội”.

Với hy vọng tạo ra một đôi giày thân thiện với môi trường và trung tính carbon đầu tiên trên thế giới, Khánh và Sơn đã tìm kiếm cách tái chế bã cà phê để tạo ra giày thể thao.

Rens Original nổi bật với dòng sản phẩm kết hợp giữa vải làm từ bã cà phê và vỏ chai nhựa tái chế, sử dụng công nghệ AquaScreen Tech tạo ra một loại nguyên liệu hoàn toàn mới.

Mỗi đôi giày được sản xuất sẽ giúp tái sử dụng 300g bã cà phê tương đương với 21 cốc cà phê cùng 500ml nhựa tái chế (khoảng 6 chai nước uống).

null
Sản phẩm hoàn thiện được đánh giá bền và có khối lượng siêu nhẹ chỉ với 460g.

Đồng thời sản phẩm cũng chống thấm nước, khử mùi tốt và có độ khô thoáng cao, tạo cảm giác thoải mái cho người dùng.

Hoàng Sơn chia sẻ:

“Lần đầu tiên trên thế giới có một loại giày vừa thông thoáng vừa chống nước gần như tuyệt đối. Cà phê tạo ra những “túi siêu nhỏ”, có tác dụng “khóa” mùi hôi, kháng khuẩn và giúp sản phẩm nhanh khô.”

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, startup này cho biết, đang ấp ủ dự định dịch chuyển dây chuyền sản xuất về Việt Nam, từ đó có thể tận dụng nguồn bã cà phê trong nước.

Bởi nước ta có nguồn cung bã cà phê lớn nhưng rất tiếc vẫn chưa có công nghệ để xử lý bã cà phê nhằm tạo ra vải giày phù hợp cho Rens.

null
Sản phẩm của Rens Original đã góp phần tái chế một lượng lớn bã cà phê.

Hiện tại, nếu chọn bã cà phê trong nước làm nguồn nguyên liệu thì vẫn phải xuất khẩu sang nước ngoài xử lý rồi nhập khẩu về, như vậy không còn thân thiện với môi trường.

Trong tương lai, Rens Original còn có dự định mở trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam.

Mục đích là để có thể tận dụng bã cà phê trong nước, phát triển công nghệ cho nước và có thể sản xuất giày Rens tại Việt Nam rồi xuất khẩu đi khắp thế giới.

AirX - Khẩu trang từ bã cà phê

Mỗi ngày, thế giới đang thải ra môi trường hàng triệu chiếc khẩu trang dùng một lần, điều này sẽ gây gánh nặng đối với vấn đề xử lý rác thải.

Do đó, anh Lê Thanh – Nhà sáng lập, giám đốc Công ty Cổ phần Veritas Shoes Việt Nam đã sáng tạo ra khẩu trang từ bã cà phê với tên gọi là AirX.

null
Anh Lê Thanh từng được biết đến với thương hiệu giày ShoeX làm từ bã cà phê và gọi vốn thành công 4 tỷ đồng khi tham gia chương trình Shark Tank năm 2018.

Ưu điểm của cà phê là có tính kháng khuẩn tự nhiên, rất an toàn (đã qua kiểm định) và rất rẻ.

Nguyên liệu thải ra từ các nhà máy sản xuất cà phê (vỏ lụa, bã cà phê) và các quán cà phê là rất lớn tại Việt Nam, doanh nghiệp chỉ đến mang về sản xuất, không phải trả tiền.

null
Hiện tại, phần vỏ khẩu trang làm từ sợi cà phê nhập của Đài Loan (Trung Quốc) rồi dệt thành khẩu trang.

Riêng phần màng lọc là do doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, sản phẩm có khả năng tự phân hủy.

Trong đó, cà phê chiếm 9,5% chưa loại bỏ tinh dầu nên giữ được mùi cà phê đặc trưng.

Về đặc tính kháng khuẩn, khẩu trang AirX sử dụng công nghệ kháng khuẩn kép 99,99% với 2 lớp bảo vệ.

null
Lớp ngoài được dệt bằng sợi cà phê, sử dụng công nghệ PowerKnit, có thể giặt mỗi ngày.

