Cùng với xu hướng toàn cầu hoá là sự ảnh hưởng của nghệ thuật phương Đông đến nền thời trang thế giới. Sau thời gian dài áp đảo của các nhà thiết kế phương Tây, thời trang quốc tế đã bắt đầu tiếp nhận sự trỗi dậy của một thế hệ nhà thiết kế người Mỹ gốc Á tài năng. Tuy chưa thật sự đông đảo, họ chắc chắn đã góp phần không nhỏ trong việc định hình một giá trị Đông phương vững chãi trong làng thời trang.
Những tài năng đầu tiên
Từ đầu những năm 80s, một bộ phận nhỏ các nhà thiết kế người Mỹ gốc Á bắt đầu xuất hiện và định hình ngành công nghiệp thời trang ở New York. Sự hiện diện của họ đã phá vỡ những quy chuẩn vốn có của thời trang. Những cái tên phải kể đến là Anna Sui, Vivienne Tam và Vera Wang–những cá nhân dám đặt chân vào thị trường mà lúc bấy giờ đang được thống trị bởi các thương hiệu lớn như Calvin Klein, Michael Kors và Marc Jacobs.
Thế hệ nhà thiết kế người Mỹ gốc Á đầu tiên, từ trái sang: Anna Sui, Vivienne Tam và Vera Wang.
Mỗi nhà thiết kế mang trong mình một dấu ấn riêng: Anna Sui gắn liền với kiểu áo peasant blouse (áo kiểu tay phồng) và chân váy phá cách; Vivienne Tam nổi tiếng với phong cách sườn xám truyền thống Trung Hoa; và Vera Wang được mệnh danh là “bà tiên váy cưới”. Sự thành công của họ không phải ngẫu nhiên. Họ đã vượt qua không ít thách thức, tận dụng các lợi thế đang có để khẳng định mình cũng như tạo ra cuộc cách mạng thời trang, tạo ra sự giao thoa ngọt ngào giữa hai phong cách Đông-Tây.
Những thiết kế váy cưới phá cách đã tạo nên tên tuổi của Vera Wang. | Nguồn: Vera Wang.
Làn sóng nhà thiết kế trẻ của thế kỷ mới
Vào những năm 2000s, một thế hệ trẻ những nhà thiết kế người Mỹ gốc Á xuất hiện và mang về cho làng thời gian những làn sóng mới. Họ đã ra mắt nhãn hiệu thời trang riêng của mình, phải kể đến những cái tên như Phillip Lim, Richard Chai, Alexander Wang, Peter Som, Bibhu Mohapatra, Derek Lam cùng nhiều nhà thiết kế khác.
Chân dung nhà thiết kế Alexander Wang.
Khác với những định kiến rập khuôn về thời trang châu Á — chỉ tập trung vào những tinh hoa của phương Đông như rồng phượng hay gấm lụa — những nhà thiết kế trẻ này đã thêu dệt được những câu chuyện riêng trong thiết kế của mình mà không cần đi từ bất kỳ nền văn hoá nào.
Nhà thiết kế Richard Chai, hiện là Giám đốc sáng tạo tại Club Monaco, thương hiệu thời trang thuộc sở hữu của Ralph Lauren Corporation.
Phillip Lim có thể được xem là một trong những đại diện cho thế hệ nói trên. Với thương hiệu của riêng mình — 3.1 Phillip Lim, những bộ sưu tập của anh tinh giản và ít cầu kỳ, với các chi tiết góp phần điểm xuyết chất liệu và tổng thể trang phục. Được làm từ những chất liệu tốt nhưng lại không có giá quá cao, các thiết kế của Phillip được các tên tuổi lớn như Natalie Portman hay Kate Hudson ưa chuộng.
Cú vực dậy sau những khó khăn
Sau cuộc suy thoái kinh tế năm 2008, thời trang và các ngành kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều nhà thiết kế không thể tiếp tục tự mình kinh doanh trước áp lực từ các tập đoàn lớn. Song vẫn có những nhà thiết kế duy trì được bản sắc riêng của mình như Jason Wu, Joseph Altuzarra, Prabal Gurung.
Commission lấy cảm hứng từ ký ức tuổi thơ của các nhà thiết kế về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam và Hàn Quốc cuối thập niên 80 và 90. | Nguồn: Alex Hodor-Lee.
Ngoài ra, chúng ta còn có các nhà thiết kế như Jin Kay, Dylan Cao và Huy Lương với thương hiệu Commission. Sau khoảng thời gian làm việc cho các nhãn hàng châu Âu lớn như Gucci, bộ ba cho ra mắt thương hiệu Commission lấy cảm hứng từ ký ức tuổi thơ của các nhà thiết kế về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam và Hàn Quốc cuối thập niên 80 và 90.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Peter Do — chàng trai gốc Việt đứng sau những bộ suit được yêu thích trong giới thời trang — đã ra mắt nhãn hiệu riêng của mình tại New York, một trong 8 nhà thiết kế trẻ lọt vào vòng chung kết của Giải thưởng LVMH Prize 2020 dành cho các nhà thiết kế trẻ toàn cầu.
Peter Do và các thiết kế trong bộ sưu tập Xuân Hè 2020. | Nguồn: Hypebeast.
Những chiếc nôi cho thế hệ tiếp nối
Các mô hình đào tạo thời trang cũng đã khai phá rất nhiều cái tên mới cho làng thời trang thế giới. Những cơ sở đào tạo thời trang chuyên nghiệp phải kể đến là Parsons School of Designs và Fashion Institute of Technology ở Manhattan.
Các trường đào tạo thời trang là nơi khai phá rất nhiều cái tên mới cho làng thời trang thế giới. | Nguồn: Stephany Chung
Năm 2010, The New York Times đã báo cáo rằng khoảng 70% Sinh viên quốc tế của Parsons đến từ các nước châu Á, 23% sinh viên của FIT là người châu Á hoặc người Mỹ gốc Á.
Phụ huynh người châu Á thường quan niệm rằng, thời trang sẽ không mang lại một tương lai tốt đẹp như những ngành nghề khác. Thay vào đó, họ sẽ muốn con cái tiếp nối truyền thống của gia đình, hay trở thành một bác sĩ, kỹ sư, luật sư và có một cuộc sống ổn định.
Chân dung nhà thiết kế Phillip Lim. | Nguồn: WSJ.
Cuối cùng, tuy ảnh hưởng của thời trang châu Á vẫn còn nhỏ bé, chúng ta vẫn không thể phủ nhận rằng những nhà thiết kế Mỹ gốc Á này vẫn đang từng ngày tạo ra những chuẩn mực thẩm mỹ mới và mang đến những màu sắc riêng biệt trong bức tranh thời trang toàn cầu. Và sự hiện diện của những tên tuổi này là minh chứng cho thành công trong việc giới thiệu một nền văn hoá phương Đông giàu có và lâu đời.
Theo Vietcetera