Khởi nghiệp thành công từ những ý tưởng khác biệt
Vào đầu thập niên 90, Jeff Bezos từ bỏ vị trí lãnh đạo tại một công ty có trụ sở tại Phố Wall để tự thành lập ra công ty của riêng mình.
Sau khi cân nhắc nhiều về ý tưởng về sản phẩm, Bezos quyết định ra mắt một trang web bán sách qua mạng.
Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, Amazon - "Tiệm sách" online của Bezos đã đẩy mạnh hoạt động ra toàn nước Mỹ.
Hiện nay Amazon đã mở rộng phạm vi kinh doanh ra vô số mặt hàng, từ điện tử tới thời trang, từ sách thật cho tới sách "ảo".
Ý tưởng bán sách của Bezos ngày nào giờ đã trở thành trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới với tổng trị giá hơn 400 tỷ USD.
Hay như câu chuyện về sự ra đời của Google - công cụ tìm kiếm nổi tiếng nhất thế giới hiện nay cũng tương tự như vậy.
Khi còn theo học bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford, hai chàng sinh viên Larry Page và Sergey Brin đã nảy sinh ra ý tưởng về một bộ máy tìm kiếm web.
So với các bộ máy tìm kiếm vào thời kỳ đó, trang "Google" của Page và Brin sẽ không chỉ tìm kiếm dựa theo từ khóa mà còn phân tích số lượng và mức độ liên quan của các đường dẫn từ trang web này sang trang web khác.
Kết quả là sản phẩm của Page và Brin vượt lên các thương hiệu cạnh tranh và trở thành tên tuổi gắn liền với 2 chữ "tìm kiếm".
Nhờ vào vị thế thống trị hoàn toàn, Google đã trở thành một trong những thương hiệu về công nghệ thuộc hàng top toàn cầu với doanh thu hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Từ hai câu chuyện trên, có thể thấy điểm chung của những nhà sáng lập các thương hiệu hàng đầu trên thế giới đó chính là: họ đã có những ý tưởng khác biệt so với thời đại.
Với xu thế hiện nay, nhiều người trẻ đã lựa chọn lối đi khởi nghiệp để tạo dựng sự nghiệp riêng cho mình. Tuy nhiên hành trình khởi nghiệp chưa bao giờ là con đường dễ dàng và thuận lợi.
Đối với các công ty startup, việc khó khăn đầu tiên đó chính là tìm ra cho mình một ý tưởng khởi nghiệp đáng giá và có tính khả thi cao.
Chính vì vậy, việc làm thế nào để có thể triển khai cho mình được một ý tưởng kinh doanh hiệu quả, nổi bật giữa thị trường bão hoà ngày nay cũng là một chủ đề luôn được các nhà khởi nghiệp quan tâm.
Những đặc điểm của một ý tưởng khởi nghiệp “sáng giá”
Trong kinh doanh, khi nói về một ý tưởng khởi nghiệp thì đó không chỉ là một ý tưởng đơn thuần.
Mà đó còn là khả năng mở rộng của ý tưởng, là tiềm năng tăng trưởng, là quy mô thị trường, khả năng ứng dụng và hơn thế nữa.
Khi đang có một ý tưởng kinh doanh và cân nhắc xem có nên tiếp tục hiện thực hoá nó hay không, bên cạnh việc nghĩ về sản phẩm hoặc dịch vụ, người ta còn phải xem xét đến tất cả những điều này.
Một ý tưởng khởi nghiệp sẽ có khả năng thành công cao nếu có được những đặc điểm sau đây:
1. Tính mới mẻ, sáng tạo
Đây là khía cạnh thể hiện giá trị của một ý tưởng kinh doanh.
Chúng cần phải là ý tưởng đầu tiên, chưa có trên thị trường.
Việc sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ cũ sẵn có để kinh doanh không thể hiện tính sáng tạo nên không thể gọi là ý tưởng kinh doanh một cách đúng nghĩa.
Ít ai thành công với một ý tưởng kinh doanh quá cũ và đã có quá nhiều người đi trước.
Thậm chí, dù với những người đi trước đã thành công thì cũng không có nghĩa là người khởi nghiệp sau cũng có kết quả tương tự nếu như nguồn lực không thể bằng.
Trường hợp những người đi trước đã thất bại và người khởi nghiệp sau không có nguồn lực hơn họ thì nhiều khả năng sẽ lại đi vào vết xe đổ như trước đó.
Chính vì vậy, một ý tưởng kinh doanh hay trước tiên phải là một ý tưởng kinh doanh đầy mới mẻ và sáng tạo.
Sự khác biệt chính là yếu tố tiên quyết khiến sản phẩm/dịch vụ của các nhà khởi nghiệp được chú ý trên thị trường.
Khách hàng luôn thích những điều mới lạ, đó là điều mà không ai trong chúng ta có thể phủ nhận.
