50310345_791303901233518_1784615916094239042_n-1024x1024

Cơn bão càn quét ngành thời trang

Những ngày vừa qua, cục diện thời trang thế giới đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng do COVID-19.

Hàng loạt các nhà máy buộc phải ngừng sản xuất, nhiều hợp đồng thời trang bị hủy bỏ, các show diễn thời trang tầm cỡ như MET Gala, Shanghai Fashion Week, New York Fashion Week, Paris Fashion Week cũng phải hủy hoặc chuyển hướng sang hình thức trực tuyến.

Leonie Hanne, một blogger thời trang người Đức với hơn 2,1 triệu lượt người theo dõi trên Instagram, đồng thời cũng là đối tác của nhiều thương hiệu thời trang lớn như Louis Vuitton, Givenchy, Bottega Veneta và Dior cho biết rằng công việc của cô cũng đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ trước tình hình dịch bệnh khi các sự kiện lớn như Coachella và Cannes bị hủy bỏ.

Cô chia sẻ thêm: “Xét trên phương diện cá nhân, công việc của tôi hầu hết đều dựa trên những sự kiện và những chuyến công tác”. 

89116685_3074459759254456_1698210156906975805_n-819x1024

Công việc của Leonie hiện cũng đang bị ảnh hưởng bởi COVID-19 | @leoniehanne.

Thông thường, những influencer như Leonie Hanne kiếm tiền nhờ vào việc quảng bá sản phẩm, xuất hiện tại các sự kiện, hay các hoạt động khác mang tính nâng cao nhận thức thương hiệu.

Thế nhưng, COVID-19 đã và đang khiến cho các nhãn hàng thời trang cũng như các nhà bán lẻ phải thắt chặt chi tiêu ngân sách của mình.

Điều này ảnh hưởng đến không chỉ Leonie mà còn các gương mặt marketing influencer khác khi họ phải lao đao đối mặt với một tương lai… vô định.

Thời điểm lý tưởng để thử nghiệm

Khó khăn là vậy, song, đây là lúc mà những influencer không nên rời xa khán giả của mình.

Các con số thống kê cho thấy, lượng truy cập các trang mạng xã hội tăng đáng kể trong đợt #stayhome gần đây.

Nhất là khi “word of mouth” trên các phương tiện truyền thông xã hội là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi mua sắm của khách hàng, thì những người sáng tạo nội dung trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số bắt buộc phải sáng tạo hơn trong lối chơi.

Mới đây, Aimee Song, một influencer có tiếng trong giới thời trang với 5,5 triệu lượt theo dõi trên Instagram, đã tận dụng nền tảng này và đa dạng hoá nội dung của mình khi bắt đầu chia sẻ hình ảnh và video clip về lối sống đời thường của mình trong những ngày #stayhome: nấu ăn, gội đầu, hát hò, đọc sách, chăm da, tập luyện thể dục thể thao…

Trong khi đó, cô nàng blogger Caroline Daur với 2,3 triệu người theo dõi trên Instagram cũng cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để cô bắt tay vào với những hoạt động mới mẻ khác mà trước kia cô vẫn chưa có thời gian thực hiện.

Nếu có dịp dạo qua Instagram của Caroline, bạn sẽ cảm nhận được một sự “đồng cảm” sâu sắc với những tấm ảnh hay đoạn video clip của cô nàng, bởi hầu như tất cả mọi người đều đang ở trong hoàn cảnh tương tự như cô. 

Người mẫu ảo, họ là ai và họ từ đâu đến?

Trong những năm gần đây, CGI Model (Computer-generated imagery Model), hay được biết đến với tên gọi người mẫu ảo, đã không còn là khái niệm xa lạ với những tín đồ thời trang và công nghệ.

Năm 2018, cộng đồng mạng không khỏi “sốc” khi biết rằng Miquela Sousa, một KOL đình đám trên Instagram với 542.000 người theo dõi lúc bấy giờ lại là sản phẩm của công nghệ kỹ thuật số.

Mang hai dòng máu Brazil và Tây Ban Nha, sinh sống tại Los Angeles, thậm chí còn phát hành đĩa đơn “Not Mine” đứng hàng top trong bảng xếp hạng Spotify Viral, chẳng ai lại nghĩ rằng tất cả sự sống động đó lại là sản phẩm của máy tính và cô nàng mà họ cuồng say lại chỉ tồn tại trên không gian ảo.

