Công nghiệp sáng tạo bao gồm các chu trình, sản phẩm và dịch vụ rộng lớn mà ở đó sự sáng tạo là trung tâm.
Là một lĩnh vực kinh tế không mới nhưng đây được xem là một ngành giàu tiềm năng phát triển.
Bài viết dưới đây đề cập những thành tựu mà ngành ngành công nghiệp sáng tạo đã, đang tạo ra và góp phần thay đổi cấu trúc nền kinh tế thế giới.
Song song với đó, một sự nhìn nhận và đánh giá tiềm năng của lĩnh vực này ở thị trường Việt Nam sẽ được đưa ra bàn luận.
Độ lớn thị trường công nghiệp sáng tạo toàn cầu ngày càng mở rộng
Các ngành công nghiệp sáng tạo (Creative Industries) tạo ra khoảng 30 triệu việc làm và chiếm 3% GDP toàn cầu.
Trước đại dịch, các ngành công nghiệp sáng tạo là thị trường phát triển nhanh với giá trị hàng hóa sáng tạo tăng hơn gấp đôi từ năm 2002 đến 2015, từ 208 tỷ đô la Mỹ lên 509 tỷ đô la Mỹ.
Dẫn đầu là thiết kế, thời trang và phim ảnh.
Tăng trưởng thương mại dịch vụ sáng tạo hàng năm ở các nước phát triển là 4,3% trong giai đoạn 2011-2015.
Con số này cao hơn gấp đôi so với tất cả các ngành dịch vụ.
Tỷ trọng của dịch vụ sáng tạo trong tổng thương mại dịch vụ tăng từ 17,3% lên 18,9% so với cùng kỳ.
Năm 2018, UNESCO dự đoán rằng các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo có thể có giá trị lên tới 10% GDP toàn cầu trong những năm tới.
Trong số các nước phát triển, Mỹ, Pháp, Ý và Anh là những nhà xuất khẩu hàng hóa sáng tạo hàng đầu trong năm 2015.
Lấy Vương quốc Anh làm ví dụ:
Các ngành công nghiệp sáng tạo là một phần quan trọng của nền kinh tế Vương quốc Anh và đóng góp đáng kể vào cán cân thương mại toàn cầu.
Lĩnh vực này đã xuất khẩu dịch vụ trị giá 37,9 tỷ bảng Anh vào năm 2019, chiếm gần 12% xuất khẩu dịch vụ của Vương quốc Anh - nhiều hơn các ngành công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ, khoa học đời sống và dầu khí cộng lại.
Các ngành công nghiệp sáng tạo đã đóng góp 116 tỷ bảng cho nền kinh tế Vương quốc Anh trong năm 2019, chiếm 6% tổng giá trị gia tăng (GVA) của Vương quốc Anh.
Đồng thời, GVA theo ngành đã tăng 44% từ năm 2010 đến năm 2019 và đã tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn so với kể từ năm 2011.
Các ngành công nghiệp sáng tạo cũng hỗ trợ phạm vi tiếp cận và ảnh hưởng toàn cầu của Vương quốc Anh.
Quốc gia này xếp thứ hai trong Chỉ số Quyền lực mềm (Soft Power Index) năm 2019 của Portland.
Đáng chú ý là do tác động của văn hóa đại chúng của Anh trên toàn cầu.
Những năm gần đầy, Trung Quốc, Hồng Kông và Ấn Độ dẫn đầu nhóm các thị trường mới nổi.
Việt Nam sẽ là “viên ngọc” của nền công nghiệp sáng tạo Đông Nam Á
Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành một nền kinh tế có ngành công nghiệp sáng tạo phát triển của khu vực Đông Nam Á.
Ngành công nghiệp văn hóa sẽ là một trong những tài sản chính và các thế mạnh của Việt Nam trong tương lai.
Một ngành công nghiệp sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa được kết nối rộng rãi và được hỗ trợ mạnh mẽ sẽ mang đến cho Việt Nam khả năng thương mại lớn và sức cạnh tranh toàn cầu.
Từ năm 2012, các chuyên gia UNESCO đã tham vấn Việt Nam phát triển một “Chiến lược Công nghiệp văn hóa” khả thi, nêu sự cần thiết tạo cơ hội về chính sách cho sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Những thế mạnh của ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã được các chuyên gia đánh giá cao.
Việt Nam có thị trường nội địa lớn, cùng với thị trường khu vực đang mở rộng và rất nhiều hứa hẹn.
Thuận lợi này bảo đảm tiềm năng tăng trưởng cho ngành công nghiệp sáng tạo.
Việt Nam lại có dân số trẻ, có “độ nhạy” thương mại và trình độ công nghệ kỹ thuật số ngày càng cao.
Việt Nam còn có lợi thế về sự đa dạng văn hóa.
Cảnh quan văn hóa ở Việt Nam rất phong phú - từ hệ thống di tích, di sản cho tới các thành phố năng động đang phát triển.
Từ các thực hành văn hóa truyền thống cho tới thời trang và truyền thông đương đại.
Phần đông người Việt Nam đều đam mê, tự hào về sự đặc sắc văn hóa cũng như có xu hướng mạnh mẽ giữ gìn/nuôi dưỡng văn hóa truyền thống của mình.
Sự phong phú và khác biệt vùng, miền cũng tạo điều kiện nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển những sáng tạo văn hóa.
Ở Việt Nam, nhiều ngành sản xuất mới trong chuỗi cung của ngành công nghiệp sáng tạo đã hình thành (trong lĩnh vực thời trang/dệt may, vi điện tử và tin học, v.v.).
Nền kinh tế đa dạng với sự tăng trưởng mạnh của ngành du lịch (bao gồm cả du lịch văn hóa), các ngành sản xuất trình độ cao, một số ngành công nghiệp tri thức (như công nghệ thông tin) cũng tạo những điều kiện tốt cho công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam phát triển.
Đó là những tiềm năng cho Việt Nam vươn lên trở thành “công trường” và cũng là thị trường hàng đầu về công nghiệp sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam hoàn toàn có cơ hội và khả năng phát triển một nền công nghiệp sáng tạo với vai trò trung tâm trong tổng thể nền kinh tế quốc gia tương lai.
Lời kết
Những đổi mới kỹ thuật số sau đại dịch đang đóng vai trò thay đổi cơ cấu dài hạn hơn của các ngành công nghiệp nghiệp sáng tạo.
Cụ thể là từ sự xuất hiện của các công cụ sản xuất đến các nền tảng phân phối và phổ biến mới như phát trực tuyến và nền kinh tế theo yêu cầu.
Những điều này đã làm ảnh hưởng đến nhiều nền tảng của ngành, với những tác động sâu rộng đến tăng trưởng, phát triển và thương mại quốc tế.