Thuê và cho thuê phòng trên nền tảng công nghệ đã không còn xa lạ với nhiều người trong chúng ta. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, các ứng dụng đặt phòng, chia sẻ phòng phát triển mạnh mẽ như Airbnb, Luxstay, Agoda… Những ứng dụng công nghệ này cho người dùng những lựa chọn “ngon, bổ, rẻ” hơn so với phòng nghỉ khách sạn truyền thống. Người dùng có thể tùy ý lựa chọn những hình thức lưu trú khác nhau sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng và mục đích chuyến đi của mình.

Sự bùng nổ của nền kinh tế chia sẻ cũng là một yếu tố khiến cho loại hình lưu trú này phát triển nở rộ. Nó đang dần trở thành một phần của xã hội hiện đại, và không ít thì nhiều, tác động đến sự tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam. Đồng thời tạo ra những sản phẩm lưu trú hấp dẫn, đa dạng hơn đối với khách du lịch, cũng như tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

Bên cạnh đó, nó cũng khiến các nhà quản lý đau đầu. Tương tự câu chuyện chia sẻ xe như Grab, Uber, các nhà quản lý đang gặp khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát loại hình cho thuê phòng trên nền tảng công nghệ. Tính minh bạch, vấn đề nộp thuế, đảm bảo an ninh là những thách thức dành cho loại hình này. Gần đây, một số cử tri TP.HCM đã có đề nghị Bộ Xây dựng cấm luôn loại hình lưu trú ngắn hạn tại chung cư. Điều này có lợi hay có hại?

Airbnb, viết tắt của cụm từ Air Bed and Breakfast, là ứng dụng kết nối trực tiếp người có phòng cho thuê (chủ nhà/chủ phòng trọ/căn hộ/villas) với người thuê phòng kể cả ngắn ngày hay dài ngày. Airbnb có thủ tục, phương thức hoạt động cực kì đơn giản, giá thuê lại rẻ, hợp lý hơn rất nhiều so với những trang web đặt phòng thông dụng khác.

Theo báo cáo “Homesharing Vietnam Insights”, Airbnb là một nền tảng phổ biến trên toàn thế giới, mở rộng ở hơn 191 quốc gia. Sau 10 năm xuất hiện trên thị trường, từ con số 0, giá trị của Airbnb vào tháng 3/2017 đã là 31 tỷ USD, chỉ đứng sau Uber và Xiaomi. Đến cuối tháng 4/2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá trị của nó chỉ còn là 18 tỷ USD. Dù vậy, sức ảnh hưởng và giá trị của Airbnb vẫn là không hề nhỏ, tốc độ tăng trưởng sau dịch được dự báo sẽ bùng nổ trở lại.

Ở thị trường Việt Nam, Airbnb là nền tảng sinh sau đẻ muộn, tuy nhiên nó đã nhanh chóng khẳng định được vị trí của mình. Năm 2015, lần đầu tiên Việt Nam có mặt trong hệ thống Airbnb với khoảng 1.000 phòng được cho thuê. Đến năm 2019, con số này đã là hơn 40.000 phòng. 


cam-cho-thue-chung-cu-theo-gio-ngan-ngay-airbnb-luxstay-het-dat-dung-vo1

Số lượng cơ sở lưu trú Airbnb ở Việt Nam theo báo cáo "Homesharing Vietnam Insights 2019".

Chỉ riêng tại TP.HCM trong suốt 4 năm số lượng listing (địa điểm cho thuê trên Airbnb) liên tục tăng, từ 4.200 năm 2016 lên 21.500 cuối năm 2019. Theo nghiên cứu, trong giai đoạn 2016 - 2018, có tổng cộng gần 10.000 căn hộ được đưa vào sử dụng theo mô hình này. Một tỷ trọng rất lớn chung cư được giới đầu tư khai thác kinh doanh dịch vụ với Airbnb.

Báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản TP.HCM của CBRE Việt Nam từng chỉ ra rằng, mô hình chia sẻ phòng lưu trú đang trở thành đối thủ đáng gờm của loại hình căn hộ dịch vụ vì thời gian cho thuê và giá thuê linh hoạt. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch đến Việt Nam trong những năm qua tăng nhanh. Năm 2019, Việt Nam chạm mốc 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó có 43,5 triệu lượt khách lưu trú. Đây sẽ là điều kiện lý tưởng để Airbnb Việt Nam mở rộng mô hình phát triển ngày càng mạnh. Nhiều người dân bắt đầu tận dụng phòng trống, nhà trống để đăng ký kinh doanh qua nền tảng Airbnb.

