Nữ bác sĩ phẫu thuật Claire Teves người Philippines, đến Singapore làm nghiên cứu và vô cùng sửng sốt với các cơ sở y tế tại đây. Cô nhận ra, bệnh viện với hạ tầng hàng đầu của một quốc gia tân tiến lại sử dụng dụng cụ y khoa bằng nhựa dùng một lần. Điều này khác hẳn với quê nhà của cô khi mọi thứ được khử trùng và tái sử dụng.


1597974260-1

Khẩu trang và găng tay thải ra giữa dịch Covid-19 gây ra vấn đề nhức nhối về môi trường.

Thiết bị y khoa để hỗ trợ, cứu sống bệnh nhân là điều đúng đắn nhưng khi nếu chỉ sử dụng một lần sau đó vứt đi, ta sẽ làm tổn hại tới môi trường. Vì vậy, khi nhắc đến vệ sinh y khoa, sẽ luôn có những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa việc ưu tiên bảo vệ sức khỏe bệnh nhân hay là bảo vệ thiên nhiên.

Nữ bác sĩ Teves đơn giản muốn giữ lại dụng cụ y tế để có thể mang về nước, gửi tặng lại cho các bệnh viện ở Philippines. Nhưng mặt khác, cô cũng nhấn mạnh: dù sao đi nữa việc sử dụng một lần hay tái sử dụng cũng không quá quan trọng, so với việc cứu lấy tính mạng con người.

Theo tổ chức Health Care Without Harm, lượng khí thải carbon của ngành y tế bằng với lượng khí thải của 514 nhà máy nhiệt điện than, tương đương với 4,4% lượng khí thải toàn cầu. Hơn một nửa trong số đó là kết quả của việc sử dụng năng lượng: điện, khí đốt, hơi nước, điều hòa không khí và chất thải phẫu thuật.

Chuyển sang đồ y tế tái sử dụng

Y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch bệnh nhấn mạnh rằng việc sử dụng dụng cụ một lần rồi bỏ đi là điều cần phải làm, đặc biệt là trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang lây lan với tốc độ chóng mặt. Thế nên, không một ai phản đối việc xử lý an toàn các vật dụng nhựa khi tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm.


1597974278-1

Chỉ 15% chất thải y tế là nguy hiểm, còn lại cũng như rác thải sinh hoạt.

Đáng nói, chỉ có 15% chất thải y tế được phân loại là “nguy hại”, phần còn lại không khác nhiều so với chất thải thường ngày. Do đó, 85% này chính là thứ mà con người có thể giảm thiểu để không ảnh hưởng môi trường.

Đồ dùng một lần cần ít chi phí đầu tư ban đầu hơn so với đồ dùng tái sử dụng, cũng như chúng không cần mất công bảo quản cẩn thận để tránh nhiễm trùng và hao mòn. Nhưng về lâu dài, việc liên tục thay thế đồ nhựa sẽ đội chi phí lên cao. Thực tế, nhóm bác sĩ phẫu thuật thần kinh tại một bệnh viện Canada cắt được chi phí đến 570.000 USD khi giảm 30% lượng đồ nhựa dùng một lần.


1597974296-1

Chất thải y tế được đốt trong lò kín để ngăn nguy hiểm ra bên ngoài.

Vấn đề đôi khi còn bắt nguồn từ việc thiếu hiểu biết về tái chế. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Mayo Clinic vào năm 2018, có ít nhất 20% chất thải là nhựa dùng một lần trong bệnh viện và tới 57% người khảo sát không phân biệt được đâu là đồ dùng có thể tái chế được.

Với việc chất thải y tế đang chất đống ngày một nhiều, các nhà nghiên cứu mong muốn đưa vấn đề nhức nhối này thành một nghiên cứu nghiêm túc để tìm ra giải pháp. Đại dịch Covid-19 có thể trở thành chất xúc tác để mọi người nhìn nhận ra vấn đề. Con người muốn sống lành mạnh trên một hành tinh khỏe mạnh thì buộc phải có ý thức trách nhiệm.

Cắt giảm khí thải từ việc nhỏ nhất

Cắt giảm phát thải khí nhà kính có lẽ là cách trực tiếp nhất mà các cơ sở y tế có thể điều chỉnh vì môi trường và lợi ích sức khỏe con người. Làm được vậy, chi phí sau tiết kiệm vừa có thể hỗ trợ những nơi dịch bệnh, thiên tai, vừa có thể chuyển đến những nơi có điều kiện y tế thấp.


1597974310-1

Thay vì dùng đồ nhựa một lần, nhiều bệnh viện đang xem xét dùng vật tư y tế có thể tái sử dụng.

Ở Mỹ, nhiều nơi cũng đã biết tiết kiệm điện tiêu thụ hoặc chuyển qua đầu tư cho việc sử dụng các loại năng lượng thân thiện với môi trường như năng lượng mặt trời. Nhờ vậy, các trung tâm y tế đã giảm được hàng chục triệu USD trong ngân sách, song song với chương trình tái chế rác thải điện tử.

Bệnh viện tại một vài nơi đang xem xét lại chuỗi cung ứng thực phẩm để điều tiết lại mức khí CO2. Trung tâm Y tế Đại học Washington đã bắt đầu sử dụng hệ thống thu mua thực phẩm bền vững, hiệu quả hơn để cải thiện lượng khí thải carbon của mình, bằng cách hợp tác với liên minh nông dân địa phương để cung cấp thực phẩm hữu cơ được trồng tại địa phương cho cả bệnh nhân và khách hàng.


1597974337-1

Các bệnh viện cũng cân nhắc chọn lựa nhà cung cấp thức ăn để hạn chế khí phát thải ô nhiễm.

Bên cạnh khí CO2, cơ sở y tế còn sử dụng nhiều loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác để phục vụ quá trình điều trị bệnh nhân. Những loại khí chuyên dụng thường dùng để gây mê cho người bệnh nhưng chỉ có 5% lượng khí là đi vào bên trong cơ thể, phần còn lại được thải ra ngoài dưới dạng chất thải y tế. Các nhà khoa học đang nghiên cứu công nghệ thu giữ khí để gom lại phần thuốc dư đó vì chúng có thể làm nóng Trái Đất gấp hơn 2.000 lần so với CO2.

“Ý nghĩa của sức khỏe là giải quyết những mầm mống gây bệnh ngay từ trứng nước, chứ không chỉ đơn thuần thấy bệnh mới trị. Cũng vậy, trước những rủi ro về sức khỏe do ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và rác thải nhựa, việc dọn dẹp chăm sóc sức khỏe hành tinh có thể trở thành cơ hội để cứu sống nhiều người hơn,” ông Gary Cohen, chủ tịch Health Care Without Harm, chia sẻ.

Theo Khám Phá