Đã có nhiều thành công với những mô hình khởi nghiệp từ côn trùng như:
- Startup chế biến thức ăn chăn nuôi Entobel: Phát triển tiềm năng của Ruồi lính đen;
- Tracybee: Mật ong hoa vải;
- Anh Hà Văn Huy - Thu nhập trăm triệu từ nghề nuôi ong;
- Anh Đình Luân - Khai thác tiềm năng của con dế và khởi nghiệp thành công.
1. Startup chế biến thức ăn chăn nuôi Entobel - Phát triển tiềm năng của Ruồi lính đen
Entobel là một công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Singapore, đang phát triển tiềm năng của Ruồi lính đen (Hermetia illucens).
Đây là một loài côn trùng nổi tiếng với khả năng chuyển đổi sinh học và có tiềm năng rất lớn làm tài nguyên cho các ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm thức ăn chăn nuôi và chăm sóc sức khỏe động vật.
Đầu năm 2019, Entobel đã xây dựng một trong những nhà máy sản xuất và chế biến côn trùng lớn nhất thế giới tại tỉnh Đồng Nai, với công suất hàng năm 1,000 tấn bột thức ăn chăn nuôi từ côn trùng.
Sau 8 năm, Entobel đã thực hiện nhiều nghiên cứu chuyên sâu và phát triển nhiều dự án nhằm hoàn thiện công nghệ chế biến phụ phẩm, thực phẩm thành Protein từ côn trùng trên quy mô lớn và duy trì hiệu quả vốn.
Trong tương lai, với tầm nhìn trở thành nhà sản xuất Protein côn trùng lớn nhất trên thế giới, Entobel có kế hoạch phát triển hơn nữa năng lực sản xuất với các dự án phát triển nhà máy mới trong khu vực.
Đọc thêm: Startup chế biến thức ăn chăn nuôi Entobel nhận được vốn đầu tư 30 triệu USD.
2. Tracybee - Mật ong hoa vải
Một cái tên hoàn toàn Việt Nam và đã mang lại một bước ngoặt cho ngành nông nghiệp Việt trong năm nay là Tracybee.
Đại diện mật ong Việt Nam, mật ong hoa lệ chi Tracybee vừa đạt giải thưởng The Superior Taste Award 2022 tại Vương quốc Bỉ.
Cụ thể, mật ong hoa lệ chi Tracybee đạt tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu, thể hiện qua giấy kiểm nghiệm từ phòng thí nghiệm Intertek (Đức).
Đây cũng là bằng chứng khẳng định sự an toàn tuyệt đối của sản phẩm đối với người tiêu dùng.
"Lệ chi" là tên gọi khác của quả vải trong từ điển Hán - Việt, loại trái cây phổ biến ở các quốc gia nhiệt đới.
Trong đó, nổi trội nhất là các giống được trồng ở Việt Nam.
Sau nhiều năm thử nghiệm, so sánh chất lượng mật ở từng vùng trồng, Tracybee quyết định chọn Lục Ngạn (Bắc Giang) là mảnh đất ra đời dòng mật ong hoa lệ chi Tracybee.
Nếu mật ong hoa chôm chôm với những nốt hương nồng, vị ngọt đậm và mật ong hoa cà phê với hương thơm, vị ngọt thanh thì mật ong hoa lệ chi là sự cân bằng hoàn hảo khi sở hữu màu vàng sóng sánh, trong veo với mùi thơm và vị ngọt thanh tinh tế.
Đọc thêm:
- Nữ CEO tài năng trên con đường khẳng định chất lượng mật ong Việt.
3. Anh Hà Văn Huy - Thu nhập trăm triệu từ nghề nuôi ong
Cũng từ loại côn trùng “ngọt lịm” này, anh Hà Văn Huy (32 tuổi, ở thôn 1, xã Đăk La, huyện Đăk Hà) đã vượt khó, có thu nhập khá nhờ ý chí quyết tâm và nghị lực.
Trước đây, anh thấy một hộ dân ở tỉnh Quảng Nam nuôi ong ở ngay trong thôn mình nên đã mày mò hỏi thăm.
Nhận thấy việc nuôi ong có triển vọng nên anh đi nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm về nuôi ong.
Năm 2016, anh quyết định vay gần 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư nuôi 50 thùng ong.