Bên trong là lớp màng lọc tự phân hủy sinh học, được sản xuất theo công nghệ kết hợp nano bạc và cà phê.

Mỗi chiếc màng lọc có thể sử dụng tối đa 30 ngày không cần giặt, với hiệu quả được chứng nhận tiêu chuẩn AATCC 100 bởi QUATEST 3.

Tuy nhiên, mặc dù thành công với thương hiệu khẩu trang cà phê nhưng anh Thanh xác định đây chỉ là mặt hàng “thời vụ”.

Startup của anh Thanh hướng đến mục tiêu bán nguyên liệu mới từ bã cà phê để có thị trường lớn hơn.

“Thay vì làm ra sản phẩm, xây dựng thương hiệu để cạnh tranh với các hãng thời trang nổi tiếng thế giới, doanh nghiệp sẽ cung cấp nguyên liệu cho họ.” – anh Lê Thanh tiết lộ.

Bã cà phê - Nguồn nguyên liệu mới thay thế nhựa dùng một lần trong tương lai

Để minh chứng cho mục tiêu của mình, công ty Veritas của anh Lê Thanh đã thành công trong việc nghiên cứu và tìm ra nguồn cung cấp bã cà phê để tạo ra nguyên liệu mới có tên là Coffee Bio-composite.

null
Hạt nhựa sinh học Coffee Bio-composite là một nguyên liệu lý tưởng để thay thế nhựa truyền thống.

Nguyên liệu này có thể sử dụng để tạo ra các vật dụng như chén, đĩa, ly cốc, muỗng, nĩa… hay gần như mọi vật dụng được làm từ nhựa truyền thống.
Theo Veritas, các thành phẩm từ Coffee Bio-composite không chỉ độc đáo mà còn tự hào là sản phẩm Việt Nam 100%.

Từ nguyên liệu ứng dụng cho đến nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo an toàn sức khỏe người dùng.

null
Một số sản phẩm thông dụng trong đời sống đã được thương hiệu AirX ứng dụng từ nguồn nguyên liệu bã cà phê.

Nguyên liệu này đã đạt được chứng nhận OK Biobased 3 sao của tổ chức TUV AUSTRIA, khẳng định có chứa từ 60-80% thành phần sinh học và được đảm bảo an toàn thực phẩm theo chứng nhận của TUV Rheinland.

Bã cà phê sau khi thu gom bã cà phê từ Starbucks và các quán cà phê địa phương sẽ được đưa vào phối trộn và xử lý để tạo ra hạt nhựa sinh học cà phê coffee bio-composite.

Hạt này tiếp tục được đưa vào sản xuất, đúc khuôn và tạo thành thành các phẩm dùng cho cuộc sống hằng ngày như ly, cốc, lược, bàn chải….

null

Mặt khác, sản phẩm còn giúp tận dụng ưu thế nguồn cà phê dồi dào tại Việt Nam và giảm đáng kể tác động tiêu cực của rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường từ các sản phẩm nhựa.

Mỗi năm, môi trường hứng chịu 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong số đó 91% là rác không thể tái chế và gây ảnh hưởng nặng nề đến thiên nhiên.
Thêm vào đó, môi trường còn nhận thêm khoảng 6 triệu tấn bã cà phê mỗi năm, tạo lượng khí thải metan lớn gây hiệu ứng nhà kính gấp 86 lần so với CO2.

null
Với khả năng phân huỷ chỉ sau 2 – 5 năm sử dụng, các sản phẩm làm từ hạt nhựa sinh học cà phê sẽ góp phần bảo vệ môi trường của chúng ta.

Các sản phẩm làm từ bã cà phê còn có nhiều ưu điểm như:

Giá thành rẻ, khả năng phân huỷ sinh học, thân thiện môi trường, linh hoạt ứng dụng trong công nghệ sản xuất đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn Châu u nên chiếm lợi thế về xuất khẩu.

Với những lợi ích kể trên, bã cà phê và những sản phẩm ứng dụng tuyệt vời từ nó chắc chắn sẽ mang lại cho các doanh nghiệp nguồn lợi nhuận to lớn trong tương lai.