87382073_3375078255852509_8924544090593641308_n-819x1024

Miquela Sousa – một trong những gương mặt đình đám trong giới CGI model | @lilmiquela.

Miquela là một trong những ví dụ điển hình của những ngôi sao được tạo ra từ công nghệ mô phỏng CGI.

Ngoài Miquela, còn rất nhiều những người mẫu ảo với hàng trăm ngàn lượt theo dõi trên Instagram, chẳng hạn như Shudu (@shudu.gram), Imma (@imma.gram), Lawko (@blawko22) hay Bermuda (@bermudaisbae).

Với vẻ ngoài luôn hoàn hảo, không vướng những scandal ồn ào, các người mẫu giả lập đã và đang nhận được rất nhiều những lời mời và hợp đồng lớn nhỏ từ các tạp chí lớn và các thương hiệu thời trang nổi tiếng.

Gia vị mới trong những chiến lược marketing tiếp theo?

Dù các chương trình đang bị huỷ bỏ, thế nhưng con số của các chiến dịch kỹ thuật số vẫn đang gia tăng.

Jennifer Powell, nhà sáng lập agency chuyên về quản trị influencer và phát triển thương hiệu, nhận định rằng, tác động về mặt tài chính do COVID-19 gây nên có thể sẽ ảnh hưởng nhiều năm đến các nhà bán lẻ và các thương hiệu thời trang.

Các thương hiệu sẽ đầu tư nhiều hơn vào các chiến dịch xã hội – một khoản đầu tư tương tự nhưng ít rủi ro về mặt tài chính và sức khoẻ hơn, thay vì các chuyến du lịch, công tác, sự kiện như cách họ đã từng.

Ngay từ những ngày đầu khi Lil Miquela và Shudu (những CGI model điển hình) khiến cho dân cư mạng dậy sóng, giới chuyên gia marketing đã đặt ra một câu hỏi rằng: “Influencer ảo có phải là bước phát triển tiếp theo của influencer marketing hay chỉ là xu hướng nhất thời?”.

Câu trả lời phải chăng đang dần lộ diện khi trong những ngày vừa qua, các influencer không thể bước ra khỏi nhà của mình và CGI models có thể cung cấp các giải pháp cho những thương hiệu thời trang.

Người mẫu ảo – nhóm influencer đầy tiềm năng

Gần đây nhất, Lil Miquela, cô nàng influencer đình đám với 2,1 triệu lượt theo dõi tính đến thời điểm hiện tại, vừa đăng một tấm ảnh rực rỡ đậm chất ngày hè với bộ trang phục từ Isa Boulder và No Sesso.

Tấm ảnh thu hút 58.1 ngàn lượt yêu thích và 700 lượt bình luận chỉ trong 11 tiếng đồng hồ. 

92795687_2353846808246462_1426420380350984256_n-819x1024

Cô nàng Lil Miquela trong bộ trang phục rực rỡ sắc hè từ Isa Boulder và No Sesso | @lilmiquela

Buzz Carter, một digital marketer cho biết: “Không có quá nhiều sự khác biệt giữa một tài khoản mạng xã hội của người mẫu thực và người mẫu ảo.

Nếu có sự tương tác và lòng tin, một chiến dịch thực hiện cùng Lil Miquela cũng sẽ có hiệu quả tương tự như chiến dịch với bất kỳ influencer nào khác.”

Trong khi các người mẫu thật bị giới hạn bởi một số kỹ năng khác nhau như tạo mẫu tóc, trang điểm, nhiếp ảnh hay tạo dáng thì các người mẫu giả lập này lại dễ dàng thích ứng khi có thể linh hoạt thay đổi với những phong cách đa dạng.

Hơn hết, những CGI influencer đang chứng tỏ khả năng xuất sắc trong việc tiếp cận nhóm đối tượng khán giả Millennials và Gen Z – nhóm đối tượng mục tiêu đầy tiềm năng của các thương hiệu thời trang.

Đó là chưa kể, CGI model cũng không hề vướng bận bất cứ scandal nào.

Điều này giúp cho các thương hiệu mong muốn hợp tác có thể giảm thiểu sự e dè về việc influencer có thể ảnh hưởng đến danh tiếng thương hiệu.