Anh Huy cho biết lý do lựa chọn mô hình này vì nhận thấy địa phương có điều kiện thuận lợi về khí hậu, nguồn mật dồi dào từ hoa cà phê, cao su.
Vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, mô hình nuôi ong của gia đình dần dần phát triển.
Năm 2018, khi đã có một số vốn từ việc bán mật, anh Huy tiếp tục nhân rộng hơn 130 thùng ong.
Với sự kiên trì, nỗ lực, mô hình nuôi ong đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình Huy.
Hiện tại, mô hình của anh Huy đã có hơn 150 thùng ong.
Vào mùa thu mật, cho thu hàng nghìn lít mật, trừ chi phí thu về hơn 100 triệu đồng.
Nhờ nghề nuôi ong lấy mật mà gia đình Huy có cuộc sống khấm khá, kinh tế ổn định.
4. Anh Đình Luân - Khai thác tiềm năng của con dế và khởi nghiệp thành công
Đình Luân quê gốc ở Nghệ An, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc ở Thành phố Vinh, anh có cơ hội sang Nhật.
Với công việc làm kỹ sư chuyên về hàn kết cấu, anh Luân dự định sẽ định cư tại đất nước này để tiếp tục sự nghiệp khá rộng mở trong tương lai.
Nhưng trong một lần về quê, do bị ảnh hưởng của COVID-19, anh kẹt ở Việt Nam không xuất cảnh được.
Thời gian đó, hầu như không có công việc nào để làm nên anh hay tìm hiểu các mô hình về vật nuôi, tình cờ anh bắt gặp được điểm thú vị ở mô hình nuôi dế mèn Thái vàng làm thực phẩm.
Sau đó, anh thấy được tiềm năng và được sự ủng hộ của mọi người nên đã quyết định gọi điện đến công ty xin dừng công việc.
Anh Luân cho biết:
- Giá trị dinh dưỡng của dế không hề thua kém những thực phẩm truyền thống như sữa hay các loại thịt vì có hàm lượng protein, chất béo, chất xơ và sắt rất tốt.
- Vòng đời dế rất ngắn chỉ khoảng 45 ngày và lượng thức ăn dế hấp thu để tạo ra thành phẩm cũng thấp hơn 1/12 so với gia súc và một nửa ở gia cầm.
- Diện tích nuôi chỉ cần chuồng nhỏ là có thể thả với mật độ dày nên rất tiết kiệm chi phí.
Anh cũng chia sẻ về việc khởi nghiệp tại mảnh đất Tây Nguyên:
“Vùng Tây Nguyên là thủ phủ của các loài cây công nghiệp, bà con thì một năm chỉ thu vụ một lần, nếu trong khoảng thời gian chờ vụ mới có thể tạo ra được một nguồn thu nhập khác cho họ thì rất tuyệt vời.
Nên tôi mới nghĩ là mình sẽ tập trung vào thương mại sản phẩm này thật tốt sau đó chuyển giao kỹ thuật cho bà con nuôi thì sẽ một công đôi việc, vì mình vừa có thêm nguồn nguyên liệu, vừa tạo ra giá trị cho cộng đồng”.
Nếu thời điểm bắt đầu từ tháng 5.2020 chỉ với mảnh đất rộng 60 mét vuông cùng 65 triệu đồng khởi nghiệp thì sau hai năm rưỡi, Đình Luân đã có thêm trang trại với một văn phòng, một xưởng chế biến đóng gói tổng diện tích 600 mét vuông chuyên về các sản phẩm từ dế như dế tươi, dế sấy, thanh Protein và bột dế.
Thị trường ban đầu chỉ bán cho người quen và các quán địa phương nhưng hiện tại đã trải dài từ Bắc vào Nam, có nhiều đại lý phân phối độc quyền ở 15 tỉnh thành.
Sản lượng bán ra mỗi tháng tầm 3 tấn dế với doanh thu dao động từ 400 - 700 triệu đồng.
Lời kết
Có thể thấy, nhiều mô hình khởi nghiệp độc lạ đã ra đời từ côn trùng.
Không có giới hạn nào cho những ý tưởng khởi nghiệp, chỉ cần khai thác được tiềm năng và có chiến lược rõ ràng, mang lại giá trị cho con người, thì đều có cơ hội chạm đến thành công.