Biotech - phát triển vì tương lai
Biotech hay còn gọi là công nghệ sinh học, là một lĩnh vực sinh học rộng lớn, liên quan đến việc sử dụng các hệ thống sống và sinh vật để phát triển hoặc tạo ra các sản phẩm.
Hiệp hội Hóa học Mỹ định nghĩa công nghệ sinh học là ứng dụng của các sinh vật, hệ thống hoặc quy trình của các ngành công nghiệp khác nhau để tìm hiểu về khoa học sự sống và cải thiện giá trị của vật liệu và sinh vật như dược phẩm, cây trồng và vật nuôi.
Theo Liên đoàn Công nghệ sinh học châu Âu, công nghệ sinh học là sự tích hợp của khoa học tự nhiên và sinh vật, tế bào, các bộ phận của chúng và các chất tương tự phân tử cho các sản phẩm và dịch vụ.
Đặc biệt, biotech được ứng dụng trong rộng rãi các ngành, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp chính như chăm sóc sức khỏe (y tế), sản xuất cây trồng và nông nghiệp, sử dụng phi thực phẩm (công nghiệp) của cây trồng, các sản phẩm khác và môi sinh.
“Thần dược” chăm sóc, phục hồi tổn thương cho da
Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Phan Toàn Thắng, người được biết đến với công nghệ tách chiết tế bào gốc từ màng dây cuống rốn, hiện đang mở rộng nhiều lĩnh vực và gọi vốn đầu tư thành công.
Ông được tiếp cận công nghệ tế bào gốc từ năm 1995 khi đang học ở Đại học Oxford (Anh) về nuôi cấy tế bào gốc từ da dùng để điều trị bệnh nhân bị bỏng nặng, tổn thương da.
Năm 1997, ông Thắng sang Singapore và phát triển công nghệ này tại đây nhưng đến tận năm 2004, ông mới tìm ra nguồn tế bào gốc từ màng dây rốn.
So với việc chiết tách tế bào gốc từ tủy xương trước đây, công nghệ chiết tách tế bào gốc từ dây rốn của ông Thắng có chi phí rẻ hơn rất nhiều.
Từ đó, ông thành lập doanh nghiệp và có những sản phẩm đầu tiên đưa ra thị trường, đó là dòng sản phẩm dưỡng da, trẻ hóa da, giúp nuôi sống công ty và tạo dòng tiền ngay từ ban đầu.
Cho đến nay, co-founder của Công ty Công nghệ sinh học Cell Research Corporation (CRC) đã có hơn 50 chứng nhận sở hữu sáng chế trên thế giới - đây là nền tảng giúp quá trình gọi vốn, thuyết phục các nhà đầu tư của ông càng thêm thuận lợi.
Mỹ phẩm nguồn gốc thiên nhiên đang ngày càng được ưa chuộng hơn trên thị trường Việt Nam cũng như thế giới, tuy nhiên, nhược điểm của loại mỹ phẩm này là thời gian sử dụng không dài, mau hỏng.
Vậy nên, nhiều nhà khoa học đang tìm đến công nghệ sinh học nhằm khắc phục nhược điểm này.
Biotech và niềm hi vọng cho tương lai không thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh là các loại thuốc có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây nên các bệnh lý nhiễm trùng hay được kết hợp trong việc điều trị một số loại bệnh khác.
Các loại thuốc kháng sinh được chế xuất dưới dạng thuốc uống viên nén, dạng lỏng được truyền hoặc tiêm vào cơ thể, tùy theo nhu cầu của người bệnh để lựa chọn các loại thuốc sử dụng mang đến hiệu quả.
Tuy nhiên, thuốc kháng sinh lại mang những ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng: kháng sinh không chỉ diệt các vi khuẩn có hại mà còn có thể ngăn chặn sự phát triển của lợi khuẩn có trong khu vực niêm mạc, lợi, hầu, trong cơ quan tiêu hóa.
Vì vậy, sử dụng kháng sinh quá nhiều lần gây nên hiện tượng loạn khuẩn, khiến cho các vi khuẩn có lợi bị tiêu diệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Với sự phát triển của công nghệ sinh học, biotech cũng đang mang đến niềm hy vọng về một tương lai không thuốc kháng sinh.
