Hai năm trở lại đây, Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn với nhiều tập đoàn công nghệ lớn.

Riêng năm 2020, có ít nhất 4 trong số 20 nhà cung ứng chính thức cho Apple tại Việt Nam có động thái cho thấy họ đang chuẩn bị để đưa nhà máy vào hoạt động trong năm 2021, thậm chí là chuẩn bị cho những kế hoạch dài hơn.

Điểm đáng chú ý là những tập đoàn này đều đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc Việt Nam, cụ thể như sau:

Foxconn đầu tư dự án nhà máy Fukang Technology tại Bắc Giang

Nhà máy này được đặt tại khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang với công suất năm đầu tiên ước khoảng 8 triệu sản phẩm, chủ yếu là gia công máy tính bảng và máy tính xách tay.

Tổng vốn đầu tư đăng ký của Foxconn cho dự án này vào khoảng 270 triệu USD (tương đương 6.233 tỉ đồng).

null Nhà máy của Foxconn tại Bắc Giang.


Tổng giám đốc Foxconn Việt Nam Trác Hiến Hồng cho biết tổng vốn đầu tư của tập đoàn vào Việt Nam là khoảng 1,5 tỉ USD, tính tới hết tháng 12/2020, riêng số vốn đầu tư vào tỉnh Bắc Giang ước đạt 900 triệu USD.

Người đứng đầu Foxconn Việt Nam cũng tiết lộ tập đoàn này dự kiến tăng thêm khoảng 700 triệu USD đầu tư vào Việt Nam trong năm 2021.

Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US-ABC), gọi việc Foxconn công bố đầu tư vào Bắc Giang là:

"Kết quả của kế hoạch được khởi động từ khoảng mùa thu năm 2019, sau đó được củng cố thêm bởi nhiều yếu tố".

Pegatron rót vốn vào Hải Phòng

Tháng 9/2020, Pegatron - một trong 5 đối tác sản xuất linh kiện của Apple, Microsoft và Sony - hé lộ dự định rót 1 tỉ USD cho 3 dự án tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng).

Cụ thể, văn bản cho biết từ tháng 3, dự án đầu tiên của Pegatron tại Việt Nam với vốn đầu tư 19 triệu USD đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng.

Đồng thời, Pegatron cho biết có ý định đầu tư tiếp dự án nhà máy thứ hai và ba tại Việt Nam, với số vốn lần lượt 481 triệu và 500 triệu USD.

null Pegatron có ý định rót đến 1 tỷ USD cho thị trường Việt Nam.


Nhà máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động sau Tết Nguyên đán 2021. Bên cạnh đó, tập đoàn công nghệ này đã xúc tiến các thủ tục xin giấy phép đầu tư để chuyên sản xuất thiết bị điện tử, máy tính, bảng mạch... cung cấp cho các đối tác lớn trong khuôn khổ dự án thứ hai.

Dự án thứ ba dự kiến được triển khai sau 6-7 năm tới. Pegatron còn có ý định đưa trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) từ Trung Quốc về Việt Nam cùng thời điểm với kế hoạch triển khai nhà máy thứ ba này (2026-2027).

CEO Pegatron Syh-Jang Liao từng đề cập:

"Chúng tôi chuyển tới Việt Nam là do yêu cầu của khách hàng. Công nghiệp điện tử ở đó đã phát triển và có vị trí gần với nơi cung cấp linh kiện từ Trung Quốc."

null Cũng giống như Foxconn, Pegatron nhận thấy nhiều lợi thế tại thị trường Việt Nam.


Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C lựa chọn Quảng Ninh làm điểm đến

Ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc tổ hợp khu công nghiệp DEEP C ở Quảng Ninh - từng nhắc tới khu vực các tỉnh phía Bắc như một điểm sáng mới, nơi mà các doanh nghiệp FDI đang tiếp tục rót vốn vào để mở rộng hoạt động kinh doanh.

"Tôi mong mọi người nhớ một điều rằng, cho tới ngày hôm nay ở phía Bắc Việt Nam, chúng tôi vẫn đang phục vụ cho các khoản đầu tư rất lớn thông qua DEEP C, chủ yếu là các doanh nghiệp về automative và electronics."

- ông Jaspaert nói.

null Khu công nghiệp Deep C tại Quảng Ninh.


Những lợi thế hấp dẫn từ thị trường miền Bắc

Có nhiều lý do khiến các tỉnh miền Bắc trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với các doanh nghiệp lớn, ví dụ như vị trí gần với Trung Quốc (nơi cung cấp các linh kiện để lắp ráp và sản xuất, cơ sở hạ tầng, giao thông được cải thiện trong những năm gần đây).

Chuyên gia thương mại Stephen Olson thuộc Hinrich Foundation cho rằng sự đầu tư này là:

"Phản chiếu xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong một khoảng thời gian dài."

Ngoài ra, Olson phân tích làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất của các tập đoàn công nghệ lớn về Việt Nam có những tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam trong cả ngắn lẫn dài hạn, ví dụ như hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm và nâng mức thu ngân sách của các tỉnh mà những tập đoàn lớn này quyết định đặt trụ sở.

null Chuyên gia Stephen Olson.


"Quan trọng hơn, sự dịch chuyển của các tập đoàn công nghệ ở quy mô toàn cầu tới Việt Nam sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, đầu tiên là thu hút các doanh nghiệp phụ trợ đi theo, kế tiếp là các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác như kinh tế số hay thương mại điện tử.

- ông Thành chỉ ra.

Dù vậy, cả hai chuyên gia tỏ ra quan ngại về sự phát triển bền vững trong tương lai của Việt Nam khi năng lực hiện tại chưa thể hấp thụ được hết tất cả những khoản vốn đầu tư liên tục được rót vào từ nhiều đại gia công nghệ trên toàn cầu.

Bích Hà