Những ngành học đáp ứng nhu cầu xã hội, hay theo “hot trend” đang được các trường đại học tiếp tục mở trong mùa tuyển sinh đại học năm 2022.

Đó là các ngành Thương mại điện tử, Trí tuệ nhân tạo, Blockchain.

Thương mại điện tử luôn trong Top điểm cao

Trong những năm gần đây, thị trường Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ngày càng được nhân rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến.

TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia, vì thế nhiều trường đưa môn học này vào giảng dạy.

Đại học Thương mại là trường Đại học đầu tiên trong cả nước mở chuyên ngành Quản trị thương mại điện tử nằm trong Ngành Quản trị kinh doanh từ năm 2005.

Đây cũng là trường đầu tiên trong cả nước xây dựng chương trình và đăng ký mở Ngành Thương mại điện tử với Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2014.

Tới nay, theo số liệu thống kê của Hiệp Hội Thương Mại Điện Tử Việt Nam (VECOM) cả nước hiện có 36 trường đào tạo TMĐT trình độ đại học.

Trong đó có 14 trường ở miền Bắc, 5 trường ở miền Trung và 17 trường ở miền Nam.

Hầu hết chương trình đào tạo TMĐT ở bậc đại học có thời gian đào tạo dao động từ 3.5 năm đến 4 năm học.

Là ngành “hot” vì vậy điểm chuẩn để đỗ nguyện vọng này tương đối cao.

Cụ thể thí sinh cần đạt 28,1 điểm nếu muốn học chuyên ngành này ở trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Điểm chuẩn chuyên ngành TMĐT tại trường Kinh tế quốc dân 2018-2022.
Điểm chuẩn chuyên ngành TMĐT tại trường Kinh tế quốc dân 2018-2022.

Ở trường Đại học Thương mại, trong 5 năm gần đây, ngành này luôn tuyển đủ và vượt chỉ tiêu với chất lượng đầu vào cao.

Điểm chuẩn ngành Thương mại điện tử năm 2018 là 20,7 điểm, năm 2019 là 23 điểm, năm 2020 là 26,25 điểm, năm 2021 là 27,1 điểm và năm 2022 là 27 điểm.

Cơ hội việc làm ngành Thương mại điện tử rất cao bởi ngành này được dự báo cần nguồn nhân lực lớn trong tương lai.

Chuyển đổi số, Trí tuệ nhân tạo tiếp tục xuất hiện

Trí tuệ nhân tạo là một trong những ngành trụ cột trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Sinh viên tốt nghiệp ngành học này có cơ hội việc làm đa dạng, nên đây là một ngành học khá "hot" từ 3 năm trở lại đây.

Năm 2019, có 3 trường đại học tiên phong đào tạo ngành AI trên cả nước.

Đó là Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và Đại học FPT.

Nhân sự ngành AI hứa hẹn sẽ trở thành nguồn nhân lực then chốt để phát triển lĩnh vực công nghệ trong tương lai.
Nhân sự ngành AI hứa hẹn sẽ trở thành nguồn nhân lực then chốt để phát triển lĩnh vực công nghệ trong tương lai.

Đến nay, cả nước đã có 19 trường đại học tuyển sinh ngành học "hot" này và ngày càng nhiều trường thêm ngành học này vào chương trình đào tạo.

Điển hình là Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội có thêm ngành mới Cử nhân Trí tuệ nhân tạo vào năm 2022.

Để theo học ngành này, thí sinh cần có năng lực tư duy và kiến thức Toán học tốt.

Nếu không có nền tảng toán học không thể phát triển trong lĩnh vực.

Blockchain bắt đầu được đưa vào đào tạo năm 2022

Là một trụ cột khác của cuộc cách mạng 4.0, các chương trình đào tạo về Blockchain đang được khai thác và đưa vào giảng dạy chuyên nghiệp.

Nhu cầu gia tăng đột biến khiến "nghề lập trình Blockchain" trở lên hot hơn bao giờ hết, các lập trình viên Blockchain có kinh nghiệm được săn đón và trả mức lương rất hậu hĩnh.

Vì vậy ngành này có rất nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên phát triển.

Blockchain hiện đang được thử nghiệm đưa vào chương trình giảng dạy chính quy tại trường đại học cũng như rất ít các khóa đào tạo về Blockchain.

Do đó người học sẽ phải tìm kiếm kiến thức thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn về Blockchain, tài liệu nước ngoài, các nhóm, cộng đồng về Blockchain.

Tham khảo một số khóa học đào tạo Blockchain tại đây:

● Khóa học Blockchain Express tại Học viện Công nghệ Sophia

● Khóa học Công nghệ Blockchain tại Robusta

● Khóa học về Blockchain tại FUNiX

● Khóa đào tạo Advanced Blockchain tại Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) và Đại học Quốc gia Hà Nội

Một số khóa học cấp tốc ngắn hạn đào tạo lập trình hệ thống Blockchain, đòi hỏi học viên phải có kiến thức lập trình cơ bản tốt.

Cộng với đó là họ phải có các hiểu biết nhất định về công nghệ Blockchain thì mới theo kịp.

Blockchain là một xu thế của thời đại và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Blockchain là một xu thế của thời đại và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Để đào tạo nguồn nhân lực Blockchain lớn mạnh và chất lượng, tất yếu phải bắt đầu từ quá trình phổ cập kiến thức Blockchain thông qua con đường giáo dục.

Ý thức được tầm quan trọng của sứ mệnh này, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã bắt tay với Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM (HUB) để sớm hoàn thành bộ giáo trình về Blockchain.

Đây cũng là bước đi đầu tiên nhằm đưa Blockchain vào giảng dạy, tạo ra những khóa học về công nghệ này, thậm chí là mở ra các chuyên ngành tập trung vào Blockchain.

Ngoài Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã tuyển sinh chuyên ngành Hệ thống Blockchain/Crypto vào năm học 2022-2023 này.

Tổ hợp xét tuyển của chuyên ngành này này A00, A01, C01, D01 và thí sinh cần đạt điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức từ 650 trở lên.

Thấy gì từ xu hướng trên?

Thương mại điện tử, Trí tuệ nhân tạo, Blockchain là lĩnh vực đang phát triển mạnh tại Việt Nam, nhưng lại đang thiếu hụt nguồn nhân lực cả về chất và lượng.

Các chuyên ngành “bắt trend” này ra đời giúp cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng chuyên nghiệp giải quyết bài toán trên.

Đó còn là những ngành phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cả nước và bảo đảm hội nhập quốc tế.

Nhân sự ở những lĩnh vực này thường có mức thu nhập lớn cũng như cơ hội phát triển bản thân cao hơn mặt bằng chung.
Nhân sự ở những lĩnh vực này thường có mức thu nhập lớn cũng như cơ hội phát triển bản thân cao hơn mặt bằng chung.

Dựa vào xu hướng điểm chuẩn năm nay và những năm trước cho thấy, thí sinh đang đổ dồn vào những ngành học được cho là “hot”.

Điều này khiến mức độ cạnh tranh ở những ngành học trên rất cao.

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ về ngành để chuẩn bị tốt và thi đỗ vào nguyện vọng mong muốn.

Tuy nhiên, nếu “đổ xô” vào những ngành “hot” mà bỏ qua những ngành thuộc về khoa học cơ bản, đặc biệt là Khoa học Trái đất, sẽ gây nên tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Điều này ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và Liên Hiệp Quốc.