suc-khoe-thong-minh-giadinhmoi-0818-IDVX

Tích hợp điện toán đám mây và blockchain là hướng phát triển trong tương lai có thể mang lại những đột phá chưa từng có trong các dịch vụ y tế.

Sự kết hợp giữa IoT và theo dõi bệnh nhân từ xa với thời gian thực cho phép bệnh nhân quyền kiểm soát và chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe của mình.

Dưới đây là tóm lược về xu thế phát triển của các nền tảng ứng dụng trong “Sức khoẻ thông minh” được đăng trên Tạp chí INJ (International Neurology Journal), 2018:  

“Sức khoẻ thông minh” (Smart Health) là một khái niệm mới đề cập đến việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ phòng bệnh, chẩn đoán, điều trị cho đến quản lý theo dõi diễn tiến của bệnh ở bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu bằng cách kết nối các dữ liệu sinh học của con người vào các thiết bị y tế được nhúng các nền tảng công nghệ thông tin. 

Đây là một bước đột phá đáng kể trong hoạt động chăm sóc sức khỏe, các thiết bị thông minh được hỗ trợ kết nối internet cho phép các cơ sở y tế thực hiện chăm sóc, phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị một cách chủ động và toàn diện hơn. 

Trong đó, tập trung vào các nền tảng công nghệ theo dõi tình trạng sức khỏe được phát triển dựa trên các thiết bị thông minh có hỗ trợ IoT (Internet vạn vật), có thể thu thập dữ liệu sinh học của bệnh nhân theo thời gian thực và chuyển tải thông tin được đánh giá bởi các thầy thuốc để người bệnh biết và tự quản lý sức khoẻ của mình.  

Nền tảng công nghệ IoT sẽ cho phép các bác sĩ dễ dàng theo dõi dữ liệu về tình hình sức khỏe của bệnh nhân theo thời gian thực.

Gần đây, một số công trình nghiên cứu đã chứng minh có thể giám sát tình trạng sức khỏe của bệnh nhân từ xa bằng cách sử dụng các công nghệ kỹ thuật sinh học tiên tiến kết hợp với một thiết bị nhúng IoT. 

Các cảm biến sinh học không xâm lấn hứa hẹn điều trị bệnh nhân theo thời gian thực đảm bảo tính kịp thời trong chăm sóc, tăng cường tuân thủ điều trị và cải thiện kết quả sức khỏe. 

Điển hình như các cảm biến dựa trên vật liệu có thể co giãn cho phép đo các chỉ số sinh học không xâm lấn thay vì phải sử dụng các phương pháp xâm lấn thông thường như sử dụng kim tiêm, hoặc phải sử dụng các bảng bo mạch cứng, kết nối đầu cuối và kết nối nguồn điện. 

Hiện nay, với đột phá này và đáp ứng nhu cầu theo dõi sức khỏe không xâm lấn đã khiến các nhà nghiên cứu sử dụng các chất phân tích thay thế cho mẫu máu như nước mắt, nước tiểu, mồ hôi và nước bọt. 

suckhoethongminh0818_EAJW


suckhoethongminh0818_EAJW

Một trong những điển hình của “sức khoẻ thông minh” là kính áp tròng thông minh được tích hợp với cảm biến glucose, với thiết bị này, có thể theo dõi mức glucose trong nước mắt thay vì theo dõi đường huyết.

Mặc dù tranh luận vẫn còn tiếp tục về mối tương quan giữa nồng độ glucose trong nước mắt với nồng độ glucose trong máu.

Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để phát triển cảm biến glucose cho nước mắt do những lợi thế to lớn của việc không xâm lấn và liên tục, khiến chúng trở thành một lựa chọn tiềm năng hấp dẫn thay vì xét nghiệm máu (hình 1A). 

Một ví dụ khác, một số thiết bị đeo được tích hợp các cảm biến mồ hôi để theo dõi liên tục, không xâm lấn các dấu ấn sinh học trong mồ hôi.

Cảm biến mồ hôi có thể cho phép đo thời gian thực của các chất chuyển hóa của bệnh nhân và chất điện giải (Hình 1 B, 1C). 