Cũng theo báo cáo “Homesharing Vietnam Insights” giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng số lượng căn hộ/phòng đăng ký cho thuê hàng năm tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng luôn đạt mức cao. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng số lượng dịch vụ cho thuê hàng năm trên Airbnb tại TP.HCM là 97%, ở Hà Nội là 112% và Đà Nẵng là 111%. Ngoài ra, nhiều điểm du lịch nổi tiếng cũng bắt đầu nở rộ mô hình chia sẻ phòng lưu trú như Sapa, Hạ Long…

Sự bùng nổ của Airbnb là cú hích để nhiều đơn vị đi theo con đường này. Tại Việt Nam, một sản phẩm thuần Việt, dù ra đời sau Airbnb nhưng cũng ghi nhận những con số ấn tượng khi tham gia vào thị trường home-sharing. Đó là Luxstay. Chào thị trường trong nước sau Airbnb một năm, Luxstay cũng nhanh chóng thành công xây dựng hệ thống hàng chục nghìn chỗ ở. Một nghiên cứu của đơn vị này đã chỉ ra, doanh thu hàng quý của các chủ nhà trên hệ thống Luxstay có thể lên đến trên dưới 100 triệu đồng nếu như hoạt động tích cực.

Hấp lực nào khiến Airbnb, Luxstay tăng trưởng ngày một nhanh chóng như vậy?

Trước hết, nền tảng công nghệ cho phép chủ nhà có thể cho thuê theo nhiều hình thức khác nhau như: Cho thuê toàn bộ ngôi nhà, cho thuê một số phòng riêng, phòng ở ghép từ 2 khách trở lên cho một phòng… Từ đó, chi phí thuê phòng giảm mà chất lượng dịch vụ vẫn được đảm bảo theo yêu cầu của khách hàng.

Các nền tảng như Airbnb hay Luxstay tạo điều kiện để người dùng có thể đi du lịch với chi phí rẻ hơn, đồng thời, mang đến những trải nghiệm độc đáo, mới lạ khi lưu trú. Người lưu trú sẽ được ở tại các căn hộ của người dân bản địa, trải nghiệm đời sống, văn hóa địa phương. Người thuê cũng có thể chọn lựa tham gia hoặc bỏ qua các dịch vụ đi kèm để linh hoạt thay đổi lịch trình chuyến du lịch của mình.

Anh Nguyễn Minh Thiện (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Mình là người hay đi du lịch nhưng ít khi lựa chọn khách sạn mà rất thích thuê căn hộ qua ứng dụng Airbnb. Ở khách sạn tương đối chán vì khách sạn nào cũng giống nhau, không có nhiều lựa chọn hay sự sáng tạo như ở các căn hộ. Hơn nữa, ở căn hộ sẽ cho mình cảm giác tự nhiên, gần gũi và thoải mái hơn.”


cam-cho-thue-chung-cu-theo-gio-ngan-ngay-airbnb-luxstay-het-dat-dung-vo2

Airbnb ngày một nở rộ và trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều khách du lịch.

Đặt phòng và lưu trú thông qua Airbnb, cả khách hàng và người cho thuê đều có thể đánh giá lẫn nhau sau mỗi lần sử dụng dịch vụ. Nếu bạn phục vụ tốt, khách hàng hài lòng, sẽ để lại những phản hồi tích cực trên hệ thống và thu hút sự quan tâm, lựa chọn của nhiều khách hàng khác. Ở chiều ngược lại, nếu khách hàng lưu trú theo hình thức Airbnb nhưng không lịch sự với chủ nhà, họ có thể sẽ không được tiếp tục thuê phòng.

Xét cho cùng việc thuê nhà trên nền tảng công nghệ giúp cả chủ nhà và người thuê có nhiều tiện ích. Người đi thuê cũng tiết kiệm thời gian, tiết kiệm được cả tiền bạc lại còn có nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu mục đích sử dụng. Trong khi đó, chủ nhà dễ dàng cho thuê, dễ dàng giới thiệu căn hộ của mình một cách rộng rãi mà không phải mất quá nhiều công sức, lại có nguồn doanh thu khá ổn định.

Theo báo cáo “Homesharing Vietnam Insights”, các cơ sở kinh doanh Airbnb có doanh thu bình quân tháng thấp điểm (tháng 5-6) ở TP.HCM đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tháng cao điểm (tháng 11-12-01) đạt 11,5 triệu đồng/tháng. Con số ở thành phố Hà Nội lần lượt là 5,2 triệu đồng và 6,78 triệu đồng. Ước tính ở các thành phố lớn, mỗi năm, mỗi cơ sở kinh doanh có doanh thu khoảng 100 triệu đồng. Với hơn 40.000 cơ sở lưu trú ở Việt Nam, giả sử tất cả các cơ sở lưu trú đều ở các thành phố lớn, tổng doanh thu 1 năm mà Airbnb mang lại có thể đạt 4.000 tỷ đồng.

Cũng bởi vậy, những nền tảng như Airbnb, Luxstay không còn đơn thuần là nguồn tăng thu nhập cho những cá nhân có chỗ ở nhàn rỗi, mà đang trở thành sản phẩm kinh doanh du lịch hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng công nghệ sẽ là một mô hình đầu tư hấp dẫn, góp phần đa dạng hóa các hình thức lưu trú dành cho du khách tại Việt Nam.

Theo Reatimes