Trong xu thế cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đang lan tỏa và tác động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, cùng với sự an toàn về sức khỏe con người trên phạm vi toàn cầu.
Đứng trước tình hình đó, du lịch toàn cầu phải nắm bắt thời cơ và vượt qua thách thức, xác định hướng đi và giải pháp phù hợp để thích ứng với tình hình mới.
Chuyển đổi số trong ngành du lịch – xu thế phát triển tất yếu
Dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến lĩnh vực du lịch nhưng cũng mở ra những xu hướng mới trong hoạt động của ngành. Theo đó, chuyển đổi số trong ngành du lịch là một xu thế tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số sẽ giúp ngành du lịch khai thác hiệu quả hơn các giá trị gia tăng từ môi trường số, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đại dịch COVID-19 đang đặt ra yêu cầu đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược để có thể nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng khi đại dịch được kiểm soát, chuyển đổi số chính (Du lịch thông minh) là một phần của chiến lược này.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, các doanh nghiệp du lịch cần nhanh chóng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ; đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách.
“Thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh” – Ông Vũ Thế Bình khẳng định.
Cơ hội mới dành cho ngành du lịch thế giới trước yêu cầu chuyển đổi số phù hợp với xu hướng phát triển du lịch thông minh
Du lịch thông minh là du lịch được phát triển trên nền tảng ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích và dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý du lịch và cộng đồng.
Hiện nay, cuộc cạnh tranh du lịch thông minh đang diễn ra nhộn nhịp trên quy mô toàn cầu.
Nhiều quốc gia trên thế giới triển khai du lịch thông minh dưới nhiều hình thức khác nhau tạo nên những điểm nhấn và lợi thế cạnh tranh du lịch. Châu Âu được đánh giá là có lợi thế và dẫn đầu xu hướng phát triển mới.
Ngành du lịch châu Âu (7/11) năm nay, tại Bruxelles (Bỉ), thành phố Helsinki (thủ đô của Phần Lan) và Lyon (Pháp) đã vinh dự nhận danh hiệu “ Kinh đô du lịch thông minh của châu Âu”.
Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), hiện nay, du khách chỉ cần sử dụng một chiếc điện thoại di động thông minh nhỏ gọn để tìm kiếm đủ mọi thông tin, dịch vụ, cho nên ngành du lịch phải coi trọng vai trò của các thiết bị điện tử.
Chính vì thế, một nền tảng dữ liệu lớn rất cần thiết. Ông Lê Tuấn Anh cho rằng, phải làm sao cho hình ảnh của du lịch hấp dẫn hơn, đẹp hơn, đặc biệt là trên các thiết bị di động thông minh.
Tại những nơi này, khách du lịch có thể sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các thao tác đơn giản như tự phục vụ và làm thủ túc checkin ở sân bay, trả tiền taxi, đặt đồ ăn, xác định thời gian chờ và đọc thông tin về điểm đến hoặc thắng cảnh qua mã QR code được cung cấp.
Chủ tịch HG Holding Ngô Minh Đức cũng chia sẻ:”Trong bối cảnh du lịch và hàng không quốc tế gần như tê liệt vì đại dịch, chuyển đổi số đối với ngành du lịch Việt Nam là rất quan trọng.
Muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp du lịch Việt, các doanh nghiệp trước hết cần xây dựng được sản phẩm tốt và tử tế, đặt khách hàng làm trọng tâm, đặc biệt là xây dựng được những sản phẩm nền tảng.
Điều quan trọng là phải biết ứng dụng công nghệ trong marketing sản phẩm thông qua phát triển nội dung trên website với các công nghệ hiện đại; sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin và giao tiếp với khách hàng, nâng cao chất lượng trải nghiệm với các ứng dụng di động; hợp tác với các nền tảng số và các sàn giao dịch điện tử.
Du lịch Việt Nam – Hội nhập, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới để phát triển bền vững
Nắm bắt xu hướng mới, Tổng cục Du lịch đã xây dựng và trình Chính phủ Ðề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành Du lịch Việt Nam. Đứng trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch càng thấy rõ hơn tầm quan trọng và cấp bách của việc chuyển đổi số.
Liên quan đến chuyển đổi số ngành Du lịch, một số chuyên gia cho hay, ứng dụng các công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và trí tuệ nhân tạo (AI) là những xu hướng cho thấy hiệu quả cao nhưng cũng đòi hỏi một chiến lược dài hạn và phụ thuộc vào chiến lược tái đầu tư của doanh nghiệp.
Hiện nay, ứng dụng các công nghệ này đã và đang mang lại cho ngành du lịch những công cụ vô cùng hữu ích như Chatbot, VR, AR...
VR là công nghệ sử dụng kỹ thuật thị giác, hỗ trợ người xem quan sát và xây dựng một môi trường nhân tạo dựa trên thực tế và sự tương tác với xung quanh. giúp người xem có những trải nghiệm thực tế như đi lại, tham quan, tương tác với địa danh... khiến họ hứng thú tìm hiểu địa điểm chưa từng đến hoặc đang tham khảo.
Bà Jackie Ong cho rằng, nhiệm vụ hiển nhiên đầu tiên mà các điểm du lịch Việt Nam cần thực hiện là đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để hỗ trợ năm yếu tố quan trọng của du lịch, thường được gọi theo năm chữ A trong tiếng Anh gồm: Accessibility – cách tiếp cận điểm đến, Attractions – thắng cảnh, Activities – hoạt động, Amenities – cơ sở tiện nghi, và Ancillary services – các dịch vụ hỗ trợ.
Tuy nhiên, du lịch thông minh không chỉ có áp dụng công nghệ mà còn bao hàm nhiều khía cạnh khác như tính bền vững, hiệu quả, đổi mới sáng tạo và quản trị.
Có thể nhận thấy, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp du lịch phải chủ động thích ứng để phục hồi và tìm con đường phát triển bền vững hơn trong bối cảnh bình thường mới.
Sự chủ động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động và phát triển các sản phẩm mới sẽ giúp ngành du lịch vượt qua được khó khăn, sớm khôi phục lại thị trường.
Tổng hợp, nguồn: Đảng Cộng sản Việt Nam, VnEconomy