Dưới đây là năm xu hướng chính đã và đang định hình thị trường việc làm hậu COVID-19:
- Tái cấu trúc doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp tuyển dụng dựa trên kỹ năng.
- Xu hướng chuyển đổi công việc.
- Sự gia tăng đầu việc và cắt giảm vị trí công việc.
- Kỹ năng số hóa được đặt lên hàng đầu.
Xu hướng tái cấu trúc doanh nghiệp - Hướng đến năng suất làm việc
Những thay đổi về cấu trúc ngành và sự gián đoạn đối với các mô hình kinh doanh trong và sau giai đoạn COVID-19, đã khuyến khích các công ty tái cấu trúc để thích nghi và cạnh tranh.
Các công ty như General Electric áp dụng hình thức chia tách doanh nghiệp.
Việc tách thành 3 công ty đại chúng toàn cầu về 3 lĩnh vực khác nhau.
Mỗi công ty này có thể phát triển hơn nhờ hoạt động chuyên sâu, phân bổ vốn phù hợp và sự linh hoạt chiến lược.
Trong khi đó, những công ty khác lại vận dụng hình thức sáp nhập, như trường hợp của Tata Group.
Tập đoàn thép Corus Group PLC (Anh-Hà Lan) và công ty Tata Steel thuộc tập đoàn Tata Group (Ấn Độ) vừa qua đã nhất trí điều chỉnh các điều khoản trong thỏa thuận sáp nhập giữa hai bên.
Mặt khác, một số công ty có thể hoạt động bình thường như Alphabet, không cắt giảm nhân viên bởi vì doanh nghiệp thực hiện chiến lược kêu gọi tăng năng suất làm việc.
Không phân biệt thị trường, ngành và cách tiếp cận, hiệu quả công việc là điều các doanh nghiệp cần phải duy trì trong thời đại khủng hoảng kinh tế và hậu COVID-19 như hiện nay.
Đó là lý do các công ty không chỉ tái cấu trúc doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển mà còn kêu gọi tăng năng suất làm việc của nhân viên
Đồng thời các DN cũng cần ưu tiên duy trì và thuê những nhân viên có kỹ năng và năng lực, nhằm cải thiện trực tiếp lợi nhuận.
Xu hướng tuyển dụng dựa trên kỹ năng - Các sinh viên mới ra trường cần lưu ý
Đối mặt với nhu cầu mang lại kết quả từ ngắn hạn đến trung hạn, các công ty đang ngày càng tuyển dụng nguồn lao động giàu kỹ năng, có kinh nghiệm và dĩ nhiên là, ít tiềm năng hơn.
Điều này đã dẫn đến rủi ro cho các sinh viên mới ra trường.
Nhiều nhà tuyển dụng đang loại bỏ bằng cấp khỏi tiêu chí tuyển dụng để ưu tiên đánh giá kỹ năng và kinh nghiệm.
Chỉ có 11% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp “hoàn toàn đồng ý” rằng sinh viên tốt nghiệp đại học có đủ năng lực cần thiết để trở thành nhân viên trong công ty.
Và theo số liệu cho thấy, hơn 4/5 nhà tuyển dụng tin rằng thực tập có thể chuẩn bị cho sinh viên tốt nghiệp để thành công trong công ty.
Vậy nên, thế hệ trẻ sắp bước vào thị trường việc làm trong giai đoạn này phải nắm lấy các cơ hội như các chương trình thực tập, vị trí học việc để cung cấp kinh nghiệm phù hợp trong việc phát triển kỹ năng.
Xu hướng chuyển đổi công việc - Đánh giá cơ hội việc làm đa ngành, đa quốc gia
Tiếp đến là xu hướng chuyển đổi công việc, do những chiến dịch thu hút nhân tài đã mang đến những cơ hội lớn cho người lao động để chuyển đổi công việc.
Trạng thái “bình thường mới" đi kèm sự bình thường hóa công việc từ xa, cùng với sự hỗ trợ của thời đại công nghệ số, đã giúp người lao động có thể tìm việc trên toàn cầu cũng như đảm nhiệm nhiều công việc cùng một lúc.
