Workshop "Khởi nghiệp bền vững: Cơ hội dẫn đầu trong thời đại mới" diễn ra tối 29/6 tại Zion Sky Lounge and Dining (TP.HCM).
Chương trình có sự góp mặt của bốn chuyên gia hàng đầu trong mảng đầu tư, khởi nghiệp bền vững, gồm: ông Linh Nguyễn, đồng sáng lập và điều hành quỹ Earth Venture Capital; ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc điều hành quỹ Vietnam Oman Investment; ông Nguyễn Trần Thi, Nhà sáng lập Koina và ông Chung Diệu Tuấn, Giám đốc điều hành Copper Mountain Energy.
Tại sự kiện, các diễn giả đã có những chia sẻ đắt giá về thế nào là khởi nghiệp bền vững, làm sao để startup hiệu quả, hút vốn đầu tư, tăng trưởng nhanh chóng mà vẫn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn ESG về cải thiện môi trường, xã hội và quản trị.
Đồng thời, những bài học thực tiễn do chính các startup trong lĩnh vực bền vững như ông Nguyễn Trần Thi và ông Chung Diệu Tuấn cũng góp phần tiếp thêm động lực cho những startup non trẻ, có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực bền vững phát triển bứt phá, dẫn đầu thời đại mới.
Nắm bắt xu thế - Chìa khóa ‘vàng’ cho mọi khởi đầu
Trong thời đại mới, khi hầu như tất cả mọi khía cạnh trong đời sống đều xoay quanh hai yếu tố chính môi trường và con người, định hướng phát triển bền vững được xem như điều tất yếu đối với mọi doanh nghiệp.
Lĩnh vực startup cũng không ngoại lệ khi khởi nghiệp bền vững ngày càng được nhiều người hưởng ứng.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc điều hành Vietnam Oman Investment nhận định "bền vững" hiện có thể xem là một trong những lĩnh vực nổi trội, hút lượng lớn startup mỗi năm.
Bản thân ông đến nay đã có danh sách dài những startup tiềm năng đang hợp tác với Vietnam Oman Investment trong lĩnh vực này.
Ông Sơn chỉ ra rằng các startup xuất thân từ giới tài chính, đầu tư thường đưa các tiêu chí ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) vào mô hình vận hành doanh nghiệp.
Theo ông Sơn, định nghĩa của khởi nghiệp bền vững là những mô hình, công nghệ, dịch vụ, sản phẩm... mang lại giá trị thiết thực, giúp cải thiện môi trường, tiết kiệm và gìn giữ tài nguyên thiên nhiên.
"Nếu doanh nghiệp giải quyết được những vấn đề của nhân loại, tất nhiên sẽ có dòng tiền đi vào", ông nói.
Khởi nghiệp bền vững - Cơ hội để các startup vực dậy hậu đại dịch COVID-19
Dù biết rõ bền vững hiện là xu thế tất yếu, song không ít startup vẫn e ngại doanh nghiệp của họ không đủ khả năng đáp ứng các tiêu chí ESG để trở thành startup bền vững đúng nghĩa.
Thêm vào đó, việc định hướng khởi nghiệp bền vững trong lĩnh vực cụ thể để trở nên hấp dẫn trong mắt các quỹ đầu tư cũng khiến các startup đắn đo.
Ông Linh Nguyễn, Đồng sáng lập và điều hành quỹ Earth Venture Capital cho biết trước đây mục tiêu quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp là thu về lợi nhuận, nhưng ít quan tâm những mục tiêu khác về xã hội.
Gần đây, khi cả thế giới đối diện ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, mục tiêu của doanh nghiệp không còn gói gọn ở doanh thu, lợi nhuận, mà còn nằm ở cả con người, môi trường.
Ông Linh Nguyễn chỉ ra hiện nay có nhiều sản phẩm công nghệ trên thị trường với khả năng khai thác tài nguyên, phục vụ nhu cầu của con người.
Đây cũng là khoảng trống cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững len lỏi vào và khai thác triệt để.
Các chuyên gia cũng gợi ý các lĩnh vực tiềm năng để khởi nghiệp bền vững hiện nay có năng lượng tái tạo và nhà máy điện mặt trời.
Ngoài ra, nông nghiệp cũng điểm sáng mới nổi mà các quỹ đầu tư để tâm.
1. Tiềm năng của năng lượng tái tạo và nhà máy điện mặt trời
Ở Việt Nam, do có bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa, kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh nên điều kiện phát triển và sản xuất điện gió, năng lượng mặt trời rất phong phú và đa dạng.
