Mặc dù các quy định nghiêm ngặt để phòng dịch COVID-19 trên thế giới đã dần được nới lỏng và cuộc sống bình thường đang quay trở lại, song đại dịch có thể coi là một "cú hích" làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm của một bộ phận lớn người dân.
Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ thời trang và chăm sóc sắc đẹp nhanh chóng thay đổi để thích ứng với bối cảnh “bình thường mới”.
“Tự tay làm lấy” (DIY)
Do phải ở nhà trong thời gian dài, nhiều người đã tìm đến những thú vui như tự sửa sang đồ đạc, trang trí nhà cửa hay sáng tạo tái sử dụng vật dụng trong nhà như quần áo, đồ chơi “cũ mà như mới”.
Những “thử thách” bản thân với việc tự học thêu, móc qua YouTube hay nấu những món ăn theo trào lưu xuất hiện nhiều trên mạng xã hội và được đón nhận nồng nhiệt.
Thuật ngữ Do It Yourself (DIY) hay “tự tay làm lấy” ngày càng trở nên phổ biến trong nhiều lĩnh vực và các công ty đã nắm bắt ngay xu hướng này để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Hồi tháng Tư, nhà thiết kế người Mỹ Reese Cooper đã cho ra mắt bộ dụng cụ DIY bao gồm tất cả các vật liệu và hướng dẫn tỉ mỉ từng chi tiết để người mua có thể tự tạo nên chiếc áo khoác nổi tiếng của nhà tạo mẫu này.
Ngay lập 1.000 bộ sản phẩm đã được bán hết.
Anh Cooper cho biết, sản phẩm DIY này không nằm trong bất kỳ chiến lược dài hạn nào của mình, song việc này đã giúp anh gắn kết với khách hàng và giúp ích cho việc quảng bá thương hiệu khi nhiều người chia sẻ hình ảnh về quá trình làm nên chiếc áo khoác trên mạng xã hội.
Trong một ví dụ nổi bật khác, người sáng lập kiêm Giám đốc của Color Camp - một thương hiệu chăm sóc móng tại bang Los Angeles (Mỹ), bà Lauren Polino đã giới thiệu một bộ dụng cụ làm móng hoàn chỉnh tại nhà với các thiết kế được vẽ sẵn trên các móng tay giả có thể tái sử dụng.
Trước đó, Color Camp đã phải tạm thời đóng hai cửa tiệm sau khi chính quyền bang Los Angeles áp đặt các quy định về giãn cách xã hội vào giữa tháng 3.
Với việc tung ra sản phẩm mới nói trên, Color Camp đã có thể duy trì việc làm cho 10 nhân viên (họ vẽ các thiết kế móng tay tại nhà) và vẫn duy trì hoạt động kinh doanh.
Bà Polino cho biết, doanh thu từ bộ dụng cụ tương đương với doanh thu của một trong hai cửa tiệm bị đóng cửa trong cùng khoảng thời gian.
2/3 số bộ DIY này được bán sang các bang khác như Florida, Texas và Washington D.C. và sản phẩm này cũng đã giúp mở rộng mức độ nhận diện thương hiệu Color Camp mà những phương thức Marketing thông thường khó có thể làm được.
Kinh doanh đồ "second-hand"
Bên cạnh đó, với việc chính phủ nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa kinh tế, các nhà bán lẻ thời trang trên toàn thế giới đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, chủ yếu là do nhu cầu mua sắm quần áo mới đi xuống.
Bài báo đăng trên Business Insider đầu tháng Bảy lý giải, khoản chi cho thời trang đã giảm đáng kể trong bối cảnh nhiều công ty phải sa thải lao động quy mô lớn.
Và vì người tiêu dùng chỉ mặc đồ ngủ ở nhà trong giai đoạn phong tỏa nên họ cũng không có nhu cầu mua đồ xa xỉ.
Khi mọi người trở nên lo lắng cho "ví tiền" của mình, họ thường có xu hướng tạm dừng việc mua bán các loại mặt hàng này.
Market Watch cũng chỉ ra rằng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xu hướng mua quần áo cũ, hay còn gọi là đồ second-hand (đã qua sử dụng) đã tăng đáng kể trong năm nay.
Mua bán trực tuyến các sản phẩm thời trang đã qua sử dụng dự kiến sẽ tăng 27% trong năm 2020, trong khi lĩnh vực bán lẻ thời trang nói chung ước giảm 23%.
Giám đốc điều hành trang bán lẻ hàng thời trang cũ của Mỹ ThredUp, ông James Reinhart cho biết doanh thu của công ty vẫn khả quan bất chấp dịch COVID-19.
