Là một đất nước nông nghiệp, kinh tế Việt Nam sẽ đi lên chỉ khi nền nông nghiệp của chúng ta phát triển. Trong thời đại công nghệ số, chia sẻ toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như kinh tế nông nghiệp nói riêng cần phải hội nhập, phát huy tiềm lực nội tại và ứng dụng khoa học công nghệ.

Năm 2020 này, hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 tới kinh tế thế giới cần phải khắc phục trong nhiều năm tiếp theo. Tại Việt Nam, đã chứng kiến hàng trăm nghìn tấn nông sản phải chấp nhận bán phá giá trong nước, doanh thu của bà con nông dân sụt giảm nghiêm trọng.

Số lượng nông sản bị dồn ứ quá nhiều, dẫn tới nhiều ý tưởng mới ra đời chế biến bánh mỳ thanh long, bún dưa hấu, bánh tráng thanh long. Sự đổi mới - sáng tạo trong cách làm là yếu tố quan trọng giúp gia tăng giá trị sản phẩm.

Đánh giá về xu hướng, theo ông Nguyễn Trọng Huy - CLB Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Covid-19 khiến hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi mạnh mẽ, nhu cầu thực phẩm tăng lên, trong khi đó tại Việt Nam, cả 63 tỉnh thành đều có thể làm nông nghiệp.

Tiềm năng để phát triển nông nghiệp của Việt Nam rất lớn. "Nếu tận dựng thời cơ thì trong năm nay và 5 năm tiếp theo, Việt Nam có thể thoát ra khỏi nông nghiệp truyền thống để canh tác kiểu mới. Theo đó, ứng dụng công nghệ sâu hơn, từ bỏ tư duy sản xuất manh mún, tạo ra chất lượng sản phẩm và gây dựng sức cạnh tranh cho thương hiệu nông sản Việt", ông Huy nhấn mạnh.

Đại diện CLB Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng, tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ với giá thành cao và tư duy quản lý cũ sẽ không còn phù hợp. Do đó, nông nghiệp truyền thống cần có sự chuyển mình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên thế giới về tiêu chuẩn, chất lượng và giá thành.

Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp cũng cho hay, trước đây, các mô hình cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha là mơ ước của nhiều người. Thế nhưng, hiện nay, nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, rất nhiều mô hình đã cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha. Đối với nhiều doanh nghiệp, số hóa dần trở thành yêu cầu bắt buộc.

Khởi nghiệp nông nghiệp số là xu hướng tất yếu Khởi nghiệp nông nghiệp số là xu hướng tất yếu

Là một doanh nghiệp đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn do Covid-19, ông Nguyễn Hữu Duy, Giám đốc công ty CP Sâm và dược liệu Măng Đen cho rằng, cần thay đổi trong tư duy, quản lý và sản xuất để vượt qua đại dịch. "Khi gặp khó khăn do dịch Covid-19, doanh nghiệp đã chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang online, từ đó giảm được rất nhiều chi phí cố định", ông Duy nói.

Bên cạnh đó, Công ty Măng Đen cũng thay đổi về sản phẩm dựa trên việc nghiên cứu hành vi tiêu dùng của khách hàng. Thay vì bán sản phẩm thô, Măng Đen tập trung vào chế biến sâu, các mặt hàng lõi để tăng giá trị của các sản phẩm.

Với bề dày nhiều năm làm công tác trong ngành nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành VIDA khẳng định, nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp đặc thù nên muốn thành công khi khởi nghiệp, muốn xây dựng thương hiệu, cần có điểm khác biệt.

Theo bà Thực, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp rất lớn, nên muốn khởi nghiệp phải học hỏi, lựa chọn mô hình phù hợp vì đây là yếu tố quyết định đến sự thành bại của mô hình.Bà Thực cũng lưu ý về mối đe dọa từ thiên tai đối với khởi nghiệp nông nghiệp. "Khi đối mặt với khó khăn của thiên tai mới hiểu được giá trị của sự sáng tạo. Chúng ta không thể đi học mãi, bắt chước mãi mà để đối mặt với khó khăn và có được thành công buộc mỗi người phải có sức sáng tạo, tìm được giá trị của sản phẩm nông nghiệp mà mình theo đuổi", bà Nguyễn Thị Thành Thực phân tích.

Ông Hoàng Minh Ngọc Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Value Commerce Hub, nói rằng lộ trình đưa sản phẩm ra thị trường phải nằm trong mô hình kinh doanh căn bản của ngành nông nghiệp, trong đó đầu ra của sản phẩm tại thị trường trong nước hay thị trường nước ngoài là điều rất quan trọng.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành chưa mạnh về các điểm này cần làm việc với các chuyên gia tư vấn để tìm đầu ra cho sản phẩm ở thị trường thích hợp. Bên cạnh đó, khởi nghiệp nông nghiệp cần tận dụng công nghệ cao như công cụ nhân rộng quy mô kinh doanh.

Ông Hải chia sẻ kinh nghiệm các doanh nghiệp ở Đài Loan, các nhà sản xuất nông nghiệp không chỉ tập trung vào sản phẩm nông nghiệp đơn thuần mà còn đầu tư cho khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) để cho ra thêm các sản phẩm đa chủng loại khác.

Ví dụ, việc ứng dụng công nghệ sinh học không chỉ cho mục tiêu sản xuất các mặt hàng nông nghiệp đạt tiêu chuẩn mà còn được ứng dụng vào việc sản xuất mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư cho hoạt động R&D, để đa dạng hóa sản phẩm; bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần sự cố vấn từ các chuyên gia để đầu tư theo đúng định hướng phát triển bền vững.

Theo TheLEADER