Bản báo cáo Xu thế Nguồn nhân lực toàn cầu của Deloitte cho thấy tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong việc ra quyết định của tổ chức ngày một tăng lên.
Định nghĩa lại sự chuẩn bị và tiềm năng của nguồn nhân lực
Báo cáo chỉ ra rằng các vấn đề về nguồn nhân lực đang là trọng tâm trong suy nghĩ/cân nhắc của các nhà lãnh đạo khi họ muốn thay đổi quan điểm của tổ chức về sự chuẩn bị.
Trong báo cáo năm 2021, 17% giám đốc cho biết tổ chức của họ sẽ tập trung lập kế hoạch cho các sự kiện khó xảy ra, có tác động lớn trong tương lai, cao hơn nhiều với tỷ lệ 6% trước khi đại dịch xảy ra.
Gần một nửa (47%) giám đốc nói rằng tổ chức của họ có kế hoạch tập trung vào nhiều kịch bản, tăng đáng kể so với tỷ lệ 23% trước đại dịch.
Để đối phó hiệu quả với nhiều tình huống tương lai và những sự kiện khó xảy ra, vai trò của việc hiểu biết chuyên sâu và dữ liệu theo thời gian thực về nguồn nhân lực ngày càng trở nên quan trọng trong việc thiết lập các hướng đi mới.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất để chuyển đổi sẵn sàng là khai thác tiềm năng của nhân viên bằng cách tập trung vào năng lực. Gần 3/4 (72%) giám đốc xác định “khả năng thích ứng, đào tạo lại và đảm nhận vai trò mới của nhân viên” là ưu tiên để điều hướng những gián đoạn trong tương lai.
Tuy nhiên, chỉ 17% trong số các giám đốc trên nói rằng tổ chức của họ “rất sẵn sàng” để thích nghi và đào tạo lại nhân viên để nhân viên có thể đảm nhận các vai trò mới, điều này cho thấy có sự khác biệt lớn giữa ưu tiên của các nhà lãnh đạo và thực tế về cách tổ chức của họ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
Bà Erica Volini, lãnh đạo nguồn nhân lực toàn cầu, Deloitte Consulting LLP cho biết: “Đại dịch COVID-19 giúp bộc lộ khả năng kiên cường của nguồn nhân lực.”
Tích hợp con người và công nghệ để tái cấu trúc công việc
Báo cáo chỉ ra rằng các giám đốc đang chuyển hướng từ việc tối ưu tự động hóa sang việc tìm cách tích hợp tốt nhất giữa con người và công nghệ để bổ sung cho nhau và thúc đẩy tổ chức phát triển.
61% giám đốc nói rằng họ có kế hoạch tập trung vào việc định hình lại công việc trong vòng một đến ba năm tới, so với tỷ lệ 29% trước đại dịch. COVID-19 đã nâng cao nhận thức của các nhà lãnh đạo về những lợi ích tiềm năng của phương pháp này, bao gồm năng suất lớn hơn, nhanh hơn và đổi mới đáng kể hơn.
Trong thời kỳ đại dịch, các tổ chức đã tận dụng cấu trúc nhóm để tăng khả năng thích ứng và tồn tại trong một năm khó dự đoán.
Các giám đốc tham gia khảo sát năm nay đã nhận ra rằng việc sử dụng công nghệ và con người không phải là lựa chọn “hoặc một trong hai” mà là quan hệ đối tác “hai bên cần có để cùng có lợi”.
Ba yếu tố hàng đầu để chuyển đổi công việc là văn hóa tổ chức (45%), năng lực của nguồn nhân lực (41%) và công nghệ (35%) - tất cả các yếu tố phải phối hợp nhịp nhàng để tổ chức có được những “đội ngũ ưu việt” (superteam) hiệu quả.
Kết quả khả quan tại khu vực Đông Nam Á
Những người tham gia cuộc khảo sát bao gồm các giám đốc từ các nước Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Nhìn chung, tại Đông Nam Á, chỉ 25% số người được hỏi nói rằng tổ chức của họ đã “chuẩn bị rất kỹ lưỡng” cho đại dịch COVID-19.
Hơn một phần ba (39%) giám đốc xác định “khả năng nhân viên của họ thích nghi, đào tạo lại và đảm nhận các vai trò mới” là ưu tiên để điều hướng những gián đoạn trong tương lai, nhưng chỉ 15% trong số họ cho biết tổ chức của họ “rất sẵn sàng” để thích nghi và đào tạo lại cho nhân viên để đảm nhận các vai trò mới.
Ngoài ra, những cá nhân tham gia khảo sát cũng cho rằng, nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực (57%) và cải thiện văn hóa tổ chức (45%) là hai việc quan trọng nhất mà họ đang hoặc sẽ thực hiện để chuyển đổi công việc.
Trong bối cảnh đại dịch, gần 80% người tham gia khảo sát tại Đông Nam Á cảm thấy rằng nhân sự có tác động trong việc bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của nguồn nhân lực trong thời kỳ đại dịch.
Tuy nhiên, chỉ 22% số người được hỏi tin rằng nhân sự tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc nâng cao các kỹ năng và năng lực của nguồn nhân lực.
Ông Mark Maclean, Giám đốc phụ trách Chuyển đổi Nguồn nhân lực Đông Nam Á của Deloitte, cho biết:
“Tâm lý con người tại Đông Nam Á tương tự như toàn cầu, phản ánh sự khác biệt đáng kể giữa các ưu tiên của các nhà lãnh đạo và thực tế về cách tổ chức của họ để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
Để đảm bảo thành công trong xã hội “bình thường mới” hậu COVID-19, các tổ chức cần chuyển từ tư duy “sống sót” sang tư duy “phát triển” và bắt đầu nhìn nhận sự gián đoạn là cơ hội."
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư