Chủ đề năm nay của AmCham Supplier Day xoay quanh câu hỏi: làm sao để tăng số lượng các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là khối SMEs tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu.
Trong phiên thảo luận về chủ đề "Phát triển chuỗi cung ứng nội địa", ông Vũ Nguyễn - Giám đốc bộ phận chuỗi cung ứng toàn cầu của Intel Việt Nam ước tính, tới hết năm 2019, có 160 nhà cung ứng Việt Nam trong tổng số 459 nhà cung ứng địa phương của Intel.
Phần lớn thuộc cấp độ ba hoặc bốn, giá trị không cao.
"Dù chiếm khoảng 32% tổng số nhà cung ứng địa phương của Intel, nhưng mức độ chi tiêu của Intel dành cho các doanh nghiệp Việt không thật sự quá cao như Nhật Bản, Singapore hay Hoa Kỳ là những đơn vị tiên phong trong cung ứng sản phẩm bán dẫn", ông Vũ nói.
Hai nguyên nhân chính, theo ông Vũ, là năng lực kỹ thuật và quản trị khả năng cung ứng của doanh nghiệp Việt.
Chẳng hạn nhà cung ứng Việt Nam chỉ cung cấp sản phẩm cho Intel Việt Nam, trong khi yêu cầu chung khi gia nhập chuỗi là cung cấp được hàng hoá cho tất cả các điểm sản xuất của Intel trên toàn thế giới khi có yêu cầu.
"Khi được yêu cầu cung cấp thêm cho các cơ sở sản xuất ngoài Việt Nam, nhà cung ứng nội địa sẽ phải tăng giá, giảm bớt lợi thế cạnh tranh về mặt chi phí nếu so sánh với các đơn vị khác.", người đứng đầu chuỗi cung của tập đoàn Intel chỉ ra.
Gia nhập chuỗi sản xuất toàn cầu hoạt động 24/7, nhà cung ứng cũng phải có khả năng đáp ứng được các yêu cầu ở mọi thời điểm.
Bên cạnh đó, ông Vũ cho biết những đối tác cung ứng nội địa sẽ phải làm quen với những quy định, tiêu chuẩn quốc tế, không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn ở quy trình quản lý, môi trường kinh doanh, sử dụng lao động....
Đại diện cho khối ngành sản xuất, ông Christopher Scheller, giám đốc phát triển sản phẩm giày da, thị trường châu Á của New Balance nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu hiện nay của các tập đoàn toàn cầu.
Đặc biệt là những tập đoàn xuất khẩu hàng hoá đi các thị trường khó tính như Nhật Bản hay châu Âu, là chất lượng.
"Khoảng 6 năm trước, tôi nghĩ giá cả là một yếu tố quan trọng khi chúng tôi tìm kiếm đối tác cung ứng. Giờ đây, điều đó không còn đúng khi một vấn đề nhỏ trong chất lượng cũng có thể ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động sản xuất", giám đốc New Balance chia sẻ.
Ông dẫn ra một trường hợp mà tập đoàn này phải gửi một đội kỹ thuật sang Nhật để xử lý vấn đề khi có lô hàng giày bị nứt do sử dụng đế nhựa kém chất lượng.
Một rào cản khác trong việc hợp tác với các doanh nghiệp cung ứng nội địa là ngôn ngữ và năng lực kỹ thuật hạn chế, theo ông Kheng Joo Ung, giám đốc điều hành First Solar Vietnam.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng này tỏ ra lạc quan khi dẫn số liệu các nhà cung ứng nguyên liệu Việt Nam của tập đoàn này đã tăng từ 30% năm 2017 lên 63% tính tới ngày 31.7 năm nay.
Ông Vũ Nguyễn nhận xét lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp Việt hiện tại là tranh thủ cơ hội từ làn sóng dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất của các tập đoàn lớn ra khỏi Trung Quốc.
"Với những thế mạnh về dịch vụ, tôi nghĩ rằng nhà cung ứng nội địa có thể đầu tư nhiều hơn vào dịch vụ đầu cuối, tập trung cho các dịch vụ bảo hành sản phẩm...", diễn giả từ Intel chia sẻ.
Từ góc độ nhà cung ứng nội địa, đại diện từ VSIP - chi nhánh Bình Dương nêu ra một trong những khó khăn của đơn vị cung ứng từ Việt Nam là phải đầu tư một khoản tài chính lớn mới có thể cung cấp được sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế từ doanh nghiệp nước ngoài, trong khi số lượng đơn hàng ở thời điểm ban đầu rất ít.
Hướng giải quyết, theo ông An Lê, giám đốc chuỗi cung ứng từ tập đoàn Terumo BCT là hai bên phải chia sẻ tông tin về kế hoạch kinh doanh, kế hoạch sản xuất, nhập nguyên vật liệu, dây chuyền quản trị chất lượng...
"Càng có nhiều dữ liệu được chia sẻ minh bạch thì chúng tôi càng có cơ sở để đánh giá và hợp tác với các đối tác nội địa", ông An Lê chỉ ra.
Các đại diện doanh nghiệp nước ngoài như ông Đặng Văn Chung, giám đốc bộ phận xưởng sản xuất từ Dataglogic Vietnam chia sẻ, doanh nghiệp FDI không ngại việc hỗ trợ đối tác để từng bước nâng cao năng lực cả về kỹ thuật lẫn giao tiếp và tương tác.
Tuy nhiên, ông Chung cũng như ý kiến từ New Balance ở nhóm ngành sản xuất hay tập đoàn Terumo BCT chuyên cung cấp các thiết bị y tế cũng e ngại về duy trì các cam kết về chất lượng, kỹ thuật hay các tiêu chuẩn về lao động, môi trường.
"Cam kết đảm bảo được chất lượng ổn định là nền tảng đầu tiên để các doanh nghiệp FDI như chúng tôi tiến tới một mối quan hệ hợp tác lâu dài", ông Chung nhận xét.
Đúc kết lại, đại diện từ AmCham đưa ra hai thông điệp quan trọng dành cho các nhà cung ứng nội địa, đặc biệt là khối SMEs trong quá trình cải thiện năng lực tiến tới chất lượng toàn cầu, bao gồm việc thẳng thắn giao tiếp và tìm hiểu kỹ nhu cầu của đối tác FDI trước khi quyết định hợp tác.
Tiếp theo, những nhà cung ứng Việt Nam phải đảm bảo được tính ổn định trong chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà mình đã cam kết.