Câu hỏi đặt ra là: Động lực nào khiến cho nhiều thành phố trên thế giới cho rằng việc xây dựng đô thị thông minh là cần thiết và không thể không diễn ra?
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về đô thị hoá, dân số đô thị đang tiếp tục tăng và dự báo đến năm 2050, các đô thị sẽ có thêm 2,5 tỷ người dân sinh sống.
Trong đó châu Á và châu Phi chiếm 90% trong dân số đô thị tăng thêm.
Bối cảnh đô thị trên toàn thế giới đang vật lộn để đối phó với dân số bùng nổ, đã đặt ra nhu cầu ngày càng tăng về xu hướng phát triển của đô thị thông minh.
Nhiều quốc gia và thành phố trên toàn cầu đã và đang triển khai xây dựng đô thị thông minh, cũng như đạt được những thành tựu nhất định.
Đối với nhóm các quốc gia đang phát triển, quốc gia tiêu biểu nhất trong công cuộc phát triển đô thị thông minh phải kể đến đó là Malaysia.
Khởi công từ tháng 8/1995, với số tiền hơn 8 tỷ USD, thành phố Putrajaya (Malaysia) được đánh giá là công trình đô thị tiêu biểu cho khu vực Đông Nam Á với sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và truyền thống.
Đối với Ấn Độ, tháng 6/2015, Chính phủ Ấn Độ đã công bố đến năm 2030, các khu vực đô thị thông minh dự kiến sẽ chiếm 40% dân số Ấn Độ, đóng góp 75% GDP của Ấn Độ vào năm 2030.
Trong nhóm các quốc gia phát triển, Hàn Quốc cũng là một quốc gia tiêu biểu trong việc xây dựng thành công đô thị thông minh.
Với mức đầu tư ban đầu 35 tỷ USD, thành phố Songdo (Hàn Quốc) đã được thành lập vào năm 2009, trở thành thành phố hàng đầu ở IFEZ (Khu vực kinh tế tự do Incheon).
Nhìn chung, đối với các quốc gia phát triển, động lực thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh thường là việc duy trì và nâng cao tính hiệu quả của các hệ thống hạ tầng.
Trong khi đó, đối với các quốc gia đang phát triển, đô thị thông minh lại được coi là một giải pháp giải quyết bài toán áp lực đô thị hoá đè nặng lên các quốc gia này.
Tận dụng những cơ hội và tiềm năng này, trong 4 năm gần đây, Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm đến phát triển đô thị thông minh.
Việt Nam cũng đã có rất nhiều cam kết, thoả thuận hợp tác với các đối tác quan trọng như Hà Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ... và gần đây nhất là cộng đồng chung ASEAN.
Tháng 7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm chính thức Hà Lan.
Theo đó, Thủ tướng hai nước đã cùng thống nhất trong giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung phát triển đô thị thông minh, đô thị sân bay, phát triển bền vững...
Đến tháng 4/2018, Việt Nam đã tham gia vào mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN.
Trong đó, 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM đã tham gia vào mạng lưới này, hướng tới mục tiêu chung là phát triển đô thị thông minh và bền vững.
Các đô thị của Việt Nam cũng đã chủ động tham gia vào các thoả thuận quốc tế nhằm phát triển đô thị thông minh, ví dụ như: Hà Nội - Nhật Bản, Đà Nẵng - Phần Lan, tỉnh Bình Dương - Hà Lan.
Kết quả là, tính đến tháng 3/2020, Việt Nam đã có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ký kết hợp tác chiến lược với các tập đoàn viễn thông để xây dựng đô thị thông minh.
Đáng chú ý, Tập đoàn Viettel đã ký kết thoả thuận hợp tác với 24 địa phương, Tập đoàn VNPT ký kết hợp tác với 20 địa phương.
Các nhà hoạch định chính sách đã nhận xét rằng, giai đoạn 2021-2030 là giai đoạn cực kỳ quan trọng, có tính quyết định đến việc Việt Nam có thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay không.
Đây là giai đoạn được xác định là "bứt phá" với tốc độ tăng trưởng GDP dự tính phải đạt 7-7,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,3% của giai đoạn 2011-2020.
Do vậy, kinh tế đô thị được xác định là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Đăc biệt khi tỷ lệ người dân sử dụng Internet, điện thoại thông minh, các ứng dụng ICT ngày càng sử dụng rộng rãi, đặc biệt tại các đô thị.