Người bán có thể gửi các sản phẩm đã qua sử dụng như quần áo, giày dép và các phụ kiện thời trang khác tới ThredUp để bán với điều kiện chúng còn tốt.
Nếu chất lượng đạt tiêu chuẩn, các sản phẩm sẽ được đăng bán trên trang web và người bán sẽ nhận được một phần lợi nhuận.
Ngoài ra, thông qua các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram và Facebook, người dùng cũng có thể tìm kiếm các món đồ đã qua sử dụng còn tốt với giá hời, cũng như thanh lý những đồ đạc mà họ không còn cần đến nữa.
Giới quan sát trong ngành nhận định, hành vi tiêu dùng hàng thời trang hướng đến mục tiêu tối giản, tiết kiệm và bền vững không phải là rất mới mẻ.
Nhưng xu hướng này rõ ràng đã “nở rộ” do tình hình tài chính chung gặp khó khăn, tương tự như giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008-2009.
Số hóa trong ngành thời trang
Có thể thấy, khi "cơn bão" COVID-19 ập đến, các trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng dịch vụ và thời trang đã phải đóng cửa liên tục trong suốt quãng thời gian đại dịch bùng phát.
Do đó, xúc tiến thương mại điện tử và tư vấn bán hàng trực tuyến được coi là biện pháp chuyển đổi quan trọng của các nhà bán lẻ thời trang, không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh mà còn trong kỷ nguyên số hiện nay.
Clare Vivier, người sáng lập thương hiệu túi xách và phụ kiện Clare V. có trụ sở tại Los Angeles, cho biết đại dịch đã làm tăng tốc từ 5 đến 10 năm việc triển khai những dự án mà bà đã cân nhắc từ lâu mà vẫn chưa thực hiện.
Sau khi các cửa hàng bán lẻ được mở cửa trở lại, bà Vivier quyết định sẽ kích hoạt tính năng trên trang web cho phép khách hàng nói chuyện trực tiếp với nhân viên tại cửa hàng, chứ không phải công cụ trả lời tự động hay đại diện dịch vụ khách hàng của bên thứ ba.
Theo bà Vivier, những khó khăn cản trở hoạt động mua sắm nói chung đã thúc đẩy sự phổ biến rộng rãi hơn của thương mại điện tử, những người trước đây còn “ngần ngại” khi mua sắm trực tuyến nay chắc chắn không còn e dè nữa.
Bên cạnh đó, nhà thiết kế Jonny Cota - người chiến thắng trong chương trình truyền hình thực tế về thiết kế thời trang “Making the Cut” - đã dùng một phần trong phần thưởng 1 triệu USD để nâng cấp cửa hàng của mình theo hướng “phòng dịch”.
Cụ thể, cửa hàng được tân trang với các ứng dụng cho phép khách hàng có thể tham quan cửa hàng ảo và các quầy thanh toán không dùng tiền mặt và thẻ mà dùng mã QR.
Tuy nhiên, nhà thiết kế người Mỹ này cho rằng những thay đổi đối với ngành thời trang sẽ sâu sắc hơn nhiều so với việc thanh toán không cần tiếp xúc.
"Đám mây đen" COVID-19 đã khiến nhiều Tuần lễ thời trang (Fashion Week) trên thế giới bị hủy bỏ.
Trong đó có các sự kiện tại Tokyo, Seoul, còn Fashion Week tại những “kinh đô thời trang” như London, Milano, và Paris được tổ chức dưới dạng trực tuyến.
Đáng chú ý, tại Fashion Week Milano hồi tháng Bảy, Phòng thương mại Thời trang Italy cho biết các bộ sưu tập thời trang đã rút ngắn thời gian trình chiếu xuống còn 15 phút, nhưng ngược lại mở rộng tối đa khuôn khổ chương trình cho hầu hết các nhà thiết kế nước này.
Song song với việc trình bày trước công chúng các bộ sưu tập thời trang, còn có các showroom (gian trưng bày) trực tuyến dành riêng cho giới trong ngành.
Mô hình này giống như một hội chợ thời trang mà tại đây, các khách hàng quốc tế có thể chọn lựa kiểu mẫu rồi sau đó đặt hàng với các nhà thiết kế.
Trong thời hậu COVID-19, khi mà các quy định giãn cách xã hội còn áp đặt khá nhiều ràng buộc, mạng Internet trở thành một công cụ quan trọng và đem lại nhiều lợi ích tiềm năng cho các chiến dịch quảng cáo và bán hàng.