Mới đây, Mekong Capital đã đầu tư vào LiveSpo, công ty của Tiến sĩ Sinh học phân tử Nguyễn Hòa Anh.
Sau 15 năm học và nghiên cứu tại Nhật, Tiến sĩ Hòa Anh đã về nước, mở công ty sản xuất lợi khuẩn với công nghệ bào tử lợi khuẩn dạng nước đa chủng nồng độ cao - một loại lợi khuẩn rất ít doanh nghiệp trên thế giới sản xuất vào thời điểm cách đây 8 năm.
Những phát minh đầy tiềm năng từ việc ứng dụng biotech
Một nhà nghiên cứu người Việt khác là ông Lại Nam Hải, cha đẻ của chiếc khẩu trang kháng khuẩn được bán trên toàn thế giới Wakamono.
Thành lập cách đây một thập kỷ nhưng Wakamono mới ra mắt công chúng 2 năm gần đây.
Hiện tại, Wakamono nắm giữ 7 sáng chế về quy trình điều chế Nano Biotech tại Mỹ, 2 sáng chế tại Canada và 2 sáng chế tại tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới.
Sản phẩm đầu tiên đăng ký độc quyền tại Mỹ được chiết xuất từ vỏ nho đỏ có tên gọi “Quy trình sản xuất hệ vi nhũ tương resveratrol nano”.
Tiếp đó, ông Lại Nam Hải phát minh ra chất SiL-Ha Micellium, hợp chất Bionano từ thiên nhiên này có thể thay thế Silicone trong ngành hóa mỹ phẩm, làm giảm các hạt vi nhựa ra môi trường.
Người sáng lập của Wakamono cũng tìm ra chất Res Micellium, qua thử nghiệm bước đầu nhận thấy chất này có khả năng ứng dụng thành thuốc điều trị bệnh tiểu đường qua đường uống.
Đáng chú ý là ông Hải phát minh ra chất Nano Omega 3 được ứng dụng hầu hết vào các ngành thực phẩm và dược phẩm với sự ưu việt của Nano Omega 3 là hạn chế tối đa nhược điểm của Omega 3 thông thường và ứng dụng trong điều trị ung thư.
Hiện nay, ông Hải đang thử nghiệm và cho kết quả tốt, hứa hẹn sẽ là một trong các giải pháp quan trọng giúp người bệnh hấp thu tốt dinh dưỡng, ngăn ngừa suy nhược cơ thể, chống lại ung thư.
Biến thách thức thành cơ hội
Việt Nam dù chậm chân nhưng những năm gần đây đã có bước tiến dài mạnh mẽ trong lĩnh vực biotech.
Tuy nhiên, với các doanh nghiệp khởi nghiệp như CRC hay Wakamono thì việc nắm bắt cơ hội cũng không dễ dàng.
CRC gặp khó khăn khi việc kinh doanh sản phẩm dưỡng da tại Singapore và nhiều nước chậm lại do dịch.
Việc thử nghiệm lâm sàng trên người cũng chịu ảnh hưởng bởi lượng bệnh nhân đến bệnh viện năm ngoái giảm do Mỹ bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh.
Đổi lại, điểm thuận lợi là sự quan tâm và giá trị các công ty biotech được đẩy lên, cùng chính sách hỗ trợ của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), các doanh nghiệp biotech rút ngắn thời gian nghiên cứu phát triển, tốn chi phí ít hơn và sản phẩm ra nhanh hơn.
“Doanh số của chúng tôi giảm 40% trong thời gian phong tỏa, nhưng nửa đầu năm 2021 lại tăng đến 200%”, ông Thắng cho biết.
Còn tại Wakamono, đại dịch là cơ hội để doanh nghiệp này hoàn thành chiếc khẩu trang diệt virus Corona dù đây không phải là thế mạnh của Công ty.
Ông Hải nhận định: “Tâm lý tiêu dùng không còn chú trọng đến thương hiệu sản phẩm như trước mà là chất lượng được ưu tiên để phục vụ nhu cầu thực tế”.
Tổng hợp, nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư, VnExpress.