Các thói quen này được trích trong cuốn sách nổi tiếng “The 7 Habits of Highly Effective People (7 Thói quen hiệu quả)” của tác giả Stephen Covey.
Quyển sách được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ, với 40 triệu bản in và 1 triệu bản audio, trở thành cuốn sách về quản trị bán chạy nhất và có ảnh hưởng nhất mọi thời đại.
Hiện có hơn 90% tập đoàn trong “Top Fortune 100” và 75% tập đoàn trong “Top Fortune 500” đã chọn giải pháp “7 Habits” để phát triển lãnh đạo và đội ngũ của mình.
Trước kia, nền tảng của sự thành công dựa trên đạo đức (những đức tính như chính trực, khiêm tốn, trung thành, can đảm, liêm minh, kiên nhẫn, giản dị, khiêm tốn và tuân thủ quy tắc).
Nhưng bắt đầu từ khoảng những năm 1920, cách mọi người nhìn nhận thành công chuyển sang cái mà Covey gọi là "đạo đức nhân cách" (nơi thành công là một chức năng của tính cách, hình ảnh công chúng, thái độ và hành vi).
Điều này thể hiện qua 7 thói quen cụ thể như sau:
- Nhóm thói quen cá nhân: Thói quen 1, 2 và 3 tập trung vào việc làm chủ bản thân và thay đổi từ tính phụ thuộc sang độc lập
- Nhóm thói quen tập thể: Thói quen 4, 5 và 6 tập trung vào việc phát triển kỹ năng làm việc nhóm, hợp tác, giao tiếp, và chuyển từ tính độc lập sang phụ thuộc lẫn nhau
- Thói quen 7 tập trung vào sự phát triển và cải tiến liên tục. Và là sự phản ánh của tất cả các thói quen khác.
Nhóm thói quen cá nhân - Chủ động, Mục tiêu, Ưu tiên
Nhóm thói quen cá nhân bao gồm:
- Tính chủ động;
- Bắt đầu bằng mục tiêu thực;
- Ưu tiên điều quan trọng.
1. Be proactive - Hãy tự chủ động
Thói quen đầu tiên mà Covey đề cập tới là tính chủ động.
Theo ông, ai cũng có một bản năng có thể tạo sức ảnh hưởng đến toàn nhân loại.
Vì vậy, hãy chủ động tập trung và thực hiện những gì có thể kiểm soát thay vì tập trung vào những điều không thể.
Những người thụ động thường suy nghĩ:
“Tôi không thể làm được gì”, “Đó là cách của tôi”.
Theo đó, những người này có xu hướng tự vẽ nên một viễn tưởng cho tương lai, và ngày càng nghĩ mình trở thành nạn nhân và dần mất kiểm soát bản thân.
Trái lại, những người chủ động thường sống có trách nhiệm - hay “khả năng phản ứng” hơn, mà Covey định nghĩa là khả năng lựa chọn cách chúng ta phản hồi với tình huống bất kỳ.
Ông cũng đưa ra các cách luyện tập tính chủ động:
- Tập thay thế ngôn ngữ thụ động thành chủ động.
Ví dụ:
Thụ động - “Điều đó khiến tôi cảm thấy khó chịu”.
Chủ động - “Tôi có thể kiểm soát được cảm xúc của mình”
- Chuyển đổi các nhiệm vụ thụ động thành các nhiệm vụ chủ động.
Ví như việc tự có trách nhiệm đưa ra những giải pháp trong các tình huống bất kỳ xảy ra.
2. Begin with an End in mind - Bắt đầu bằng mục tiêu thực
Sau sự chủ động là sự liền mạch và rõ ràng.
Hầu hết chúng ta đều thấy bản thân liên tục bận rộn.
Chúng ta làm việc chăm chỉ để đạt được những thành quả (thăng chức, tăng lương, được nhiều người công nhận).
Nhưng chúng ta không thường dừng lại để tự nhìn lại ý nghĩa đằng sau tất cả sự cố gắng đó, đằng sau những thành quả đó liệu có thực sự quan trọng và xứng đáng đối với chúng ta hay không.
Thói quen 2 cho thấy rằng, trong mọi việc chúng ta làm, chúng ta nên bắt đầu với một mục tiêu rõ ràng trong đầu.
Kết hợp với thói quen tự chủ động, chúng ta có thể định hình cuộc sống của chính mình.
Thay vì sống cuộc sống theo mặc định hoặc dựa trên các tiêu chuẩn hoặc sở thích của người khác.
