Du lịch nông thôn được hiểu là một chuỗi hoạt động, dịch vụ, tiện nghi được cung cấp ở khu vực nông thôn.

Mục đích của hoạt động này là khai thác thế mạnh của vùng nông thôn như một nguồn tài nguyên có thể đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách.

Du lịch nông thôn sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của cộng đồng nông thôn (bản, làng) với các cơ sở văn hóa làng (đình, đền, chùa, miếu), cơ sở sản xuất truyền thống, kết hợp đường, điện, nước, dịch vụ viễn thông…

null
Du lịch nông thôn hướng đến khai thác thế mạnh của nông thôn kết hợp với du lịch.

Tất cả đều gắn với môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa, sinh hoạt, hoạt động nông nghiệp của cộng đồng dân cư.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới, lượng khách du lịch tham gia các hình thức du lịch nông thôn và sinh thái chiếm khoảng 10% tổng lượng khách du lịch với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm.

Mỗi năm, tỷ lệ khách du lịch nông thôn tăng từ 10-30%, cao hơn các hình thức du lịch truyền thống khoảng 4%.

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch này và đang được đẩy mạnh đầu tư để mô hình du lịch nông thôn được nhân rộng hơn nữa.

Tiềm năng phát triển du lịch nông thôn của nước ta

Nông thôn ở Việt Nam có diện tích rộng lớn, trải dài khắp các địa phương, vùng miền, với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng.

Tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch nông thôn hiện nay thường là rừng, núi, sông, hồ, làng quê, ruộng lúa, vườn cây hoa trái, ngoài đền chùa, đình làng cổ kính.

Mỗi làng quê lại có sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật độc đáo, lễ hội dân gian truyền thống đậm màu sắc bản địa.

Các làng nghề nhiều sản phẩm đặc trưng tiêu biểu được làm ra bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân.

Tính cách của người dân mỗi vùng miền cũng có nét riêng đặc biệt, nhưng điểm chung đều là sự cởi mở, thân thiện, chân tình, nhân hậu.

null
Phần lớn dân cư sống ở vùng nông thôn, nước ta có nhiều lợi thế đẩy mạnh du lịch ở khu vực này.

Đây là tiền đề rất quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông thôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Hiện nước ta có ba hình thức du lịch nông thôn là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái.

Cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn ở 37 tỉnh, thành phố và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển về du lịch.

Theo thống kê của ngành du lịch, trong số 1.300 khu, điểm du lịch do các địa phương quản lý có đến 70% là điểm du lịch ở khu vực nông thôn.

Thực tế tại nhiều địa phương ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long đã và đang làm rất tốt mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Chẳng hạn như du lịch sinh thái cộng đồng trải nghiệm tại các nông trại miệt vườn với các vườn cây ăn trái đặc sản; du lịch trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao trồng rau hữu cơ, phong lan, cây cảnh, trang trại điều, cà phê, cao su ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Hay các sản phẩm du lịch gắn với cảnh quan sông nước, du lịch gắn với các làng nghề truyền thống ở đồng bằng sông Cửu Long.

null
Du lịch sông nước tại các miệt vườn là đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Du lịch nông thôn tạo công ăn việc làm cho nông dân, ít nhiều góp phần phát triển, làm thay đổi bộ mặt nhiều miền quê, đồng thời tiếp tục bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm an sinh xã hội.

Điều này cho thấy du lịch nông thôn đang có vai trò quan trọng trong tổng thể ngành du lịch ở Việt Nam, và có nhiều tiềm năng phát triển để trở thành một bộ phận không thể thiếu của ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch.

Những hạn chế của du lịch nông thôn ở Việt Nam

Có thể thấy dù có nguồn tài nguyên lớn song du lịch nông thôn ở nước ta hiện còn nhiều bất cập.

Loại hình này hầu như mới chỉ phát triển với quy mô nhỏ lẻ, tự phát là chính, tính hệ thống và sự kết nối chưa cao.

Phổ biến nhất hiện nay là các hình thức như: Chủ thể khai thác, cung ứng dịch vụ theo kiểu gia đình tự đầu tư kinh doanh homestay (khách có thể lưu trú tại gia đình và trải nghiệm nếp sống, văn hóa, ẩm thực cùng gia đình).

null
Du lịch nông thôn ở nước ta chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, tự phát.