2. Tính hữu dụng, khả thi
Khi mới nảy sinh một ý tưởng kinh doanh, phần lớn mọi người thường có xu hướng hào hứng với ý tưởng kinh doanh của mình và cảm thấy nó thật tuyệt vời.
Nhưng khi bắt đầu áp dụng vào thực tế thì lại sụp đổ ngay trong vòng một nốt nhạc.
Nguyên nhân là bởi họ đã quá tự tin vào sự mới mẻ, độc đáo của ý tưởng mà không chú ý đến tính khả thi, hữu dụng của ý tưởng đó trên thực tế.
Bất kỳ một ý tưởng kinh doanh nào được tạo ra nhất định phải xoay quanh nhu cầu của con người.
Việc các doanh nghiệp thường xuyên chú trọng các hoạt động lấy ý kiến khách hàng để cải tiến và phát triển sản phẩm cũng chính là vì vậy.
Kinh doanh không phải là nghệ thuật. Vậy nên ý tưởng khi kinh doanh khởi nghiệp sẽ khác hẳn với những ý tưởng khi sáng tạo nghệ thuật.
Tính khả thi, hữu dụng của ý tưởng cũng chính là yếu tố sẽ giúp các nhà khởi nghiệp đi được đường dài, vững chắc hơn trên hành trình kinh doanh của mình.
3. Tính vượt trội, độc đáo
Với những doanh nghiệp mới bắt đầu khởi nghiệp, khi được hỏi sản phẩm/dịch vụ của họ có điểm gì nổi trội so với các sản phẩm/dịch vụ khác trên thị trường, sẽ có vài trường hợp sẽ lúng túng hoặc không trả lời được.
Khi không trả lời được câu hỏi đó, đồng nghĩa rằng ý tưởng kinh doanh của họ chưa thể gọi là một ý tưởng hay.
Ý tưởng phải nhấn mạnh ưu thế cụ thể nào đó về sản phẩm, dịch vụ hơn hẳn những gì đang có trên thị trường.
Bởi vì đó cũng sẽ là yếu tố tạo nên bản sắc, đặc trưng riêng của doanh nghiệp và xa hơn nữa, còn có thể là yếu tố “nhận diện thương hiệu" của doanh nghiệp đó.
Mặt khác, khi có ý tưởng kinh doanh mang tính vượt trội, nhiều khả năng doanh nghiệp đó sẽ sở hữu được tính độc quyền về sản phẩm/dịch vụ.
Việc này sẽ tạo cho doanh nghiệp nhiều lợi thế hơn khi khó có đối thủ cạnh tranh.
Làm thế nào để tìm ra những ý tưởng khởi nghiệp “hái” ra tiền trong tương lai?
Mặc dù có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau và có thể bị trùng lặp giữa người này người khác, nhưng về bản chất, ý tưởng như một “mạch ngầm” luôn có sẵn trong mỗi người.
Dưới đây là một số gợi ý cho những ai đang có ý định khởi nghiệp có thể khai thông “mạch ngầm” ấy và biến nó trở thành một “nguồn nước" quý báu, dồi dào phục vụ cho quá trình khởi sự kinh doanh của mình:
1. Suy nghĩ về vấn đề bản thân và mọi người xung quanh đang gặp phải
Paul Graham, nhà đầu tư mạo hiểm, đồng sáng lập Y Combinator – nơi khởi đầu của hàng nghìn startup, trong đó có Airbnb hay Dropbox đã gợi ý:
“Cách để có ý tưởng khởi nghiệp là không phải là cố nghĩ ra ý tưởng. Đó là việc tìm kiếm vấn đề, mà tốt hơn cả là bắt đầu từ chính vấn đề mà bạn gặp phải.”
“Những ý tưởng khởi nghiệp tốt nhất thường có ba điểm chung: là thứ mà bản thân người sáng lập muốn, cái mà bản thân họ có thể xây dựng và ít người khác nhận ra là đáng làm.”
Quả thật điều này rất hiệu quả để tìm ra các ý tưởng kinh doanh đáng giá bởi nó xuất phát từ chính những nhu cầu của bản thân và khách hàng.
Chúng ta thấy rằng ý tưởng có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau: từ vấn đề cá nhân hoặc vấn đề xã hội.
Việc tìm ra những vấn đề sẽ giúp cho các startup suy nghĩ về lợi thế cạnh tranh, khả năng tài chính của doanh nghiệp và giá trị mà giải pháp mang lại cho thị trường và xã hội.
Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra ý tưởng bằng cách trải nghiệm, quan sát và suy nghĩ về các vấn đề trong cuộc sống.
Một case study điển hình đó chính là câu chuyện của Garrett Camp, người sáng lập mạng lưới giao thông trực tuyến nổi tiếng Uber.
Ý tưởng khởi nghiệp ban đầu của anh cũng xuất phát từ nhu cầu bản thân mong muốn thuê xe sang với giá rẻ hơn.