Ví như, để hoạt động kinh doanh có hiệu quả, một nhà lãnh đạo cần đặt ra một định hướng và chiến lược đúng đắn cho doanh nghiệp.
Stephen Covey gợi ý một số phương pháp thực hiện thói quen này như:
- Nếu chỉ còn 30 ngày để sống, bạn sẽ thay đổi tích cực như thế nào ? Hãy sống cuộc đời còn lại với những thay đổi như thế.
- Chia nhỏ các vai trò khác nhau trong cuộc sống - dù là nghề nghiệp, cá nhân hay cộng đồng - và liệt kê 3 đến 5 mục tiêu cần đạt được cho mỗi vai trò.
- Xác định điều gì khiến chúng ta sợ hãi và cách khắc phục.
3. Put first things first - Ưu tiên điều quan trọng
Một thói quen nữa cần được chú trọng là sắp xếp các ưu tiên và thực hiện những mục tiêu quan trọng nhất, thay vì chỉ liên tục phản ứng với những điều cấp bách.
Theo đó, chúng ta phải có trách nhiệm sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các công việc hàng ngày của mình dựa trên điều gì là quan trọng nhất, chứ không phải điều gì là khẩn cấp nhất.
Chúng ta nên luôn duy trì sự tập trung vào các mối quan hệ và kết quả, tập trung thứ yếu vào thời gian.
Dưới đây là một số cách giúp chúng ta có thể thực hành sắp xếp những điều ưu tiên lên hàng đầu:
- Xác định những công việc quan trọng, viết ra và cam kết thực hiện.
- Tạo ma trận quản lý thời gian để bắt đầu thực hiện những công việc ưu tiên.
- Ước tính lượng thời gian bạn dành cho mỗi công việc thường ngày, sau đó lên kế hoạch cụ thể.
Nhóm thói quen tập thể - Tư duy cho các đội nhóm trong doanh nghiệp và cả các mối quan hệ xã hội
Từ thói quen cá nhân, chúng ta sẽ nâng cấp lên các thói quen tập thể, cụ thể như:
- Tư duy cùng thắng;
- Lắng nghe và Thấu hiểu;
- Hợp lực
4. Think win-win - Tư duy cùng thắng, đôi bên cùng có lợi
Hợp tác hiệu quả hơn bằng việc xây dựng các mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng sâu sắc.
Để thiết lập các mối quan hệ đôi bên cùng có lợi hiệu quả, chúng ta phải cam kết tạo ra các tình huống Win-Win có lợi cho cả đôi bên và thỏa mãn mỗi bên.
Tác giả giải thích rằng có 6 mô hình tương tác giữa con người với nhau:
- Win-Win (Thắng - Thắng)
Cả hai người cùng thắng. Các thỏa thuận hoặc giải pháp có lợi cho cả hai bên và làm hài lòng cả hai bên.
- Win-Lose (Thắng - Thua): "Nếu tôi thắng, bạn sẽ thua."
Những người Thắng-Thua có xu hướng sử dụng vị trí, quyền lực, chứng chỉ và nhân cách để đạt được mục tiêu của họ.
- Lose-Win (Thua - Thắng): "Tôi thua, bạn thắng."
Những người Thua-Win thường nhanh chóng làm hài lòng và xoa dịu, đồng thời tìm kiếm sức mạnh từ sự chấp nhận hoặc sự nổi tiếng.
- Lose-Lose (Thua - Thua): Cả hai người đều thua.
Khi hai người Thắng-Thua gặp nhau - tức là khi hai cá nhân kiên quyết, cứng đầu, đầu tư vào cái tôi tương tác với nhau - thì kết quả sẽ là Thua-Thua.
- Win (Thắng): Những người có tâm lý Thắng
không nhất thiết muốn người khác thua - điều đó không liên quan. Điều quan trọng là họ có được những gì họ muốn.
- Win-Win hoặc No Deal (Thắng - Thắng hoặc không thỏa thuận)
Nếu chúng ta không thể đạt được thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, thì không có thỏa thuận nào cả.
Lựa chọn tốt nhất là tạo các tình huống Win-Win.
Vì với tình huống Win-Lose, hoặc Lose-Win, chúng ta sẽ có vẻ đạt được những gì mong muốn vào lúc này (cảm giác đắc thắng), nhưng kết quả sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa hai bên về sau.
