Dạy học online phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện cơ sở vật chất, năng lực số của giáo viên, sự đồng hành của phụ huynh cũng như định hướng của nhà trường.
Vấn đề này vẫn luôn đặt ra câu hỏi về chất lượng dạy và học. Phải triển khai dạy học trực tuyến như thế nào để vừa có hiệu quả, vừa giúp học sinh hứng thú học tập?
Chia sẻ vấn đề này, Thạc sĩ Tạ Thị Thu – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Tiểu học ICS (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định:
"Để dạy học trực tuyến hiệu quả khi giáo viên chỉ tương tác với học sinh qua màn hình máy tính, điện thoại là một điều không dễ dàng."
Game hóa nội dung bài dạy trực tuyến
Theo Thạc sĩ Tạ Thị Thu, dạy học trực tuyến cần được xem là một hình thức dạy học chính để triển khai trong trường học, các trường cần nhìn nhận rõ vai trò của hình thức dạy học này.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, mỗi trường cần xây dựng định hướng, cách thức triển khai với kế hoạch cụ thể cho việc dạy học trực tuyến, đảm bảo chất lượng và hiệu quả của mỗi giờ dạy.
Trong tất cả những yếu tố quyết định đến chất lượng dạy học trực tuyến, cô Thu cho rằng giáo viên là người giữ vai trò trung tâm.
"Không thể mang thiết kế bài giảng của lớp học trực tiếp để áp dụng cho dạy học trực tuyến, vì vậy, giáo viên cần phải đặt ra câu hỏi về cách thức tổ chức lớp học trực tuyến. Phương thức giảng bài, lắng nghe, ghi chép đã không còn phù hợp.
Ở lớp, giáo viên thường thực hiện một số phương pháp, tổ chức các hoạt động vận động hoặc trò chơi, thảo luận để giúp học sinh tham gia tích cực vào bài học.
Khi chuyển sang dạy học trực tuyến, nhiệm vụ của giáo viên là game hóa nội dung kiến thức bài giảng của mình, nghĩa là tổ chức hoạt động trò chơi tương tác qua các ứng dụng, phần mềm để có một giờ học online thú vị, hấp dẫn và cuốn hút học sinh", cô Thu chia sẻ.
Với trẻ em, việc sử dụng những thiết bị công nghệ để chơi, xem phim là một việc vô cùng hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu bắt các con ngồi trước màn hình máy tính để lắng nghe, ghi chép, làm theo hiệu lệnh là cả một thách thức lớn.
Học qua trò chơi giúp học sinh tiếp nhận và ghi nhớ kiến thức dễ dàng hơn.
Việc game hóa nội dung bài giảng vào dạy học trực tuyến đòi hỏi có sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ cũng như năng lực số của mỗi giáo viên.
Để làm rõ điều này, cô Thu nêu ví dụ: "Với bài toán dạy về phép tính nhân 2, ở lớp học trực tiếp, giáo viên phát cho các nhóm thẻ từ và yêu cầu học sinh phải thao tác với que tính, lúc đó, thầy cô tổ chức lớp học bằng lời nói, hiệu lệnh, công cụ hỗ trợ là que tính.
Khi dạy học online, thầy cô phải sáng tạo, mã hóa những que tính bằng hình ảnh con vật, trái cây, theo dõi nhóm học sinh thực hiện các thao tác.
Trong phần thực hành, thầy cô cần phải thiết kế nên những trò chơi như kéo thả vào câu trả lời, hoặc trò chơi gọi tên ngẫu nhiên,... tạo sự bất ngờ, thú vị".
Bằng cách này, giáo viên đang tạo được sự thu hút, tinh thần chủ động, tích cực học tập của học sinh.
Tuy nhiên, giáo viên cũng cần tìm hiểu kỹ thuật, công nghệ, phần mềm hỗ trợ thiết kế trò chơi tương tác nói trên. Trong dạy học trực tuyến, khi có một hệ thống cơ sở vật chất ổn định, giáo viên đảm bảo yêu cầu về năng lực số thì vẫn rất cần sự tham gia, đồng hành, hỗ trợ của phụ hynh.
