"Ve chai" trước giờ vẫn là một lĩnh vực ít minh bạch, việc mua bán phế liệu trong dân hiện chủ yếu dựa vào "đội quân" ve chai phủ sóng khắp nơi. Nhưng với mô hình 've chai công nghệ' của startup này, vấn đề này có thể phần nào được khắc phục.

Cảm hứng đến từ đời sống thường nhật

Chủ nhân của startup này là Bùi Thế Bảo và Đỗ Thị Minh Trang, cùng sinh năm 1982 ở TP HCM. Cả hai không cùng ngành nghề với nhau nhưng lại chung mối quan tâm với môi trường.

null Hai nhà sáng lập VECA Bùi Thế Bảo và Đỗ Thị Minh Trang.


VECA của hai 8x này là một ứng dụng hoạt động như một mô hình gọi xe công nghệ, kết nối người bán phế liệu với người thu gom.

Nói về ý tưởng này, Bùi Thế Bảo cho biết anh nhận ra những thiếu sót trong khâu quản lý nguyên liệu thải dẫn đến sự lãng phí cho doanh nghiệp, hộ gia đình và gây áp lực cho hệ thống xử lý môi trường và xã hội.

Anh tin rằng xử lý nguyên liệu thải giảm thiểu tác động môi trường, tái chế chúng thành nguyên liệu sản xuất sẽ là xu hướng tương lai.

Còn về phía Đỗ Thị Minh Trang, chị nói rằng mình thấy vô nghĩa khi hàng ngày nhìn túi phân loại rác có thể tái chế của nhà mình bị trộn lẫn với rác sinh hoạt trên xe thu gom.

Cả hai tin rằng, giải pháp công nghệ của họ sẽ giúp người bán chủ động được thời gian và có được một biểu giá phế liệu cập nhật theo ngày rõ ràng, minh bạch. Người thu mua thì nhờ thuật toán của ứng dụng sẽ có khả năng thu mua được nhiều và tiết kiệm sức lực hơn.

Ngoài ra, các vựa ve chai nhỏ trong nội thành, lại có giải pháp quản lý, góp phần ổn định đầu vào và cả đầu ra.

Liệu mô hình 've chai công nghệ' có thể thành công như 'xe ôm công nghệ?

Giống với xe ôm công nghệ, người có nhu cầu bán phế liệu sẽ đăng lên ứng dụng để "gọi" người thu gom đến mua. Giá các phế liệu sẽ được tổng hợp và điều chỉnh dựa theo giá thu mua của vựa và theo khu vực.

Giá hiển thị trên ứng dụng do thị trường chi phối, không do công ty đặt ra. Thêm vào đó, ứng dụng hiện cũng không thu phí cả người bán lẫn người mua.

Ban đầu, ý tưởng về tên của dự án là "Scrap Way" và "Kế hoạch nhỏ". Trong đó, "Kế hoạch nhỏ" xuất phát từ kỷ niệm thời 8X, khi trường lớp thường vận động học sinh quyên góp tập, sách, báo cũ...để gây quỹ.

Còn "Scrap Way" nhấn mạnh đến việc phế liệu có thể tái chế, khác với rác không tái chế được. Nhưng cuối cùng, họ chọn cái tên VECA, rút tắt từ "ve chai", để nhấn mạnh hướng tiếp cận mọi đối tượng, gồm cả những người thu mua ve chai dạo.

Đến giữa năm 2019, họ bắt tay xây dựng ứng dụng VECA. Nó có 2 phiên bản, dành cho người bán và người mua ve chai, hoàn thành vào tháng 10/2020 sau nhiều đợt hiệu chỉnh.

null Trên app VECA, người có nhu cầu bán phế liệu sẽ đăng lên ứng dụng để "gọi" người thu gom đến mua. 


Theo Trang, những người làm công việc "ve chai", chính là tuyến đầu trong việc thu gom những vật liệu có thể tái chế, nhưng vai trò của họ lại bị đánh giá thấp. Do vậy, đội ngũ mong tiếp cận họ để giới thiệu một cách thu gom hiệu quả hơn, cải thiện thu nhập.

Nếu dự án thành công, hình ảnh của họ cũng sẽ chuyên nghiệp hơn, như nghề xe ôm đã "lột xác" khi Uber vào Việt Nam.

Một số điểm đáng chú ý về ứng dụng

Tháng 12/2020, VECA ký hợp tác liên kết với ví điện tử MOMO và đang tiến hành kết nối API để thanh toán không tiền mặt. Dự kiến, đến đầu quý II, ứng dụng sẽ chính thức giới thiệu tại TP HCM. Hiện ứng dụng đã có trên chợ ứng dụng của Apple và Google.

Tháng 1/2021, VECA được chương trình "NINJA Accelerator tại TP HCM" do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, chọn là một trong 15 startup vào vòng tăng tốc. Hai nhà sáng lập xác nhận họ tham gia chương trình này nhằm hoàn thiện mô hình kinh doanh và kỳ vọng cơ hội tìm nhà đầu tư.

Ông Lim Boon Bow, Phó giám đốc phát triển doanh nghiệp của NTUitive, Đại học kỹ thuật Nanyang (Singapore), Đại diện chương trình NINJA Accelerator đánh giá, vấn đề mà VECA cố gắng giải quyết là mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia, đó là sự gia tăng rác thải sinh hoạt ngày.

Giải pháp của startup này là hướng tiếp cận song phương, giúp gia tăng giá trị của nguồn phế liệu thông qua công tác tái chế/ tái sử dụng, trong khi vẫn đảm bảo sinh kế cho người thu gom phế liệu.

null VECA được chương trình "NINJA Accelerator tại TP HCM" chọn là một trong 15 startup vào vòng tăng tốc.


"Phong trào mà VECA đang khởi xướng sẽ giúp bảo tồn các nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cho quá trình sản xuất các sản phẩm từ vật liệu tái chế, giảm nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon. Và đồng thời hình thành trong cộng đồng lối sinh hoạt và tư duy mới, hướng tới bảo vệ môi trường nhiều hơn".

- ông Lim Boon Bow nhận định.

Tổng hợp