Các nghiên cứu dự đoán rằng những thế hệ trẻ sẽ có từ 12 đến 15 công việc trong cuộc đời.
Do đó, các cá nhân nên đánh giá cơ hội việc làm từ lăng kính toàn cầu và rộng hơn nữa, chuyển sang tư duy về khả năng chuyển đổi nghề nghiệp và phát triển các kỹ năng có thể chuyển giao, nhằm nắm bắt nhiều cơ hội việc làm hơn.
Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý xu hướng này để đề ra những con đường sự nghiệp rõ ràng cũng như lợi ích làm việc lâu dài tại công ty để giữ chân nhân tài.
Xu hướng gia tăng đầu việc và cắt giảm vị trí công việc - Doanh nghiệp có tầm nhìn, người lao động đa nhiệm
Xu hướng chuyển đổi công việc cùng sự nổi lên của các công ty về nền tảng công nghệ đã thay đổi cơ bản các quy tắc tuyển dụng cũng như các vị trí công việc.
Các công ty như Uber đã tạo cơ hội làm việc cho khoảng 5 triệu tài xế trên toàn thế giới mà không cần ký hợp đồng tuyển dụng tài xế nào.
Điều này mở ra cơ hội cho các cá nhân và công ty tiếp cận với nguồn nhân tài hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu đa dạng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng sẽ ảnh hưởng đến các chiến lược nhân sự của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp có thể cắt giảm các vị trí công việc và gia tăng đầu việc cho mỗi nhân viên.
Cụ thể là, khi một doanh nghiệp tuyển nhân viên, doanh nghiệp chỉ cần dựa vào tiềm năng và kỹ năng cơ bản, sau đó, chuyển giao cho bộ phận nhân sự, phát triển tiềm năng, hướng nhân viên đến một kế hoạch nhằm đáp ứng được nhu cầu của công ty.
Từ đó, doanh nghiệp được đòi hỏi phải có những công cụ phân tích nhân tài cũng như kiểm soát hiệu suất làm việc rõ ràng và cụ thể.
Những người tìm việc trong các công ty ở các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tỷ lệ thất nghiệp cao cũng phải mở rộng tầm nhìn, khám phá các cơ hội làm việc giàu tiềm năng hơn.
Và một lần nữa, các doanh nghiệp cần thúc đẩy những lợi ích người lao động xung quanh các cơ hội việc làm, để cạnh tranh trong thời đại ngày nay.
Xu hướng chuyển đổi số - Người lao động cần thay đổi phù hợp với thời đại số
Chuyển đổi số đã mang lại những thay đổi lớn trong thị trường việc làm.
Các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh doanh nông nghiệp, tài chính và sản xuất đến truyền thông, đều đang trên đà số hóa.
Trong bối cảnh này, người lao động không chỉ được đòi hỏi kỹ năng mềm như giao tiếp, hợp tác, tư duy phản biện và trí tuệ cảm xúc, mà còn cần đảm bảo các kỹ năng số hóa như ứng dụng Internet AI và Robot.
Vì môi trường làm việc của các doanh nghiệp ngày càng số hóa nên người lao động cần cập nhật ngay các kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm.
Các doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu về nhân viên để tận dụng nguồn lực hiện tại một cách hiệu quả nhất.
Lời kết
Thị trường việc làm đang có những bước tiến khác biệt trong thời kỳ hậu COVID-19 kết hợp với chuyển đổi số trên toàn cầu.
Các công ty đang tái cơ cấu doanh nghiệp, sử dụng các biện pháp nhằm nâng cao năng suất lao động, chú trọng tuyển dụng và phát triển nhân tài đa nhiệm và đặc biệt là có kỹ năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thời đại.
Người lao động trong giai đoạn này cần cập nhật thị trường lao động, không ngừng nâng cấp bản thân để có thể làm việc hiệu quả trong tình hình “bình thường mới”.
Bản dịch và tham khảo bài viết của World Economic Forum.