Trải nghiệm “ảo” hay mua sắm trực tuyến là chưa đủ
Do tác động của đại dịch, các hoạt động vui chơi giải trí trên toàn thế giới thời gian qua tạm thời bị gián đoạn, nhường chỗ cho nền tảng “online”.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, nhu cầu ấy của người dân không mất đi mà chỉ bị “nén” lại và có xu hướng bùng nổ khi tình hình dịch dần được kiểm soát.
Kevin Flynn, Giám đốc chiến lược bán lẻ tại ThoughtWorks (Mỹ) cho rằng trải nghiệm “ảo” sẽ không phải là thứ duy nhất mà khách hàng khao khát - trải nghiệm thực tế vẫn có sức sống bền bỉ.
“Vì vậy, khi chúng ta thoát ra khỏi đại dịch, sẽ có một lượng lớn người dân muốn ra khỏi nhà để tham gia vào các hoạt động ăn uống và mua sắm”, ông Kevin Flynn cho hay.
Một cuộc khảo sát gần đây của Gekko tại Anh đã chứng thực điều này. 70% người được hỏi dự định sẽ ghé thăm các cửa hàng thường xuyên hơn ngay sau khi các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu được mở cửa trở lại.
“Khách hàng mua sắm không chỉ để làm đầy tủ đồ mà còn để thỏa mãn những nhu cầu thẳm sâu bên trong, như giải tỏa cảm xúc, kết nối với xã hội và khám phá các xu hướng”, Dr. Chris Gray, đại diện Công ty Tư vấn tâm lý Người tiêu dùng Buycologist cho biết.
Việt Nam được dự đoán không nằm ngoài sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng này. Theo báo cáo của Nielsen, khi bước ra từ cuộc sống bị cách ly trong khoảng thời gian ngắn (dưới 3 tháng như tại Hà Nội), người tiêu dùng có xu hướng khôi phục lại những hành vi trước đó cùng một số mong đợi mới trở thành chính yếu hoặc thay đổi vĩnh viễn.
Điển hình như họ sẽ ưa chuộng không gian mở hơn không gian kín, yêu thích những sự kiện ngoài trời. Song, họ cũng đề cao khoảng cách cá nhân và tránh tiếp xúc đông người.
Điều này mở ra một nhu cầu mới của người tiêu dùng Việt hậu Covid-19: giải trí, mua sắm nhưng vẫn cần an toàn và riêng tư.
Hoạt động mua sắm, vui chơi giải trí “an toàn nhưng thuận tiện ngay trước thềm nhà” sẽ lên ngôi
Thực tế, hình thức tìm kiếm những điểm vui chơi gần nhà đã dần trở nên phổ biến tại Việt Nam từ năm 2019, điển hình là sự ra đời của khái niệm “staycation” – du lịch tại gia.
Với tác động của đại dịch, xu hướng này được dự đoán sẽ càng được ưa chuộng hơn.
Anh Hoàng Hiệp hiện đang sống ở một chung cư cao cấp tại quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ, đại dịch Covid-19 đã khiến anh thay đổi quan niệm về vui chơi, giải trí và du lịch.
“Tôi không còn quá hứng thú với những chuyến đi xa dài ngày, hơi e ngại khi phải sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Vợ chồng tôi chắc chắn sẽ đi mua sắm, gặp gỡ bạn bè, đi ăn hàng khi Hà Nội mở cửa trở lại, nhưng sẽ chọn những địa điểm gần nhà thôi”, anh Hiệp cho hay.
“Nếu có cơ hội, tôi chỉ muốn ra ngoài đi dạo, đi thư giãn, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe. Có thể là tham gia các khóa thiền, tập yoga, dưỡng sinh, hay đi làm móng, dưỡng da... để thể chất được cân bằng và giữ tinh thần vui vẻ. Đợt giãn cách xã hội vừa qua thật sự rất bí bách”, chị Linh Nga, cư dân một khu đô thị tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng chia sẻ.
Theo các chuyên gia kinh tế, sau khi đại dịch được kiểm soát, xu hướng vui chơi, giải trí sau không chỉ dừng lại ở việc ăn uống, mua sắm, thưởng ngoạn cảnh đẹp mà còn hướng nhiều đến tái tạo tinh thần lạc quan.
Tuy nhiên, do tâm lý e dè dịch bệnh bùng phát, người dân hiện nay có xu hướng hạn chế di chuyển và lựa chọn các địa điểm vui chơi, giải trí gần nhà.
Điều này dẫn tới nhu cầu về không gian mua sắm, giải trí tiện nghi, gần nơi ở, đảm bảo sự thuận tiện và hạn chế tiếp xúc được dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới, đặc biệt là đối với các khu căn hộ cao cấp riêng biệt trong lòng đô thị lớn, khi cư dân dự án vẫn đang sử dụng các tiện ích chung với cư dân đại đô thị.
Nắm bắt nhu cầu này, một vài chủ đầu tư đã bắt đầu lên kế hoạch xây dựng trung tâm vui chơi, giải trí cho cư dân.
Đại diện Masterise Homes, nhà phát triển hàng đầu với các dự án bất động sản hàng hiệu như The Grand, Hà Nội hay Grand Marina, Sài Gòn tiết lộ sắp tới sẽ cho ra mắt thêm một tổ hợp giải trí mang phong cách quốc tế dành riêng cho cư dân của dự án Masteri Waterfront nằm trong đại đô thị “biển hồ” Ocean Park.
Thực tế cho thấy một phong cách sống mới đang được hình thành trong giai đoạn “bình thường mới”.
Giới đầu tư cho rằng, nếu các nhà phát triển bất động sản có thể giải quyết được bài toán giải trí này thì đây chắc chắn là điểm nhấn và tạo giá trị gia tăng rất lớn cho dự án, đồng thời là yếu tố thúc đẩy mảng thương mại, dịch vụ phát triển theo.
Theo Đầu tư