Khởi nghiệp với quán cafe độc đáo giữa cánh đồng
Tiệm cafe nằm ở xã Hoà Bắc, cách trung tâm Đà Nẵng gần 40km về phía Tây Bắc nhưng vẫn thu hút rất đông khách du lịch, các bạn trẻ ghé thăm bởi vẻ đẹp thơ mộng, bình yên, khác lạ.
Trước đây, Hoà Bắc (huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) chỉ là một xã nhỏ yên bình, người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp, phát triển kinh tế rừng.
Những năm gần đây, nhiều gia đình, bạn trẻ có xu hướng du lịch trải nghiệm, tìm về các miền quê xa xôi tận hưởng khung cảnh yên bình, thưởng thức sản vật, khám phá những điều mới lạ.
Vì thế mà Hoà Bắc được biết đến như một điểm du lịch mới.
Nắm bắt xu hướng trên, Nguyễn Quốc Khánh (sinh năm 1993, thôn Nam Yên, xã Hoà Bắc) đã mạnh dạn về quê lập nghiệp, mở tiệm cafe độc lạ ngay giữa cánh đồng để phục vụ du khách.
Khánh kể, tốt nghiệp THPT, Khánh làm lái xe cho một công ty du lịch ở quận Sơn Trà và gắn bó với công việc này được 7 năm.
Tuy nhiên khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty tạm dừng hoạt động, Khánh rơi vào cảnh thất nghiệp.
Thất nghiệp, Khánh quyết định về quê sinh sống cùng gia đình.
Cũng từ đây, Khánh nảy ra ý tưởng mở quán cafe như một điểm đến hấp dẫn thu hút khách.
Mặt bằng kinh doanh không cần tìm đâu xa mà chính ngay trên thửa ruộng 500m2 của nhà anh. Tiệm cafe ra đời với mục đích vừa có thu nhập, vừa phát triển du lịch, giới thiệu cảnh đẹp quê hương.
Gom góp số vốn 100 triệu đồng, đầu tháng 4/2021, Khánh bắt đầu hiện thực hoá ý tưởng.
“Tôi cùng bố và một vài người thợ bắt tay vào làm. Tiệm chỉ mất 10 ngày thì hoàn thiện và đưa vào hoạt động luôn trong tháng 4”, Khánh cho biết.
Theo Khánh, thực ra mô hình kinh doanh này không phải mới.
Anh biết đến mô hình này từ năm 2017, khi một người bạn đi du lịch Thái Lan và chụp hình gửi về giới thiệu.
Mặc dù rất thích mô hình này nhưng với Khánh vẫn chỉ là mơ ước bởi thời điểm đó vốn không có, du lịch địa phương vẫn chưa được biết đến nhiều nếu kinh doanh sẽ rất khó khăn.
Vài năm gần đây, tại Hội An (Quảng Nam) cũng đã xuất hiện vài quán cafe có mô hình tương tự.
Còn tại Hoà Bắc thì chưa có ai triển khai.
Trong khi Hoà Bắc sở hữu cánh đồng lúa bao la bát ngát, không khí bình yên, trong lành, những ngọn núi trập trùng, vô cùng thơ mộng.
Khánh mong muốn tiệm cafe trở thành không gian đem đến cho mọi người những phút giây thoải mái, thư giãn nên tiệm được thiết kế mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên.
Bỏ xa phố thị, công việc hằng ngày của Khánh là vừa làm ông chủ kiêm pha chế, thu ngân.
“Bỏ phố về quê, tôi được sống gần gia đình, làm chủ thời gian, ngày nào cũng được ngắm cảnh đẹp”, Khánh hài hước nói.
Tuy nhiên, điểm hạn chế hiện nay là tiệm cafe chỉ có thể kinh doanh từ tháng 2 đến tháng 10. Khoảng thời gian còn lại gần như không có khách do ảnh hưởng của mưa, bão.
Theo Khánh, hiện lợi nhuận mỗi tháng của tiệm khoảng 15 triệu đồng. Ngày cao điểm, tiệm cafe tiếp đón khoảng 100-150 khách. Giá đồ uống tại đây khá bình dân chỉ khoảng 15.000-30.000 đồng.
Chia sẻ về những dự định tiếp theo, Khánh cho biết, thời gian tới anh sẽ mở thêm dịch vụ cắm trại qua đêm.
Đồng thời phát triển, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm nông sản địa phương đến với du khách.
Chàng trai Hà Thành bỏ việc lương 30 triệu, lên núi làm giàu
Trước đây câu chuyện của một chàng trai Hà Thành bỏ việc lên núi cũng từng gây xôn xao cộng đồng mạng.
Chàng trai Hà thành khiến gia đình và bạn bè sửng sốt khi bỏ công việc với thu nhập 30-40 triệu đồng mỗi tháng, quyết định lên núi làm giàu.
