Năm 2020 là một năm vô cùng khác biệt và sẽ đi vào lịch sử thế giới như một dấu mốc không ai có thể quên. Sự bùng phát của Covid-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng đời sống con người và hoạt động kinh doanh, khiến nền kinh tế tụt dốc và GDP toàn cầu giảm 4,1% trong năm 2020 (theo ước tính của S&P).
Kinh tế tăng trưởng tích cực
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đứng vững và trở thành một trong những điểm sáng nhất nhờ công tác xử lý đại dịch hiệu quả. Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91% - mức tăng trưởng rất tích cực trong bức tranh u ám của kinh tế toàn cầu.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP Việt Nam năm 2021 sẽ tăng trưởng 6,7%. Goldman Sachs và HSBC thậm chí còn đưa ra dự báo lạc quan hơn nữa đối với kinh tế Việt Nam, với mức tăng 8,1%.
Bên cạnh việc kiểm soát Covid-19 hiệu quả, triển vọng kinh tế khả quan còn xuất phát từ nhiều yếu tố khác.
Một là, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và thượng lưu, từ 25% dân số năm 2017 lên 45% vào năm 2030.
Hai là, các hiệp định thương mại tự do xóa bỏ thuế quan giữa Việt Nam với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và EU, cùng các lợi ích cho việc mở rộng các ngành xuất khẩu (sản xuất smartphone và sản phẩm điện tử, dệt may, da giày, nông sản).
Ba là, những sửa đổi tích cực của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, trong đó có việc mở rộng ngành nghề được phép đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như những cải tiến nhằm bảo vệ lợi ích cổ đông thiểu số.
Đầu tư tư nhân toàn cầu và trong khu vực ASEAN chậm lại do đại dịch
Do Covid-19, trong nửa đầu năm 2020, lĩnh vực đầu tư tư nhân trên toàn cầu sụt giảm 13,1% về tổng số lượng thương vụ và giảm 33,8% tổng giá trị thương vụ so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với nhiều nhà quản lý quỹ, năm 2020 là một chặng đua marathon để vượt qua nhiều rào cản, như sự đình trệ trong hoạt động kinh doanh, sự thiếu hụt thanh khoản ngắn hạn và sự sụt giảm giá trị doanh nghiệp.
Do tác động của Covid-19, các hoạt động giao dịch đầu tư tư nhân của ASEAN-5 và Việt Nam đã chậm lại sau năm 2019 sôi động. Số lượng giao dịch giảm từ 230 trong nửa cuối năm 2019, còn 200 trong 6 tháng đầu năm 2020. Giá trị thương vụ giảm hơn một nửa, từ 9.152 triệu USD, còn 4.304 triệu USD.
Đầu tư tư nhân ở Việt Nam thiết lập đỉnh cao mới
Giữa sự hỗn loạn và bất ổn do đại dịch Covid-19, thị trường đầu tư tư nhân Việt Nam tiếp tục đạt được đỉnh cao mới về số lượng giao dịch trong năm 2020, với 59 giao dịch, dù tổng giá trị thương vụ là 1.142 triệu USD - không tăng nhiều so với năm 2019.
Lĩnh vực công nghệ tiếp tục đà phát triển với số thương vụ cao nhất trong 5 năm qua.
Nhiều khoản đầu tư có xu hướng chảy vào các công ty khởi nghiệp công nghệ cung cấp giải pháp đột phá cho bán lẻ và dịch vụ, như đặt lịch và tư vấn chăm sóc sức khỏe trực tuyến, thương mại điện tử, nền tảng nhân sự và tuyển dụng...
Tuy nhiên, quy mô thương vụ vẫn khiêm tốn, cho thấy hầu hết các khoản đầu tư đều vào các công ty khởi nghiệp công nghệ giai đoạn đầu ở Việt Nam.
Các công ty bán lẻ và dịch vụ liên quan mật thiết với các giải pháp công nghệ đột phá cũng lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư.
Chẳng hạn, khoản đầu tư 100 triệu USD từ Warburg Pincus vào Momo - ví điện tử với 20 triệu người dùng (năm 2019); giao dịch trị giá 130 triệu USD từ Northstar Group vào Tiki - một trong 3 nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam (năm 2020).
Vingroup tiếp tục giữ kỷ lục về giá trị thương vụ lớn nhất, với 500 triệu USD từ GIC đầu tư vào Vincommerce (bán lẻ) vào năm 2019 và 650 triệu USD từ KKR và Temasek vào Vinhomes (bất động sản) vào năm 2020.
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng có xu hướng tăng đáng kể. Hai quỹ đầu tư danh tiếng tại Việt Nam - Mekong Capital và VinaCapital - đã nhanh chóng thâm nhập lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dược phẩm với lần lượt 31,8 triệu USD vào Pharmacity và 26,7 triệu USD vào Bệnh viện Thu Cúc.
Theo Báo Đầu Tư