Sau giai đoạn tin học hóa mang tính cục bộ, hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) tại các cơ quan, đơn vị được chuyển sang hình thức kết nối qua mạng.
Lúc này, phần mềm (PM) dùng chung (PM chia sẻ - SS và PM như dịch vụ - SaaS) đã phát huy hiệu quả, giúp cho toàn hệ thống hoạt động thống nhất, tiết kiệm chi phí mua bản quyền và duy trì PM.
Trả tiền theo nhu cầu sử dụng
SS đang được ứng dụng trong hệ thống hành chính công điện tử ở Việt Nam như: quản lý văn bản và điều hành công việc; một cửa điện tử; cơ sở dữ liệu về các lĩnh vực của địa phương…
Cho tới nay, trong nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, các địa phương và các ngành phải có đầy đủ các SS đạt chất lượng do chính quyền điện tử vận hành trên nền tảng các SS chạy trên Internet.
Trong lĩnh vực ngân hàng, SS cung cấp các dịch vụ online như ngân hàng số cho khách hàng dùng từ xa.
Trong cộng đồng, SS đã xuất hiện từ lâu và mở rộng theo sự phát triển của mạng cục bộ và Internet, phổ biến là một nhóm người góp tiền mua bản quyền PM rồi cùng sử dụng.
Công ty iRender Việt Nam là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ và PM dựa trên nền tảng đám mây để hỗ trợ nhà thiết kế hoàn tất công trình thiết kế xuất ra kết quả cuối cùng (khâu kết xuất đồ họa - rendering).
Trong khi đó, việc đầu tư hệ thống máy tính đủ sức rendering rất tốn kém và sẽ là lãng phí nếu nhu cầu không phải thường xuyên.
Với dịch vụ cho thuê hệ thống để rendering, nhà thiết kế đẩy hồ sơ của mình lên máy chủ của họ và rendering bằng hệ thống của iRender.
Hiện iRender có thể huy động cùng một lúc tới 20.000 nhân CPU và GPU để phục vụ các nhà thiết kế và các doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ họa.
Trong thời công nghệ 4.0, hoạt động này được đưa lên đám mây và ở cấp độ cao hơn là có thể huy động sức mạnh tập thể từ nhiều hệ thống khác nhau.
Ông Lê Quang Hiếu, Giám đốc điều hành iRender Việt Nam, cho biết trước mắt công ty cung cấp dịch vụ theo mô hình PaaS (nền tảng như dịch vụ) trực tuyến cho các họa sĩ hoạt hình, kiến trúc sư, nhà thiết kế công nghiệp và nhà phát triển game giúp họ tiết kiệm chi phí đầu tư hệ thống máy tính cấu hình cao.
Trong khi đó, ngày càng có thêm nhiều nhà phát triển PM ứng dụng mở rộng sang hình thức SaaS.
Đây là hình thức cao nhất trong việc chia sẻ hệ thống, dịch vụ gồm cả các tính năng của PaaS.
Phương thức này cho phép người dùng kết nối và sử dụng các ứng dụng dựa trên đám mây. Chẳng hạn như các ứng dụng e-mail, lịch làm việc, công cụ văn phòng…
Thay vì phải đầu tư nhiều tiền để mua bản quyền PM cho từng nhân viên, công ty chỉ cần đăng ký một SaaS rồi chia sẻ cho nhân viên truy cập vào nhà cung cấp dịch vụ để sử dụng.
Khách hàng đơn vị hay cá nhân có thể chủ động thuê ứng dụng theo thời gian hay theo từng công trình, nhu cầu cụ thể - nghĩa là chỉ thuê khi cần, thoát cảnh đắp chiếu trùm mền.
Tập đoàn công nghệ phần mềm Microsoft trong những năm gần đây đã chuyển mạnh những PM của mình thành dạng SaaS, như Microsoft 365, Microsoft Azure, Microsoft Dynamics 365…
Đang dần chiếm ưu thế
Có một thực tế là SaaS đang thay đổi cách thức hoạt động của các tổ chức.
Các sản phẩm SaaS phân phối dữ liệu trực tuyến để mọi người có thể truy cập từ trình duyệt trên mọi thiết bị từ bắt đầu, bất cứ lúc nào.
Trong suốt quá trình vận hành SaaS, các công ty có thể tiếp tục lưu trữ PM và được cung cấp hỗ trợ CNTT liên tục.
Điều này cho phép bảo mật mạng vững chắc hơn, tính cộng tác nhiều hơn, có thêm các tính năng bổ sung với chi phí rẻ hơn.
Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình SaaS như Zoom (phòng họp trực tuyến); Grab (xe công nghệ) hoặc AirBnB (phòng trọ chia sẻ); Kiot Viet, Sapo trong lĩnh vực quản lý bán hàng; Chili (cho thuê website để kinh doanh); CloudFone (điện thoại đám mây); Tiki (sàn thương mại điện tử)…
Báo Investor’s Business Daily cho biết đại dịch Covid-19 tạo cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ SaaS ăn nên làm ra khi người dân phải giãn cách toàn cầu, tiến hành các hoạt động - kể cả học hành, làm việc, giao dịch, giải trí… từ xa.
Các nhà chuyên môn đánh giá SaaS là mô hình 4.0 ưu việt hơn so với PM on-premise (PM được doanh nghiệp mua lại với bản quyền vĩnh viễn).
Vì vậy, SaaS ngày càng nhanh chóng chiếm vị trí áp đảo trên thị trường công nghệ PM.
Doanh số của thị trường SaaS toàn cầu từ 70 tỉ USD trong năm 2018 đã vượt mốc 100 tỉ USD vào năm 2019.
Theo Công ty Nghiên cứu dữ liệu IDC, gần 50% kinh phí đầu tư vào CNTT của các doanh nghiệp trên thế giới sẽ được chi cho nhu cầu CNTT dựa trên nền tảng điện toán đám mây.
Với tốc độ rất nhanh chóng, các dịch vụ SaaS dựa trên nền tảng điện toán đám mây dự báo sẽ chiếm 60% chi tiêu cho CNTT vào năm 2020.
Xu hướng của SaaS trên thế giới là gia tăng sự tích hợp giữa các PM này để chúng cùng hoạt động trơn tru phục vụ cho doanh nghiệp có thể sử dụng đồng thời nhiều SaaS từ các nhà cung cấp khác nhau mà không bị tình trạng xung đột.
Công cuộc chuyển đổi số sẽ thúc đẩy SaaS phát triển mạnh mẽ hơn vì thiếu SaaS thì không thể chuyển đổi số toàn diện.