Sở hữu một studio chụp ảnh cưới ở Lào Cai với doanh thu 1 tỷ đồng một năm, Nguyễn Lương Hiếu (28 tuổi), chàng trai gốc Hà Nội vẫn tiếp tục chi thêm 40 triệu đồng để học các khóa pha chế.
Anh Hiếu cho biết, sau khi học xong, anh sẽ bỏ ra 500 triệu đồng mở một quán cà phê take-away rộng hơn 300 m2 tại tỉnh miền núi này.
Chia sẻ về quá trình “bỏ thủ đô lên miền núi”, chàng trai Hà Nội cho biết đã từng trải qua nhiều sóng gió.
Năm 2006, dù mặc cảm chuyện thi cử không thành, Hiếu vẫn quyết tâm học trung cấp rồi lên đại học.
Hoạt bát, có khiếu kinh doanh, khi đang học ĐH Kinh tế Quốc dân, Hiếu xin được vào làm nhân viên kinh doanh cho công ty thương mại lớn ở Hà Nội.
Với mức doanh thu liên tục vượt chỉ tiêu, anh được đồng nghiệp và lãnh đạo công ty trọng dụng.
Mới ra trường song đã có thu nhập 30-40 triệu đồng mỗi tháng, Hiếu được bạn bè nể trọng.
Trong một chuyến du lịch, Hiếu ghé chơi nhà bạn ở Lào Cai.
Nhận thấy ở đây phát triển, người dân rất có điều kiện nên anh lên kế hoạch cùng bạn mở một studio chụp ảnh cưới.
Vứt bỏ công việc với thu nhập đáng mơ ước, Hiếu đăng ký khóa học chụp ảnh.
Anh kể, quyết định nói trên bị gia đình kịch liệt phản đối.
Bác Bùi Thị Nhung, mẹ Hiếu nhớ lại: “Trong khi người ta đổ về Hà Nội, mong muốn trụ lại đất thủ đô thì Hiếu lại nghĩ ngược.
Đó là lý do cả gia đình không một ai ủng hộ”.
Chàng trai trẻ bỏ ngoài tai những lời chê trách, quyết tâm theo đuổi ý tưởng.
Dù vậy, khi studio chuẩn bị hoạt động, vì một số lý do về vốn, nhân công nên kế hoạch "làm giàu trên miền đất hứa" đã không thành.
Quay trở về Hà Nội nhưng tâm trí Hiếu vẫn đặt trọn ở Lào Cai.
Một năm sau dù chỉ có vài chục triệu đồng trong tay nhưng Hiếu vẫn rủ bạn bè, người thân cùng góp vốn để hoàn thiện kế hoạch dang dở.
Người bạn trong nhóm studio Nguyễn Thanh Lâm ( Âu Cơ, Hà Nội) chia sẻ: “Ban đầu, Hiếu gợi ý góp vốn mở studio ở Lào Cai mình không đồng tình.
Các thành viên đều trai gốc Hà Nội, đã có công việc ổn định.
Thế nhưng, khi Hiếu đưa bản kế hoạch chi tiết với dự án 2 năm, 5 năm, 10 năm thì tất cả mọi người đều bị anh thuyết phục”.
Sau khi dồn được vốn gần 500 triệu đồng, 2 tháng sau, studio chụp ảnh cưới hoàn thiện.
Tuy nhiên, do không phải người bản địa, ít mối quan hệ nên 2 tháng mở studio, nhóm của Hiếu vẫn chưa có khách hàng.
Chi phí thuê mặt bằng, nhân công, ăn ở cứ thế đội lên theo cấp số nhân.
Khi cả nhóm chỉ còn 2,2 triệu đồng trong tay, vị khách đầu tiên mới xuất hiện.
Nhưng chưa thỏa thuận từ đầu, studio chỉ nhận được 1/5 số tiền trong gói chụp ảnh 6 triệu đồng.
Cũng sau lần ấy, cả nhóm rút kinh nghiệm và cải thiện cách làm việc, liên tục đổi mới trang phục, địa điểm chụp.
Hiếu cho biết: “Thị hiếu chụp ảnh ở Lào Cai khác nhiều so với xu hướng ở Hà Nội.
Phần lớn khách ở đây chuộng trang phục nhiều họa tiết, tông màu nổi…”.
Sau 6 tháng vận hành, studio bắt đầu chạy vào quỹ đạo và đạt doanh số đáng kể. Gói chụp ảnh dao động từ 6 đến 20 triệu đồng. Vào mùa cưới tháng 3, 4, 5 nhân viên của studio phải “chạy sô”, phục vụ đến 30 cặp khách.
Về những dự định sắp tới, Hiếu nói thêm: “Thành phố Lào Cai rất phát triển, người dân thậm chí có điều kiện hơn cả Hà Nội.
Trong khi đó, các dịch vụ ăn uống, giải trí chỉ mới sơ khai.