Năng lượng tái tạo là năng lượng thay thế cho các dạng năng lượng truyền thống.
Với tiềm năng lớn về điện Mặt Trời và các mục tiêu năng lượng xanh đầy tham vọng vào năm 2050, Việt Nam có nhiều cơ hội để trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, có lý do thuyết phục để thành lập các dự án năng lượng gió ở Việt Nam do Việt Nam có nguồn tài nguyên gió lớn nhất trong khu vực với tiềm năng 311 GW.
Các nhà phân tích thị trường cho rằng, nếu duy trì tốc độ mở rộng nhanh chóng về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ thăng hạng hơn nữa trong bảng xếp hạng, có thể vượt qua các quốc gia như Australia và Italy về các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo và sáng tạo.
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế.
Đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng tái tạo đã tạo ra sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời, điện gió, điện gió biển gần bờ, điện gió ngoài khơi đăng ký trong năm 2022.
Mời quý độc giả đọc thêm: Lọt top dẫn đầu thế giới về công suất năng lượng mặt trời, Việt Nam đang dần khẳng định mình trên trường quốc tế.
2. Tiềm năng của ngành nông nghiệp
Là một trong những startup thành công với định hướng nông nghiệp, ông Nguyễn Trần Thi, Nhà sáng lập Koina cho biết doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thành công, trước tiên cần chạm đến ngưỡng có thể tự nuôi sống mình.
"Dù mô hình có hay ho, tạo ra những đặc sản trong tương lai, cuối cùng vẫn phải tự lực cánh sinh mới có thể bền vững được.
Tất cả startup từng trải qua quá trình này đều hướng đến mục tiêu là phải có lãi.
Hiện tại lĩnh vực này vẫn tồn tại nhiều vấn đề.
Tuy nhiên thị trường rộng lớn cũng là cơ hội để có thể tìm kiếm đầu tư dài hạn", Nhà sáng lập Koina chia sẻ.
Lấy ví dụ từ chính doanh nghiệp của mình, ông Nguyễn Trần Thi cho biết Koina tham vọng giải quyết bài toán về nông nghiệp cho Việt Nam.
Đa số hộ canh tác, nông dân đều hoạt động với quy mô nhỏ lẻ.
Họ phụ thuộc lớn vào nguồn thu mua và thương lái. Giá cả, chất lượng sản phẩm chưa được đầu tư bài bản.
Hiện tại nhiều nơi còn gặp phải vấn đề bị thương lái chèn ép giá.
Chưa kể chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất, nuôi trồng đến trao sản phẩm tận tay người dùng tiêu tốn khá nhiều thời gian.
Với những vấn đề kể trên, ông Thi cùng đội ngũ nhân sự Koina quyết giải bài toán kết nối, tối giản hành trình đưa sản phẩm từ nông dân đến với người tiêu dùng.
Theo ông, đầu tư vào nông dân về vốn, kỹ thuật canh tác, phương pháp nuôi trồng sẽ giúp giảm chi phí vận hành.
Giá thành sản phẩm cũng chuyển dịch theo hướng lý tưởng, nhiều ưu đãi, giá tốt sẽ giúp việc tiêu thụ hiệu quả hơn nhiều so với phương pháp và quy trình truyền thống.
Từ các quan điểm trên, ông Nguyễn Trần Thi thành công đưa Koina trở thành startup hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Ông cho biết ở thời điểm hiện tại, Koina không còn đứng ở vị thế đi tìm nhà đầu tư.
Thay vào đó, họ trở thành người nắm giữ quyền lựa chọn đối tác tiềm năng nhất và phù hợp với mô hình họ cung cấp.
Mời quý độc giả đọc thêm: Ý tưởng kinh doanh: Chớ có coi thường thị trường nông thôn.
Kết luận
Với hai gợi ý về mô hình khởi nghiệp bền vững trong cả lĩnh vực nông nghiệp lẫn năng lượng tái tạo trên, ông Linh Nguyễn khẳng định khởi nghiệp bền vững không hề khó.
Quan trọng là phải xây dựng lộ trình kỹ càng và phù hợp.
Các diễn giả còn cũng đồng tình rằng nếu muốn tiến xa hơn, startup cần tuân thủ những tiêu chuẩn cao hơn về môi trường, xã hội, con người...
"Việc xây dựng lộ trình đạt tiêu chí ESG sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực bền vững.
Mục đích doanh nghiệp bền vững hướng đến giờ đây là tạo giá trị mới cho tương lai, và tiền sẽ là yếu tố giúp doanh nghiệp làm được việc đó", ông Linh Nguyễn nhấn mạnh.