Tất cả các nền tảng này có khả năng gửi thông tin thời gian thực bằng điện thoại thông minh hoặc gửi trực tiếp lên đám mây.

Hiện nay, các thiết bị theo dõi sức khỏe bệnh nhân được nhúng IoT đã được tích hợp vào điện toán đám mây.

Việc sử dụng điện toán đám mây trong chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục phát triển do việc sử dụng các thiết bị thông minh hỗ trợ IoT ngày càng tăng. 

Điển hình như IBM đã công bố “Watson Health” sẽ cung cấp quyền truy cập dựa trên điện toán đám mây để diễn giải dữ liệu chăm sóc sức khỏe.

Điện toán đám mây “Watson Health Cloud” là một hình thức nguồn mở nhưng đảm bảo an toàn để các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có thể chia sẻ và chuyển tải dữ liệu sức khỏe, qua đó sẽ hiểu rõ hơn về xu hướng, giúp đưa ra quyết định sáng suốt, từ đó cải thiện kết quả chung về sức khoẻ của bệnh nhân. 

Hoặc gần đây, Google đã giới thiệu giao diện lập trình ứng dụng chăm sóc sức khỏe đám mây API (Application Programming Interface), nhằm mục đích giúp các cơ sở y tế dễ dàng thu thập, lưu trữ và truy cập dữ liệu về sức khỏe.

Nền tảng API cho phép người dùng chạy các phân tích tiên tiến và các mô hình dự đoán dựa trên máy học thông qua các hồ sơ sức khỏe điện tử. 

Ngoài ra, những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm khả năng xử lý và sử dụng dữ liệu sức khỏe ngày được cải thiện hơn.

Ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe còn được dự kiến sẽ có tác động lớn đến việc theo dõi bệnh nhân do khả năng dự đoán của nó.

Cụ thể như IBM Watson tập trung vào hỗ trợ ra quyết định, trong khi Google AI có chức năng tự ra quyết định. 

Theo WikiPedia, IoT (tiếng Anh: Internet of Things, viết tắt IoT) là Internet Vạn Vật, hay cụ thể hơn là Mạng lưới vạn vật kết nối Internet hoặc là Mạng lưới thiết bị kết nối Internet là một liên mạng.

Trong đó các thiết bị, phương tiện vận tải (được gọi là "thiết bị kết nối" và "thiết bị thông minh"), phòng ốc và các trang thiết bị khác được nhúng với các bộ phận điện tử, phần mềm, cảm biến, cơ cấu chấp hành cùng với khả năng kết nối mạng máy tính giúp cho các thiết bị này có thể thu thập và truyền tải dữ liệu. 

Trên cơ sở này, nhiều thiết bị thông minh có thể đeo được sử dụng thuật toán AI để theo dõi sức khỏe của từng cá nhân.

Sự kết hợp của AI với việc theo dõi bệnh nhân từ xa theo thời gian thực cho phép bệnh nhân có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với việc chăm sóc sức khoẻ của họ, từ đó cho phép chủ động hơn trong theo dõi tình trạng sức khỏe của mình. 

Không còn nghi ngờ gì nữa, công nghệ IoT đã làm thay đổi đáng kể ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe bằng cách thay đổi cách mà các thiết bị và ứng dụng để người dùng kết nối và tương tác với nhau trong cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. 

Một lợi ích hữu hình của IoT là thời gian thực và theo dõi sức khỏe bệnh nhân từ xa, hoàn toàn trở thành hiện thực đối với việc quản lý các bệnh không lây nhiễm như suy tim, tiểu đường và hen suyễn. 

Các cảm biến đã được tích hợp vào nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm đồng hồ đeo tay, miếng dán da, dây đeo cổ tay, giày, thắt lưng, điện thoại thông minh,… nhằm mục đích thu thập và chuyển dữ liệu sức khỏe như: nhịp tim, huyết áp, glucose máu và chuyển động cơ thể.

Những dữ liệu này sẽ được lưu trữ trên đám mây và có thể được chia sẻ với người được ủy quyền như bác sĩ, công ty bảo hiểm…

Tổng hợp