Đầu năm 2019, thị trường xuất hiện cuộc đua “siêu ứng dụng” giữa nhiều hãng công nghệ lớn.
Siêu ứng dụng được gọi là mô hình “All in one app”, hay ứng dụng đa năng, ứng dụng tất cả trong một.
Khách hàng chỉ cần vào một ứng dụng có thể sử dụng được nhiều dịch vụ, phục vụ nhiều nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
Các hãng gọi xe công nghệ cố gắng tích hợp nhiều dịch vụ vào “siêu ứng dụng” như gọi xe, giao nhận hàng hóa, giao đồ ăn, đi chợ hộ, hay các giải pháp thanh toán như ví điện tử, thanh toán tiền điện, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền...
Trợ lý hàng ngày: “Siêu ứng dụng”
Về phía khách hàng, lợi ích nhận được là tiết kiệm nhiều thời gian, công sức với “người trợ lý” là siêu ứng dụng.
Chỉ cần mở một app lên, người dùng có thể được phục vụ, hỗ trợ các nhu cầu đi lại, ăn uống, thanh toán, chuyển tiền…
Về phía doanh nghiệp, các hãng công nghệ muốn xây dựng một ứng dụng với hệ sinh thái trọn vẹn, đáp ứng hầu hết nhu cầu hàng ngày của tập khách hàng lớn.
Theo một số chuyên gia, sức sống của “siêu ứng dụng” là khả năng đáp ứng nhu cầu của người dùng, duy trì mật độ sử dụng thường xuyên của họ.
Ứng dụng càng giúp ích nhiều cho khách hàng thì càng thành công.
Những năm gần đây, nền kinh tế nền tảng (Platform Economy) phát triển bùng nổ trên thế giới và Việt Nam.
Báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 cho thấy kinh tế số của Việt Nam tiếp tục bùng nổ, đạt giá trị khoảng 12 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng khoảng 38%, thuộc top dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Kinh tế số tại Việt Nam đóng góp 5% GDP trong năm 2019. Giá trị nền kinh tế số tại Việt Nam dự báo có thể đạt 43 tỷ USD vào năm 2025.
Do đó, thị trường siêu ứng dụng thực sự là miếng bánh hấp dẫn cho nhiều hãng công nghệ.
Tuy nhiên, việc hoàn thiện một hệ sinh thái của “siêu ứng dụng” lại không hề đơn giản.
Các dịch vụ trong hệ sinh thái trước tiên phải hỗ trợ cho nhau, nhằm nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng.
Điển hình như với ứng dụng Grab, một nhân viên văn phòng có thể nạp tiền vào ví Moca trên ứng dụng, sau đó dùng số tiền này đặt GrabBike để đi làm vào buổi sáng.
Trong lúc đó có thể dùng GrabFood để đặt đồ ăn sáng, lúc đến văn phòng cũng là lúc có thể nhận được đồ ăn sáng.
Khi tan làm có thể đặt GrabCar về nhà, trong lúc đó đặt thực phẩm tươi trên GrabMart để chuẩn bị cho bữa tối bên gia đình.
Hướng tới tối đa hóa lợi ích cho khách hàng
Một vấn đề quan trọng nữa, hệ sinh thái “siêu ứng dụng” phải luôn hướng đến tăng tính trải nghiệm và tối đa hóa lợi ích cho người tiêu dùng.
Ví dụ một số hệ sinh thái từ lâu đã gia tăng lợi ích cho người tiêu dùng thông qua việc triển khai chương trình khách hàng thân thiết.
Khi sử dụng bất kỳ dịch vụ nào, khách hàng sẽ được tích lũy điểm và có thể sử dụng điểm đó để đổi lại dịch vụ, hoặc nhận những ưu đãi khi mua sắm, tiêu dùng dịch vụ, hàng hóa khác.
Chị Lan Anh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết bản thân ban đầu chỉ dùng ứng dụng để đặt xe.
Tuy nhiên, trong mùa dịch COVID-19, chị nhận ra ứng dụng đặt xe còn có thể đáp ứng nhiều nhu cầu thiết yếu khác như đi siêu thị hộ, giao nhận hàng hóa... Chị chia sẻ:
“Tôi thấy Grab đang triển khai chương trình ‘Grab Liên hoàn deal’ nên dùng thử. Tôi đặt GrabBike để di chuyển đến siêu thị với cước giảm 50%. Sau đó, tôi dùng ví Moca thanh toán và được hoàn tiền. Với chương trình này, tôi nhận được nhiều ưu đãi từ các dịch vụ mà còn được thêm điểm trên GrabRewards”.
Có thể thấy, với thế mạnh công nghệ và nền tảng “siêu ứng dụng” đã được đầu tư bài bản, hệ sinh thái Grab đang giúp khách hàng gia tăng trải nghiệm, ngày càng tối đa hóa lợi ích.
Càng sử dụng nhiều dịch vụ, người dùng càng nhận được nhiều lợi ích.
Thậm chí, việc các dịch vụ hỗ trợ lẫn nhau trong hệ sinh thái không chỉ mang đến cho người dùng trải nghiệm liền mạch, mà còn mang đến cơ hội thu nhập cho tài xế, và tăng trưởng kinh doanh cho các đối tác cửa hàng, quán ăn vừa và nhỏ.
Cuộc đua “siêu ứng dụng” ở Việt Nam vẫn sẽ là mục tiêu hướng đến của nhiều hãng công nghệ, bởi thị trường vẫn còn nhiều dư địa hấp dẫn để khai thác.
Cuộc đua đó chắc chắn cũng sẽ còn nhiều sự cạnh tranh khốc liệt.
Các doanh nghiệp sẽ không ngừng cải thiện hạ tầng, công nghệ, nâng cao năng lực nền tảng... bởi người dùng sẽ càng trung thành với một hệ sinh thái khi mang lại có họ nhiều sự tiện lợi nhất.