Nếu khai thác những dịch vụ mới ở đây sẽ rất có tiềm năng”.
Trong thời gian tới, nhóm sẽ mở thêm một quán cà phê kiêm phim trường chụp ảnh rộng khoảng 300 m2. Hiếu tự tin cho biết, mô hình này sẽ thành công vì lần đầu tiên xuất hiện ở Lào Cai.
9X từ bỏ công việc ổn định về làng biển khởi nghiệp
Từng tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, có một công việc ổn định, nhưng anh Nguyễn Hữu Phước (SN 1994), ở thôn Liêm Tiến, xã Ngư Thủy (Lệ Thủy) vẫn từ bỏ để về quê khởi nghiệp.
Sau hơn một năm, bước đầu, anh đã thành công với nghề chế biến và kinh doanh thủy sản.
Sau khi tốt nghiệp, anh được nhận vào làm cho một công ty chế biến thủy sản với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng.
Hai năm làm việc ở TP. Hồ Chí Minh đã giúp Phước tích lũy được một số vốn và khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến thủy sản nên anh đã quyết định về quê khởi nghiệp.
Phước kể: "Thời điểm đó, công ty cũng muốn ký hợp đồng lâu dài với mức lương hấp dẫn cùng nhiều chế độ đãi ngộ nhưng tôi vẫn từ chối để về quê lập nghiệp.
Bởi vùng biển quê mình có nhiều loại thủy sản rất ngon nhưng bà con bán thô nên giá trị kinh tế thấp.
Cha mẹ tôi ban đầu cũng phản đối khá kịch liệt vì muốn con ở thành phố phát triển sự nghiệp".
Tháng 9-2019, vùng đất cát Ngư Thủy đón chàng kỹ sư nông nghiệp trở về mang theo bao ước mơ và hoài bão. Không để gia đình và bà con thất vọng, Phước bắt tay ngay vào công việc mới nơi quê nhà với số vốn ban đầu vỏn vẹn 70 triệu đồng.
Với diện tích đất vườn của gia đình, anh đã đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng trên 100m2.
Cạn vốn, anh tâm sự với gia đình mang toàn bộ tài sản có giá trị trong nhà để thế chấp vay vốn.
Sau một thời gian, cơ sở chế biến thủy sản Ngư Nam cũng được hình thành với tổng số vốn đầu tư gần 300 triệu đồng.
Thời gian đầu, anh tập trung mua cá, mực từ bà con trong thôn về chế biến bằng cách cấp đông và sấy khô.
Những sản phẩm của anh làm ra đều có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nên sớm xâm nhập được vào thị trường trong và ngoài tỉnh.
Công việc làm ăn ngày càng ổn định, đầu năm 2020, anh Phước tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và cho ra sản phẩm cá lóc tẩm gia vị sấy khô.
Trong năm 2020, cơ sở sản xuất của anh Phước đã tiêu thụ cho bà con trong thôn 20 tấn cá lóc nguyên liệu, 18 tấn mực ống và 20 tấn hải sản khác.
Các sản phẩm của cơ sở anh Phước đều được chế biến từ nguồn nguyên liệu tại địa phương, có giấy chứng nhận bảo đảm an toàn về thực phẩm, tem truy xuất nguồn gốc nên đã có mặt tại các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị và nhà hàng lớn trong, ngoài tỉnh.
Với mô hình sản xuất này, anh Phước đã giải quyết việc làm cho 5 lao động tại địa phương, tiêu thụ sản phẩm cho hàng chục hộ dân trong thôn, lãi ròng mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.
Anh Nguyễn Hữu Phước chia sẻ: “Khi mình còn trẻ, mình cần phải mạnh dạn để khởi nghiệp.
Dù có khó khăn, thất bại cũng không được lùi bước.
Cái gì không biết thì phải học, phải hỏi, phải thử.
Còn về kế hoạch trong thời gian tới, tôi sẽ hoàn thành các thủ tục để thành lập hợp tác xã.
Đồng thời, tôi tiếp tục mở rộng nhà xưởng, chế biến thêm nhiều sản phẩm, tạo ra việc làm cho lao động địa phương”.
Với thành công ban đầu, mô hình chế biến thủy sản Ngư Nam của anh Phước đã được nhiều bạn trẻ đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Sản phẩm cá lóc tẩm gia vị sấy khô Ngư Nam của anh Phước cũng đã đạt giải ba cuộc thi "Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo" tỉnh Quảng Bình năm 2020.
Những người trẻ ngày nay đã có cái nhìn rộng hơn về việc làm giàu. Khởi nghiệp làm giàu không nhất thiết phải ở những nơi phồn hoa phố thị, chỉ cần nơi nào có khách hàng và nhìn thấy được thị trường tiềm năng, nơi đó luôn là cơ hội tốt để những bạn trẻ bắt đầu xây dựng sự nghiệp cho bản thân.
Tổng hợp từ nhiều nguồn