techwireasiacom_12724164

Không lâu sau giờ ăn tối, Công viên Xiangyang ở trung tâm Thượng Hải lột xác trở thành một phòng khiêu vũ.

Những chiếc loa phát ra bài nhạc cổ điển khi những cặp đôi lớn tuổi đung đưa theo điệu nhảy dưới những tán cây.

Bà Shi và ông Zhou, cặp vợ chồng ở độ tuổi 70, luôn có niềm đam mê dành cho điệu waltz, nhưng hai ông bà cũng yêu thích không kém chiếc smartphone của mình.

Ông Zhou thích đọc tiểu thuyết trên mạng. Bà Shi thích xem những điệu nhảy do nhóm bà thể hiện trên Huoshan, một ứng dụng video ngắn.

Cả hai đều mê WeChat, một ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc. “Tôi có thể không cần thức ăn nhưng không thể thiếu chiếc điện thoại”, bà Shi thú nhận.

Vợ chồng bà nằm trong số ít người già ở Trung Quốc thích lên mạng.

Chưa tới 1/3 người Trung Quốc trên 50 tuổi, theo báo cáo, sở hữu smartphone vào năm 2016, năm gần nhất Pew Research Center có số liệu.

Một khảo sát bởi Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và Tencent (sở hữu WeChat) cũng cho thấy chỉ 17% thường xuyên mua hàng bằng điện thoại di động; gần 50% chưa bao giờ mua qua điện thoại.

cn1_12723807

Nhưng các công ty công nghệ muốn thu hút nhiều người như bà Shi, ông Zhou lên mạng nhằm giành phần lớn hơn trong miếng bánh 7.000 tỉ nhân dân tệ (1.000 tỉ USD) mà những người lớn tuổi Trung Quốc dự kiến sẽ chi ra mua hàng tiêu dùng vào năm 2020. Đối với các công ty công nghệ, việc có tới 250 triệu người già Trung Quốc chưa kết nối internet, chiếm 18% dân số, là cơ hội béo bở.

Trong khi những người trẻ bị “phân tâm” bởi hàng ngàn ứng dụng, thì những người già lại trung thành hơn nhiều. Đặc biệt, một khi lên mạng, họ có xu hướng chi tiêu hào phóng hơn.

Năm 2017, JD.com nhận thấy người già chi ra số tiền gấp 2,3 lần so với một người sử dụng trung bình. Số tiền mà họ gửi vào Yu’E Bao, dịch vụ quản lý tiền mặt trực tuyến của Alibaba, lên tới 7.000 nhân dân tệ so với chỉ 4.000 nhân dân tệ ở mọi lứa tuổi.

Đó là lý do ngày càng nhiều công ty công nghệ xem người già là một mảnh ghép quan trọng trong chiến lược của mình.

Những người trên 55 tuổi giờ là nhóm khách hàng tăng trưởng nhanh nhất của WeChat. I Have A Partner, một ứng dụng hẹn hò dành cho người già, đã được ra mắt từ năm ngoái với chữ in đậm và nhắn tin bằng giọng nói cho những người đánh máy chậm.

Ele.me, một dịch vụ giao thực phẩm được Alibaba mua lại vào năm ngoái, đang thử nghiệm giao thức ăn, thuốc và cung cấp các dịch vụ như thay bóng đèn.

Không chỉ ở Trung Quốc, dân số già đang gia tăng trên toàn thế giới.

Theo báo cáo World Population Prospects năm 2017 của Liên hiệp Quốc, số người 60 tuổi trở lên sẽ tăng gấp 3 lần, từ 962 triệu người trên toàn cầu vào năm 2017 lên tới 3,1 tỉ người vào năm 2100.

cn2_12724216

Số người sử dụng công nghệ lớn tuổi gia tăng nhanh đã thúc đẩy sự ra đời của nhiều startup phần mềm phục vụ nhóm khách hàng này như Honor, Renew.

Seth Sternberg, nhà sáng lập kiêm CEO Honor, một dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà của Mỹ, cho biết nhà đầu tư đang nhận ra tiềm năng to lớn của thị trường dành cho người già.

Giữa năm ngoái startup này đã nhận được 50 triệu USD trong vòng Series C, nâng tổng số vốn huy động lên 115 triệu USD.

Trong báo cáo “Các xu hướng công nghệ 2019 và những người trên 50 tuổi”, AARP (trước đây là Hiệp hội Người về hưu Mỹ) chỉ ra, 115 triệu người Mỹ trên 50 tuổi là thị trường khổng lồ cho các công ty công nghệ và đến cuối thập niên tiếp theo, nhóm này dự kiến sẽ chi ra 84 tỉ USD vào các sản phẩm công nghệ.

Đó chỉ là các sản phẩm họ mua cho bản thân, con số trên chưa bao gồm những thiết bị họ mua cho người thân và những người khác.

Hiện tại, 83% người có độ tuổi từ 50-64 ở Mỹ sở hữu smartphone và 91% sử dụng máy tính. 94% người trên 50 tuổi sử dụng công nghệ để kết nối với bạn bè và người thân.

Nghiên cứu của AARP cũng chỉ ra, hơn 1/3 nhóm người trên 70 tuổi sử dụng mạng xã hội mỗi ngày và tỉ lệ này sẽ tăng lên. Chỉ trong 1 năm, việc sử dụng những trợ lý gia đình như Amazon Alexa hay Google Home đã tăng gần gấp đôi ở nhóm tuổi từ 50 trở lên, từ 7% lên 13%.

Nhật, nơi dân số đang già đi nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào, các công ty công nghệ đã sớm tung ra dịch vụ cho người già. O-net, trang web mai mối nổi tiếng của Nhật, từ năm 2013 đã ra mắt dịch vụ hẹn hò dành cho người già. Tại Nhật, những người trên 65 tuổi chiếm 28% dân số và dự kiến sẽ tăng lên 40% năm 2065.

Theo Giáo sư Hiroyuki Murata, đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu lão hóa SARC, dù cho nhiều sáng kiến đã ra đời, các doanh nghiệp vẫn còn trong buổi đầu khám phá những phương thức chinh phục người tiêu dùng lớn tuổi.

Marketing đến đối tượng này cũng là một công việc cần phải bỏ sức, bởi người già muốn được chăm sóc, phục vụ một cách tế nhị, tránh nhắc họ nhớ đến tuổi của mình.

“Người già đối mặt với thách thức khác hẳn những nhóm tuổi khác và những rào cản tiếp cận internet mà họ gặp phải cũng không giống ai.

Tuy nhiên, một khi họ vượt qua những thách thức này, chúng ta sẽ thấy họ đón nhận thời đại internet một cách nồng nhiệt”, Aaron Smith, Giám đốc Data Labs, Pew Research Center, nhận định.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư