Sự đổi mới và những điều cơ bản
Đổi mới là quá trình mà sản phẩm hoặc dịch vụ được đổi mới và cập nhật bằng cách áp dụng các quy trình mới, kỹ thuật mới hoặc hiện thực hóa thành công các ý tưởng để tạo ra giá trị mới.
Lý do khiến tất cả các doanh nghiệp luôn chú trọng tới việc đổi mới là vì nó sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.
Theo Eric von Hippel, nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ, sự đổi mới thường đến từ 4 nguồn chính, đó là: doanh nghiệp, người dùng, nhà phân phối và bên thứ ba (trường đại học, cơ sở nghiên cứu, v.v.).
Thông thường, những ý tưởng đổi mới sáng tạo sẽ đến từ phòng nghiên cứu của công ty, sự hợp tác giữa nhà sản xuất với bên phân phối, việc cấp bằng cho một bên thứ ba hoặc nhờ vào ý kiến khách hàng.
Đổi mới và sáng tạo trong thời đại kinh tế số
Tuy nhiên, trong thời đại này, cũng chính Eric von Hippel đã đưa ra một nghiên cứu mới mang tên “Dân chủ hóa sự đổi mới” để chỉ ra rằng hoạt động đổi mới đã phát triển đến nỗi mà cộng đồng khách hàng và người tiêu dùng cá nhân giờ đang đóng vai trò trung tâm.
Điều này cũng đã được kiểm chứng qua phiên bản mới nhất của Oslo Manual, một hướng dẫn trong việc thu thập, báo cáo và áp dụng dữ liệu về đổi mới.
Sự phát triển của công nghệ đã cho phép nhà phát triển và người dùng cùng cộng tác và phát triển các giải pháp đổi mới trong một mạng lưới mở và sáng tạo.
Động lực và mục tiêu của họ bao gồm lợi ích tài chính, mong muốn học hỏi và đóng góp, thường là một cách tự do, cho một cộng đồng hoặc mục đích cụ thể.
Một ví dụ thực tiễn và rất thành công cho điều này là Github, nơi các nhà phát triển phần mềm độc lập với mã nguồn mở tự do chia sẻ những đoạn mã lập trình của họ với các nhà phát triển khác.
Điều này thách thức sự đổi mới truyền thống nơi nhà sản xuất là trung tâm và mở ra những con đường cho sự đổi mới rộng rãi, thường được thực hiện theo những cách không chính thức, bởi ngày càng nhiều người và cộng đồng trên toàn cầu.
Do đó, các cơ chế phi thương mại sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn song song với các cách tiếp cận thương mại truyền thống trong việc phổ biến các cải tiến.
Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp
Có một sự thật đáng buồn là ở Việt Nam chưa có bất cứ nền tảng nào đạt được thành công như Github hoặc thậm chí là gần bằng như vậy.
Chính vì lẽ đó, những người lãnh đạo của các công ty cần phải nhận ra tiềm năng tài chính từ những cải tiến miễn phí đến từ người dùng và cộng đồng.
Hơn nữa, doanh nghiệp cũng cần đến gần hơn với người dùng bằng cách tích cực tham gia tương tác với cộng đồng hay còn được mô tả là việc tạo ra khoảng cách bằng không.
Theo David Cobb, Giám đốc điều hành của Oceanova Group, bằng cách làm như vậy, các công ty có thể thiết lập cộng đồng cho những ai sử dụng sản phẩm và dịch vụ của họ hoặc có thể gọi là một hệ sinh thái người dùng.
Tất nhiên, để làm được điều này, có hai nguyên tắc cần các tổ chức phải thực hiện là đảm bảo trải nghiệm khách hàng tuyệt vời và sở hữu tinh thần kinh doanh.
Ngoài ra, chính phủ và các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa tìm ra được công cụ để hỗ trợ cho hoạt động này cũng như sắp xếp các cơ chế lập pháp để thúc đẩy tinh thần kinh doanh trong những lĩnh vực thiết yếu.
Tựu chung lại, việc đặt người dùng làm trung tâm cho sự đổi mới là thiết yếu nếu doanh nghiệp muốn có một sự bứt phá trong năm 2022 này và để đạt được điều đó, các công ty cũng cần cần xem lại, nâng cấp chính sách sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Việt Hiếu, lược dịch từ Forbes