Hãy bắt đầu rèn luyện tư duy đôi bên cùng có lợi với các thử nghiệm sau:
- Xác định 3 mối quan hệ quan trọng trong cuộc sống.
- Hãy nghĩ về những gì mà chúng ta cảm thấy cân bằng trong mỗi mối quan hệ đó.
- Chúng ta có cho nhiều hơn không?
- Viết ra 10 cách để mối quan hệ luôn cho nhiều hơn những gì chúng ta nhận được.
Có thể thấy cách mà Shea Home đã sử dụng "7 Thói quen", đặc biệt là thói quen này: "Tư duy cùng thắng".
Các nhân viên của công ty đều được đào tạo theo tư duy này, hiểu được mục tiêu của từng công việc và cùng nhau đóng góp sức mình cho những giá trị của doanh nghiệp.
5. Seek first to understand, then to be understood - Lắng nghe và Thấu hiểu
Điều này cũng quan trọng không kém trong việc đạt được tư duy Win-Win.
Thói quen thứ 5 nói rằng chúng ta phải trước tiên phải tìm hiểu, sau đó để thấu hiểu.
Và để tìm hiểu, chúng ta phải học cách lắng nghe.
Nói cách khác, trước khi có thể đưa ra lời khuyên, đề xuất giải pháp hoặc tương tác với bất kỳ ai, chúng ta phải tìm cách hiểu rõ về họ và quan điểm thông qua việc lắng nghe và thấu hiểu.
Stephen Covey chỉ ra rằng, các chuyên gia về lĩnh vực truyền thông ước tính rằng:
- 10% giao tiếp của chúng ta được thể hiện bằng lời nói;
- 30% được thể hiện bằng âm thanh;
- 60% được thể hiện bằng ngôn ngữ cơ thể.
Khi chúng ta lắng nghe một cách thụ động, chúng ta có xu hướng phản hồi theo một trong bốn cách:
- Đánh giá: Đồng ý hay không đồng ý với những gì được nói;
- Thăm dò: Đặt câu hỏi từ những suy nghĩ của chính chúng ta;
- Lời khuyên: Đưa ra lời khuyên dựa trên kinh nghiệm;
- Diễn giải: Cố gắng tìm ra động cơ và hành vi của người đó dựa trên động cơ và hành vi của chính chúng ta.
Nhưng nếu chúng ta thay thế những kiểu phản hồi này bằng cách lắng nghe thấu cảm, chúng ta sẽ thấy kết quả đáng kể trong việc cải thiện giao tiếp.
Khi trình bày ý tưởng, suy nghĩ một cách rõ ràng trong điều kiện đã hiểu biết sâu sắc về nhu cầu và mối quan tâm của đối phương, chúng ta sẽ tăng đáng kể độ tin cậy cho những gì mình nói.
Chúng ta có thể luyện tập bằng cách này trong những bài thuyết trình hoặc trong các cuộc hội thoại:
- Bắt đầu bằng cách mô tả quan điểm của người nghe một cách chi tiết.
- Liên tưởng đến những điều chúng ta sắp nói cần như thế nào để đưa ra giải pháp hữu ích nhất dành cho vấn đề của người nghe.
6. Sygnergize - Hợp lực
Bản chất thực sự của sức mạnh tổng hợp là đánh giá được sự khác biệt - sự khác biệt về tinh thần, cảm xúc và tâm lý giữa mọi người.
Cụ thể, thói quen Hợp lực cho phép chúng ta:
- Đánh giá cao sự khác biệt ở người khác như một cách để mở rộng thêm tư duy của bạn;
- Loại bỏ năng lượng tiêu cực và tìm kiếm điều tốt đẹp ở người khác;
- Rèn luyện “cái tôi” trong các tình huống phụ thuộc lẫn nhau để cởi mở hơn và khích lệ người khác cởi mở;
- Thúc đẩy sự sáng tạo và tìm ra giải pháp tốt hơn cho mọi người bằng cách tìm kiếm tiếng nói chung.
Từ đó, thói quen này cho phép một hội nhóm đồng ý buông bỏ các đường lối cũ và lập nên những chiến lược mới.
Stephen Covey đã gợi ý về cách rèn luyện thói quen này như sau:
- Lập danh sách những người bạn không thể nào hòa hợp và cả những người bạn hòa thuận.
- Chọn 1 người trong mỗi danh sách.
- Đặt bản thân vào vị trí của họ, tìm điểm giống và khác nhau trong quan điểm, mối quan tâm.
