Ngày nay, Thành phố Thông minh đang là trở thành một xu hướng phát triển đô thị nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia và các đô thị như một cách thức hội nhập quốc tế, bắt kịp với kỷ nguyên phát triển công nghệ 4.0 vũ bão.
Đặc biệt còn được kỳ vọng như một xu hướng tất yếu có thể giúp các đô thị chống lại các vấn đề về phát triển đô thị ngày nay,
Có thể kể đến như là tăng trưởng dân số nhanh, ô nhiễm, suy thoái môi trường, những nguy cơ toàn cầu trong đó có cả vấn đề tội phạm, ùn tắc giao thông, dịch vụ kém hiệu quả và đình trệ phát triển kinh tế…
Với hơn 3,5 tỷ người hiện sinh sống nơi thị thành và dự kiến 70% nhân loại sẽ sinh sống ở đô thị vào năm 2050, việc xây dựng các thành phố thông minh và bền vững được đặt lên hàng đầu trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, 2/3 các tỉnh, thành cũng bắt đầu xây dựng đô thị thông minh.
Cách tiếp cận khác để duy trì lợi thế
Liên Hiệp Quốc định nghĩa “Thành phố thông minh bền vững” là một thành phố đổi mới sáng tạo, nơi công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các phương tiện khác được sử dụng để nâng cao chất lượng cuộc sống, tính hiệu quả của việc vận hành đô thị và dịch vụ, cũng như tính cạnh tranh, mà vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu kinh tế, xã hội và môi trường của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên mới của toàn cầu hóa, đòi hỏi phải có cách tiếp cận khác để duy trì sức hấp dẫn về kinh doanh quốc tế.
Nếu như các mô hình toàn cầu hóa trước đây chủ yếu xoay quanh việc buôn bán hàng hóa hữu hình thâm dụng lao động giữa các quốc gia, thì toàn cầu hóa trong giai đoạn mới xoay quanh việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật số tích hợp và phi vật thể cho doanh nghiệp và cá nhân.
Xu hướng này có thể gọi là “toàn cầu hóa kỹ thuật số” hay “toàn cầu hóa số”.
Cạnh tranh giữa các quốc gia và thành phố trên thế giới đang tăng lên từng ngày.
Tổ chức cạnh tranh toàn cầu IDM chỉ ra rằng, chỉ số xếp hạng thành phố thông minh sẽ là tiêu chí quan trọng để thu hút đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây sẽ là tiêu chuẩn cốt lõi trong việc cạnh tranh của các quốc gia trong nền công nghiệp 4.0.
Các nhà đầu tư quốc tế sẽ xem xét những yếu tố mới khi lựa chọn đầu tư, bao gồm mức độ số hóa của điểm đến, mức độ bền vững của nền kinh tế và tính chất xã hội của môi trường xung quanh.
Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến quyết định đầu tư so với các yếu tố truyền thống như lao động chi phí thấp, tài nguyên phong phú hay quy mô dân số lớn.
Đô thị hóa nhanh chóng đã tạo ra nhiều thách thức như sự bất bình đẳng xã hội, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm nguồn nước hay các vấn đề về sức khỏe.
Làm thế nào để các thành phố có sức chống chịu tốt hơn khi đối phó với những vấn đề này?
"Do đó, xây dựng thành phố thông minh bền vững cần một tầm nhìn, sự quyết tâm và chiến lược lâu dài của các chính phủ”, ông David Wong, Chủ tịch ASOCIO, nói.
Giải quyết những nỗi đau hiện hữu
Ông Bùi Thanh Tuyền, Giám đốc Kỹ thuật kiêm Cố vấn cấp cao của Công ty Tư vấn Kỹ thuật Quốc tế Aurecon Việt Nam, nhận định:
“Các sáng kiến thành phố thông minh bền vững - với mục tiêu thiết lập sự cân bằng lành mạnh giữa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường - sẽ là tiêu chí quan trọng đối với các khoản đầu tư FDI mới”.
Ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, nhấn mạnh các thành phố thông minh bền vững sẽ phải dựa nhiều hơn vào kỹ thuật số và năng lượng điện.
Ông Lâm chia sẻ: “Công nghệ mà chúng ta phải đẩy mạnh tốc độ ứng dụng lên gấp 3 lần so với hiện tại là điện hóa, bởi đây là cách duy nhất để khử carbon trong sản xuất điện và nâng cao hiệu quả.”
Hành động này có tiềm năng giúp chúng ta giảm phát thải nhằm chuyển đổi hệ thống năng lượng và quay trở lại quỹ đạo 1,5 độ (của sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu).
Việt Nam nên đẩy nhanh các khoản đầu tư vào thành phố thông minh bền vững để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 30 năm qua, trở thành nam châm thu hút đầu tư nước ngoài và trên hết là mang lại cuộc sống chất lượng cao cho người dân.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA).
"Các bước chuẩn bị pháp lý và nguồn lực triển khai về cơ bản đã được hoàn thành, các đô thị tại Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới trong hành trình xây dựng và phát triển thành phố thông minh - giai đoạn tăng tốc."
Gần 5 năm qua, đã có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai thành phố thông minh; 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị thông minh.
Cùng với đó, 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh...
Tuy nhiên, hiện chưa có địa phương nào xây dựng xong mô hình thành phố thông minh một cách hoàn chỉnh. Nhiều tỉnh, thành phố vẫn đang trong giai đoạn khởi động.
Theo nhiều chuyên gia, khi nói về các đô thị thông minh, chúng ta hay nói nhiều hơn về công năng của công trình, dự án, chứ đề cập đến “hạt nhân” của đô thị là con người và những yếu tố mềm, những vấn đề mang tính cảm xúc, trải nghiệm người dân còn ít ỏi hơn.
Vì vậy, khi phát triển đô thị thông minh, cần phải hiểu người dân muốn gì, rồi từ đó mới xác định đâu là yếu tố cốt lõi cần phát triển để phục vụ cho lợi ích của người dân.
Trong đó, bao gồm cả những yếu tố “cứng” như hạ tầng giao thông đô thị, đến những yếu tố “mềm” như nhu cầu về nhà ở, năng lượng, giáo dục, y tế và môi trường sống trong lành... đều phải đảm bảo một cách tối đa và công bằng.
Tổng hợp, nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư, Tạp chí Kiến trúc