COVID-19 đã tác động rất tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp lớn và nhỏ trong cả nước. Sau 4 lần bùng dịch trong vòng 2 năm nay đã làm gián đoạn và ảnh hưởng nặng nề đến rất nhiều chuỗi hoạt động kinh doanh, vì vậy mà chuyển đổi số được đánh giá là hướng đi tất yếu hiện nay nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục tồn tại kể cả dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn.
COVID-19 mở đường cho chuyển đổi số phát triển
Chuyển đổi số là 'chìa khóa' để các doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các hoạt động của một doanh nghiệp.
Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh. Giúp tối ưu chi phí vận hành, tăng hiệu suất lao động và dễ đang tiếp cận, cung cấp những dịch vụ mua bán tốt nhất cho khách hàng.
Năm 2022 được dự đoán là năm nở rộ của công nghệ số tại Việt Nam bởi sự hỗ trợ từ chính phủ và đầu tư mạnh mẽ từ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19
Việc phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 phụ thuộc không nhỏ vào kết quả chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số là một trong những yếu tố cốt lõi giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên Việt Nam chỉ mới ở bước khởi đầu cho công cuộc chuyển đổi số, nếu không muốn nói là lạc hậu so với các quốc gia phát triển khác.
Theo khảo sát của VCCI, có đến 85% doanh nghiệp nói rằng thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, 60% doanh nghiệp bị thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh, 43% phải thu hẹp quy mô lao động do không cung cấp đủ việc làm và 82% doanh nghiệp thông báo doanh thu bị sụt giảm.
Trong vòng 2 năm qua, COVID-19 đã ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Trong đó, các ngành nghề chịu ảnh hướng lớn nhất là May mặc (97%), Thông tin truyền thông (96%), Sản xuất thiết bị điện (94%), sản xuất xe có động cơ (93%).
COVID-19 phần lớn tác động đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt tác động nặng nề đến doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ do có nguồn vốn ít ỏi.
Doanh nghiệp vượt qua đại dịch nhờ ứng dụng nhiều phương án tối ưu hiệu quả sản xuất
Để vượt qua đại dịch cũng như thích nghi với sự tồn tại của COVID-19, các doanh nghiệp đã nhanh chóng sáng kiến ra nhiều biện pháp khác nhau nhằm duy trì sản xuất và chuỗi cung ứng.
Trong đó, phương án được đánh giá là hiệu quả nhất là sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp tổ chức cho công nhân nơi ăn chốn nghỉ tập trung, duy trì số lượng công nhân để vận hành nhà máy.
Công nhân phải chia ca sản xuất để đảm bảo quy định giãn cách, nhất là không tập trung đông người.
Mặc dù phương án này sẽ làm gia tăng chi phí, nhưng các doanh nghiệp đều chọn cách duy trì đơn hàng để tạo đà hồi phục trong tương lai khi mà dịch bệnh vẫn chưa kết thúc.
Công ty TNHH Eco Garment Việt Nam, một công ty thuộc ngành may mặc thời trang nội địa cho biết, dịch bệnh khiến công ty phải thu hẹp quy mô hoạt động do nhân sự sụt giảm. Nhưng công ty đã chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng thiết bị y tế thiết yếu. Đồng thời tìm kiếm thêm nhiều đối tác, bạn hàng trên thế giới.
Tại Acecook Việt Nam, công ty đã xây dựng một cơ chế riêng để hỗ trợ người lao động duy trì sản xuất trong dịch như tăng lương, hỗ trợ cho người lao động nếu bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh.
Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - HAPRO đã chọn phương án tái cơ cấu và đẩy mạnh xuất khẩu trong dịch bệnh. Theo đó, doanh nghiệp này và BRG Retail đã tăng khoảng 300% lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu và triển khai bán hàng đa kênh...Bên cạnh đó là tìm thêm nhiều cơ hội xuất khẩu khác.
Tại TH True Milk, doanh nghiệp chọn cách mở rộng các trang trại chăn nuôi và nhà máy chế biến tại An Giang, Quảng Ninh để có thể chủ động nguồn nguyên liệu và sản xuất sau dịch.
Thương mại điện tử hiện nay đang là phương án tối ưu cho đầu ra sản phẩm của nhiều doanh nghiệp.
Đồng thời còn là cầu nối quan trọng giữa khách hành và doanh nghiệp trong thời kỳ COVID-19, theo thống kê cho biết số cửa hàng và đơn hàng trên các kênh tương mại điện tử đã tăng mạnh, có sàn còn tăng gấp đôi.
Đầu tư công nghệ là chìa khoá mở đường cho chuyển đồi số
Nhờ vào sự thay đổi mạnh mẽ này đã giúp tăng hiệu quả sản xuất và phát triển tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn.
Nổi bật như Traphaco đã đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng robot trong sản xuất tạo lợi thế dẫn đầu về Pharma 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bán hàng (DMS); áp dụng ERP trong quản lý doanh nghiệp; phân tích và khai thác dữ liệu khách hàng thông qua hệ thống BI (Business intelligence).
Đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ hiện đại, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này đã tăng mạnh, đều đạt mức hai con số trở lên so với thời gian trước.
Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG cũng cho biết, nhờ tự động hóa nhiều khâu mà năng suất lao động của Công ty được cải thiện vượt bậc. Theo như kết quả báo cáo, hoạt động kinh doanh 7 tháng đầu năm của TNG ghi nhận doanh thu 2.966 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 113 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 21,3% và 19,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Lĩnh vực tài chính cũng ghi nhận sự chuyển đổi số mạnh mẽ, đặc biệt là ngành ngân hàng. Nhờ vào các quy định phòng chống dịch đã thúc đẩy phát triển cách thức thanh toán không dùng tiền mặt, các công nghệ hiện đại như e-KYC (mở tài khoản online), phát hành thẻ tín dụng và vay tín chấp trực tuyến... hiện đang được các ngân hàng phát triển mạnh nhằm lôi kéo người dùng.
Tổng hợp, nguồn: Khoa học Đời sống, Cổng thông tin Quốc gia về Đăng ký Doanh nghiệp, World Bank Blogs