Dòng vốn Nhật vẫn liên tục chảy vào Việt Nam
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 10/2021, Nhật Bản đứng thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với 4.765 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 63,94 tỷ USD.
Quy mô dự án bình quân của Nhật Bản là 13,4 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung của cả nước là 11,7 triệu USD/dự án.
Hiện dòng đầu tư đến từ Nhật Bản đã rót vào 57/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Thanh Hóa là địa phương thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nhật Bản với số vốn là 12,5 tỷ USD, chiếm 19,59% tổng vốn đầu tư.
Theo đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam, xu hướng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam tiếp tục gia tăng, sẽ thúc đẩy sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp nước này ở Việt Nam nhiều hơn.
Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hợp tác đầu tư Việt Nam – Nhật Bản cũng chỉ ra rằng Nhật Bản là một trong những đối tác đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Phân tích về sự dịch chuyển dòng vốn FDI của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, Chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu so sánh số liệu 10 tháng năm 2021 với cùng kỳ năm ngoái:
10 tháng đầu năm 2020, Nhật Bản là nhà đầu tư đứng vị trí thứ 4 với tổng số vốn đăng ký cấp mới là gần 472 triệu USD và khoảng 50 dự án cấp mới.
Tuy nhiên, bước sang năm 2021, riêng trong 10 tháng, các nhà đầu tư Nhật Bản đã vươn lên đứng thứ 3/97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam (chỉ sau Singapore và Hàn Quốc).
Với việc đầu tư 150 dự án mới (gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước), điều chỉnh 105 lượt dự án và 170 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký 3,38 tỷ USD.
Dòng vốn FDI từ Nhật vào Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng, sắc nét, rất tích cực bất chấp những khó khăn, thách thức do tác động của dịch COVID-19 thể hiện niềm tin của doanh nghiệp FDI Nhật Bản và sức hút của thị trường Việt Nam.
Đây cũng là cơ hội tốt để tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác đầu tư giữa hai bên trong bối cảnh mới.
Những lĩnh vực đầu tư được Nhật Bản chú trọng
Hiện các dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực.
Nhưng tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.842 dự án với số vốn 41,79 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm đến 65,3% tổng vốn đầu tư.
Lĩnh vực sản xuất phân phối điện đứng thứ hai với 19 dự án, tổng vốn đầu tư là 7,4 tỷ USD chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Kế đến là kinh doanh bất động sản với số vốn là 6,97 tỷ USD chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư.
Mặt khác, thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp FDI lớn của Nhật Bản như:
Trong lĩnh vực điện tử có đại diện Canon, Panasonic. Thuộc nhóm công nghiệp chế tạo có đại diện Toyota, Honda, Yamaha, Suzuki, Mitsubishi.
Đại diện ngành năng lượng là Marubeni, Sojitz, Idemitsu, Mitsui hay Tập đoàn dệt may Toray,...
Những doanh nghiệp trên đều đóng vai trò quan trọng góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng và nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu, rộng hơn và có chỗ đứng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt là các lĩnh vực như cơ khí, luyện kim, hóa chất, điện - điện tử, năng lượng, dệt may, da giày…
Việt Nam và Nhật Bản có tính tương đồng về văn hóa
Ngoài ra, cũng theo đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, xu hướng doanh nghiệp Việt đầu tư nước ngoài vào Nhật Bản ngày càng tăng là một điểm đáng chú ý, cho thấy Việt Nam và Nhật Bản là những đối tác tương đồng với nhau.
Tính đến năm 2020, có 17 doanh nghiệp Việt Nam có văn phòng tại Nhật, trong đó riêng FPT Software có văn phòng đại diện tại 10 thành phố, địa phương của Nhật.
Điều này là minh chứng cho việc doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc có thể dễ dàng hợp tác với Nhật Bản, cũng như triển vọng đầu tư của Việt Nam tại Nhật Bản hoàn toàn có thể triển khai trong thực tế.
Một số dự án tiêu biểu của nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam
Đa số các dự án tại Việt Nam được rót vốn bởi các nhà đầu tư Nhật bản đều có quy mô lớn, đánh mạnh vào tiềm lực phát triển cũng như nền công nghệ của thời đại.
Dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tổng vốn đầu tư là 9 tỷ USD
Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (dự án) được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 4/2008 với tổng vốn đăng ký hơn 9 tỷ USD. Dự án được đầu tư bởi liên doanh, gồm:
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (25,1%), Công ty Idenmitsu Kosan (35,1%) và Công ty Hóa chất Mitsui (4,7%) của Nhật Bản, Tập đoàn Dầu mỏ Cô-oét (35,1%).
Dự án được khởi công ngày 23/10/2013, hoàn thành xây dựng cơ khí vào tháng 4/2017 và đưa nguyên liệu vào chế biến từ tháng 3/2018.
Tháng 6-2018, tất cả các phân xưởng công nghệ đã được khởi động thành công theo quy trình.
Với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD, Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong những dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam, đứng sau Dự án Formosa (Hà Tĩnh).
Dự án Thành phố Thông minh, tổng đầu tư là 4,13 tỷ USD
Dự án Thành phố Thông minh là dự án có vốn đầu tư nước ngoài do liên danh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư phát triển với tổng mức đầu tư 4,2 tỷ USD.
Đây là một trong những dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Dự án được lập dựa trên đồ án quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân - Nội Bài, có chiều dài khoảng hơn 11km (từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài), do BRG thực hiện.
Hạ tầng sẽ được đầu tư đồng bộ, kết nối cho cả dự án theo ý tưởng quy hoạch của Công ty tư vấn P&T Consultants Pte Ltd (Hong Kong - Trung Quốc) với mong muốn:
Tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long - Hà Nội với ý tưởng “Rồng đón ngọc”: xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ sân bay về trung tâm thành phố, đầu rồng quay về sông Hồng - hồ Tây.
Điểm nhấn của dự án là tòa tháp tài chính cao 108 tầng với kiến trúc độc đáo của Thành phố Thông minh, nằm ngay điểm đầu vào cửa ngõ Thủ đô nhìn về cầu Nhật Tân.
Kiến trúc của Thành phố Thông minh được quy hoạch theo hướng thân thiện với thiên nhiên, sử dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực năng lượng, giáo dục, sức khỏe, nước sạch…
Dự kiến, toàn bộ dự án sẽ được triển khai theo 5 giai đoạn, giai đoạn cuối dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Hạ tầng đô thị được xây dựng đồng bộ, hiện đại, kết nối với nhau bằng hệ thống đường giao thông đô thị và tàu điện.
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng đầu tư là 2,79 tỷ USD tại Thanh Hóa
Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Khu Kinh tế Nghi Sơn) do liên doanh Marubeni (Nhật Bản) và Kepco (Hàn Quốc) đầu tư theo hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), với công suất 1.200 MW, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD.
Công trình được thi công tháng 8 - 2018, dự kiến hoàn thành tháng 7 - 2022 và phát điện thương mại nhà máy ngày 1 - 8 - 2022. Đến nay, khối lượng thi công của dự án đạt hơn 70%.
Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế khu vực phía Bắc, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Tổng hợp, nguồn Nhịp cầu đầu tư, SmartCity Hà Nội, NS2PC, NSRP