- Tìm hiểu lý do và cách giải quyết hoặc những điều kiện khiến chúng ta có mối quan hệ tuyệt vời đó.
Thói quen thứ 7 - Thói quen Rèn mới bản thân (Sharpen the saw)
Thói quen hiệu quả thứ 7 là tập trung vào việc đổi mới bản thân hoặc "mài giũa" bản thân.
Thói quen này bao hàm tất cả các thói quen khác và làm cho mỗi thói quen trở nên khả thi, đồng thời giữ gìn và nâng cao tài sản lớn nhất - chính là bản thân chúng ta.
Có 4 khía cạnh trong bản chất của chúng ta cần được cải thiện, và mỗi khía cạnh phải được thực hiện thường xuyên và theo những cách khoa học:
- Thể chất;
- Tinh thần;
- Tâm hồn;
- Đời sống xã hội, tình cảm.
1. Thể chất - Liên kết với thói quen chủ động
Mục tiêu của việc cải thiện thể chất liên tục là rèn luyện cơ thể của chúng ta, theo cách sẽ nâng cao năng lực làm việc, thích nghi với nó và tận hưởng.
Để đổi mới bản thân về mặt thể chất, chúng ta phải:
- Ăn tốt;
- Nghỉ ngơi và thư giãn đầy đủ;
- Tập thể dục thường xuyên để tăng sức bền, sự dẻo dai và sức mạnh.
Nhờ có sức khỏe tốt, chúng ta có thể đồng thời rèn luyện được thói quen đầu tiên, tăng tính chủ động trong mọi tình huống.
2. Tinh thần - Liên kết với thói quen bắt đầu bằng mục tiêu
Mục tiêu của việc đổi mới sức mạnh tinh thần là tiếp thêm khả năng lãnh đạo cuộc sống và củng cố giá trị của bản thân.
Để đổi mới bản thân về mặt tinh thần, chúng ta có thể:
- Thực hành thiền định mỗi ngày;
- Gần gũi với thiên nhiên;
- Đắm mình trong văn học hoặc âm nhạc tuyệt vời.
Tập trung vào kích thích tinh thần giúp chúng ta thực hành Thói quen 2, vì chúng ta cần sửa đổi các giá trị và tính kiên định của bản thân, để có thể sống với mục tiêu đã định.
3. Tâm hồn - Liên kết với thói quen lắng nghe và thấu hiểu
Mục tiêu của việc làm mới tâm hồn là mở rộng tâm trí của chúng ta.
Để làm mới bản thân về mặt tâm hồn, chúng ta có thể:
- Đọc những kiệt tác văn học;
- Viết nhật ký về những suy nghĩ, kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc của bạn;
- Hạn chế xem tivi hoặc chỉ xem những chương trình làm phong phú thêm đời sống và tâm trí của bạn.
Tập trung vào chiều hướng tâm hồn giúp chúng ta thực hành Thói quen hiệu quả 3 bằng cách quản lý bản thân một cách hiệu quả để sử dụng tối đa thời gian và nguồn lực của mình.
4. Đời sống xã hội, tình cảm - Liên kết với nhóm thói quen tập thể
Mục tiêu của việc thay đổi bản thân về mặt đời sống xã hội là phát triển các mối quan hệ có ý nghĩa.
Để làm được điều đó, chúng ta có thể:
- Tìm hiểu sâu sắc về người khác;
- Tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp cải thiện cuộc sống của người khác;
- Duy trì trí tuệ dồi dào và tìm cách giúp người khác chạm đến thành công.
Đổi mới khía cạnh đời sống xã hội và cảm xúc giúp chúng ta thực hành các Thói quen 4, 5 và 6 bằng cách nhận ra giá trị của tư duy Win-Win, học cách hiểu người khác hơn và tìm ra các giải pháp cùng có lợi thông qua sức mạnh Hợp lực.
Từ đó, chúng ta có thể thực hiện 7 thói quen hiệu quả.
Giá trị thực sự của 7 Thói quen là nâng cấp bản thân đến những giai đoạn phát triển, thay đổi và cải tiến liên tục.
Lời kết
Có thể thấy, đây là 7 thói quen hữu ích cho từng cá nhân và cả những doanh nghiệp.
Mỗi một thói quen đều mang lại những giá trị riêng, như những bộ phận của một cái cây.
Chúng ta có thể áp dụng những thói quen nay để rèn luyện bản thân và các doanh nghiệp cũng có thể áp dụng linh hoạt vào văn hóa doanh nghiệp.