Tiếp đến là hình thức doanh nghiệp đầu tư với nhiều quy mô, và có tính chuyên nghiệp khác nhau.

Ngoài ra là các hình thức: cộng đồng đầu tư làm du lịch theo kiểu hợp tác xã hay ban quản lý; đầu tư trang trại kết hợp dịch vụ du lịch.

Vì phát triển tự phát nên du lịch nông thôn nói chung chưa hấp dẫn du khách để níu chân họ lưu trú dài ngày.

Bên cạnh đó các sản phẩm, dịch vụ còn khá đơn điệu, thiếu tính độc đáo, sáng tạo.

Chủ yếu là tham quan trải nghiệm ăn uống, mua trái cây hoặc sản phẩm làng nghề.

Các hoạt động trên thường chỉ gói gọn trong một ngày là chính nên nguồn thu chưa lớn. Phần lớn khách du lịch đến từ trong nước.

null
Du khách trải nghiệm các hoạt động của du lịch nông thôn gói gọn trong một ngày.

Nguyên nhân là bởi các điểm du lịch thiếu sự đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng với những dịch vụ ăn nghỉ đi kèm phù hợp nhiều đối tượng.

Du lịch nông thôn góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, tuy nhiên số lượng lao động tham gia vào du lịch nông thôn chưa nhiều.

Ước tính tại các tỉnh, thành phố có trung bình khoảng 500 - 1.000 lao động trong lĩnh vực du lịch nông thôn.

Do vậy, để phát triển du lịch nông thôn, cần có chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để phát triển du lịch nông thôn.

Đặc biệt là các chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng, về quản lý du lịch nông thôn, hỗ trợ du lịch nông thôn, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn.

Giải ngân 2.500 tỷ đồng phát triển du lịch nông thôn

Để du lịch nông thôn thật sự trở thành một động lực trong xây dựng nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.

Đề án này nằm trong chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt ngày 28/7/2021.

null
Các bộ liên ngành phối hợp đẩy mạnh du lịch nông thôn.

Tổng nguồn lực thực hiện chương trình dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng.

Trong đó: Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới khoảng 500 tỷ; Vốn ngân sách địa phương 550 tỷ đồng; Vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án, đề án khác 560 tỷ đồng; Vốn tín dụng và huy động từ các nguồn lực xã hội hoá khoảng 890 tỷ đồng.

Nhằm triển khai hiệu quả chương trình, 6 giải pháp được đề ra trong thời gian tới:

Một, là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn.

Trong đó, chú ý bổ sung các chính sách khuyến khích, thu hút đầu như sử dụng quỹ đất đai phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng và địa phương, đảm bảo tính kết nối giữa các điểm đến; chính sách hỗ trợ về nguồn lực, đào tạo, thông tin, tư vấn... cho từng đối tượng chủ thể.

Hai, là huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn.

Tập trung lồng ghép nguồn lực thực hiện Chương trình này với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan, đặc biệt các nội dung thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Ba, là tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn.

Đồng thời tổ chức các lễ hội đặc biệt là lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội trái cây theo mùa và theo vùng miền, tổ chức các cuộc thi sáng tác ý tưởng liên quan tới du lịch nông thôn, tổ chức giải thưởng Du lịch nông thôn cấp quốc gia.

null

Bốn, là bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn.

Trong đó, chú trọng các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề và kỹ năng mềm phục vụ du lịch.

Ví dụ, cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú, ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử, đón tiếp, thái độ phục vụ khách cho cộng đồng dân cư địa phương theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện.

Năm, là ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn.

Chẳng hạn như xây dựng ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm du lịch nông thôn, tăng cường ứng dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR).

Sáu, là tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phát triển du lịch nông thôn.

Tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin với các quốc gia, tổ chức quốc tế nhằm tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về quản lý và phát triển du lịch nông thôn.

Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết với các tổ chức nước ngoài để xây dựng mô hình du lịch nông thôn phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia có diện tích vùng nông thôn lớn và đa dạng. Đó là những thuận lợi để phát triển du lịch nông thôn.

Tuy nhiên, du lịch gắn với nông thôn chưa phát triển xứng với tiềm năng hiện có.

Các chính sách đầu tư của nhà nước sẽ góp phần đẩy mạnh loại hình du lịch này cũng như đổi mới, xây dựng nông thôn bền vững.