Ban đầu Garrett bắt đầu với dòng xe cao cấp, nhưng khi nắm được nhu cầu đi xe giá rẻ hơn của thị trường taxi truyền thống, anh đã thay đổi ý tưởng kinh doanh và phát triển thành nền tảng gọi xe trực tuyến và vươn ra thị trường toàn cầu.
2. Trò chuyện với khách hàng tiềm năng và những người từ nhiều lĩnh vực khác nhau
Sau khi hỏi những người xung quanh mình về vấn đề mà họ gặp phải thì tiếp theo các startup nên xác định xem ai sẽ là khách hàng mục tiêu tiềm năng và trò chuyện với họ.
Đây là cách để có thể xác minh lại các ý tưởng hay giả thuyết trước đó.
Trong giai đoạn này cách tốt nhất là nên bám vào vấn đề của khách hàng chứ không nên nói rõ giải pháp hay sản phẩm/dịch vụ mà ta sẽ xây dựng, vì đây không phải là bước thuyết phục khách hàng mua hay sử dụng.
Ngoài ra, việc mở rộng và giao tiếp với những chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực xa lạ với bản thân cũng sẽ giúp ý tưởng của chúng ta trở nên đa dạng hơn.
Khi học hỏi kiến thức sâu rộng của họ và xem cách họ dùng sản phẩm hay dịch vụ để cải thiện cuộc sống của mình, chúng ta cũng có thể thoát khỏi lối mòn trong suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề từ một khía cạnh khác.
Các góc nhìn khác nhau có thể kích thích khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân rất nhiều.
Việc nghiên cứu và kết hợp vấn đề của mình với những lĩnh vực mới, có thể sẽ giúp các nhà khởi nghiệp sẽ phát triển được những sản phẩm độc đáo và thú vị hơn.
3. Nắm bắt nhanh nhạy về thị trường hiện tại và tương lai
Phần lớn những cá nhân quyết định khởi nghiệp là những người luôn luôn thích đổi mới sáng tạo.
Thay vì tiếp tục dựa vào các phương pháp hay kỹ thuật cũ, họ thường có tầm nhìn xa hơn về tương lai và dự đoán những xu hướng sẽ đến.
Khi bắt đầu khởi nghiệp, chúng ta cũng có thể làm điều đó bằng cách tự hỏi bước hợp lý tiếp theo cho một sản phẩm hay dịch vụ của mình sẽ là gì.
Bằng cách nhìn vào xu hướng hiện tại và đặt tầm nhìn xa thêm một bước nữa, ta có thể hình thành một ý tưởng đi trước thời đại và có tiềm năng cách mạng hóa thị trường.
Chẳng hạn như câu chuyện về ý tưởng kinh doanh của TOSY Robotics là một minh chứng cho việc khởi nghiệp trên tầm nhìn về tương lai.
Khi robot còn là một khái niệm gắn với khoa học, và khi trẻ em ở Việt Nam còn đang mê mải với những chiếc xe chạy pin và thị trường tràn ngập hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng không an toàn, thì sự ra đời TOSY Robotics thật sự đã gây ấn tượng với công chúng.
Là doanh nghiệp chuyên nghiên cứu và sản xuất những sản phẩm robot và đồ chơi công nghệ cao, TOSY Robotics đã khá thành công với ý tưởng kinh doanh của mình.
Từ đó có thể thấy, để có được một ý tưởng kinh doanh đắt giá, một trong những cách hiệu quả là hãy đặt mình trong bối cảnh của tương lai đồng thời tìm vấn đề còn thiếu ở hiện tại.
Đó cũng là cách để những nhà khởi nghiệp có thể tìm kiếm được những ý tưởng mang tính vượt trội.
Lời kết
Khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp, việc có trong tay đủ vốn, nhân lực hay bản kế hoạch kinh doanh là những điều rất quan trọng.
Tuy nhiên, điều đầu tiên mà các startup cần phải có chính là hình thành nên ý tưởng kinh doanh của công ty mình.
Các ý tưởng ra đời khiến cho thế giới không ngừng chuyển động. Đặc biệt trong xu thế khởi nghiệp phổ biến như hiện nay, ý tưởng sẽ đóng vai trò then chốt, thúc đẩy việc kinh doanh đạt hiệu quả.
Nếu muốn trở thành người dẫn đầu, các nhà khởi nghiệp cần phải có ý tưởng kinh doanh theo cách hoàn toàn khác hẳn so với đối thủ.
Sự khác biệt không chỉ là cái tên trên thị trường mà còn là những giá trị độc đáo từ ý tưởng kinh doanh sáng tạo.
Vì vậy có thể nói, việc sáng tạo ra những ý tưởng đột phá, hữu dụng chính là điều tiên quyết trước khi bắt đầu kinh doanh.