Đặc biệt, với học sinh tiểu học, học online cần có sự dẫn dắt của người lớn, các con không thể một mình xử lý các tương tác bài học cũng như những thao tác công nghệ trên các thiết bị số.
Phụ huynh có nhiệm vụ giúp con chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng tinh thần cho việc học online. Vai trò hỗ trợ của phụ huynh có thể giảm dần khi trẻ thuần thục các kỹ năng, thao tác và khi giáo viên đã thiết lập được những quy tắc nhất định trong dạy học online.
Giáo viên, phụ huynh và các em có thể tham khảo nền tảng luyện tập trắc nghiệm online của Học Thông Minh tại đây
Chọn nền tảng dạy học trực tuyến phù hợp và có định hướng cụ thể
Thạc sĩ Tạ Thị Thu cho biết, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, nền tảng dạy học trực tuyến cùng những kế hoạch cụ thể hỗ trợ cho hoạt động dạy - học online là những vấn đề mà các trường học cần phải lưu tâm.
Theo cô Thu, không có một công cụ nào là vạn năng, cung cấp mọi tính năng và đáp ứng mọi kỳ vọng của con người. Tuy nhiên, giáo viên có thể kết hợp sử dụng các công cụ khác nhau.
"Để có định hướng cho giáo viên, nhà trường nên đánh giá những ưu điểm và hạn chế của từng công cụ. Có thể kể đến những công cụ phổ biến như Microsoft Teams, Google Meeting, Google Classroom, Zoom Cloud Meeting, Skype, Google Hangout,...
Mỗi công cụ lại có những tính năng nổi bật riêng, Microsoft Teams bổ sung các công cụ trò chuyện; Google Classrom có hệ thống bình luận tuyệt vời, Google Hangout có hơn 850 biểu tượng cảm xúc giúp giờ học trực tuyến thú vị hơn,...
Bên cạnh đó, giáo viên có thể sử dụng các phần mềm hỗ trợ như sử dụng Kahoot để tạo ra những trò chơi kiểm tra, giúp học sinh ghi nhớ kiến thức, tạo các câu hỏi nhanh tăng tính tương tác; sử dụng Google Form để thực hiện khảo sát, kiểm tra, đánh giá học sinh".
- cô Thu cho biết.
Ngoài ra, nếu đứa trẻ không được chuẩn bị kỹ về mặt tâm lý khi phải đón nhận những biến cố, thay đổi thì các con không hiểu được bản chất vấn đề. Việc học trực tuyến không thể mang tính một chiều từ nhà trường, nếu thầy cô, ba mẹ ép buộc con học thì việc học sẽ khó đạt được hiệu quả.
"Bộ phận tham vấn học đường sẽ gửi thông tin đến phụ huynh, giúp con biết được lý do con phải học trực tuyến và triển khai học tập làm sao cho hiệu quả.
Sau đó, xen kẽ với giờ học kiến thức là những tiết học tham vấn học đường, giáo viên tương tác, cung cấp cho học sinh những kiến thức về sức khỏe tâm lý, giúp các con chia sẻ nỗi buồn, khó khăn trong giai đoạn ở nhà học online.
Thầy cô giáo phòng tham vấn cũng sẽ giúp các em thực hành trí thông minh cảm xúc, sẻ chia những thiếu hụt về mặt tinh thần, những vấn đề tâm lý, hoặc thầy cô gợi ý những tip nhỏ giúp các con vượt qua giai đoạn khó khăn", cô Thu cho biết thêm.
Theo Thạc sĩ Tạ Thị Thu, một khi dạy học trực tuyến hiệu quả, học sinh không bị thiếu hụt kiến thức thì sẽ luôn tạo được sự đồng thuận, hỗ trợ từ phụ huynh.
Dù học sinh không đến trường nhưng nhà trường và phụ huynh vẫn thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp, hướng đến một mục tiêu chung là vì con đường học tập của các em.
Theo Báo Giáo Dục Việt Nam