"Mỗi lần gặp gỡ ai đó, chúng ta đều có một sứ mệnh duy nhất: Hiểu người kia, và mong người kia hiểu mình." "Mỗi lần gặp gỡ ai đó, chúng ta đều có một sứ mệnh duy nhất: Hiểu người kia, và mong người kia hiểu mình."

Kim cương được tạo ra từ áp lực, một người lãnh đạo cũng vậy. Con đường trở thành một vị sếp đầy những bất công và chông gai. Những khó khăn ấy khiến con người ta trở nên cứng rắn và gai góc.

Nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi, chính sự khó gần đó cũng khiến những nhân viên xung quanh bạn đôi lúc trở nên mông lung về cả công việc và người lãnh đạo của mình. Sự kết nối, giao tiếp giữa sếp và nhân viên giảm dần qua từng ngày. Vậy, làm cách nào để thay đổi nó?.

Mở lòng chính là chìa khoá. Không chỉ đơn giản là trao đổi thông tin trong cuộc sống, mở lòng để cấp dưới có thể thấu hiểu được ước mơ và hoài bão của bạn, từ đó họ có thể hiểu rằng mình đang được đồng hành để xây dựng một thứ lớn lao hơn là một công việc 8 tiếng lặp đi lặp lại hàng ngày.

1. Tăng tần suất gặp gỡ

Gặp gỡ và giao tiếp về cả những khó khăn và hoài bão của bạn là cách bạn đang cho mình nhiều cơ hội hơn để giữ chân nhân sự và không bỏ sót bất kỳ người tài nào.

Giao tiếp nhiều hơn không có nghĩa là bạn sẽ khai thác những vấn đề về cuộc sống riêng tư của đối phương, mà là tìm kiếm những câu trả lời cho những câu hỏi vẫn đang bỏ ngỏ của cả hai.

Đôi lúc câu trả lời có thể mang đến sự khó chịu, nhưng “mất lòng trước, được lòng sau”, đừng để mọi thứ quá muộn mới vỡ lẽ ra những hiểu lầm mà nếu trò chuyện với nhân viên sớm hơn bạn đã giải quyết được.

2. Thể hiện thông điệp nhất quán

Một người sếp giỏi là người đa nhiệm và hầu như có thể tham gia vào quá trình vận hành của nhiều bộ phận cùng lúc, nhưng cũng chính điều này khiến bạn đôi khi quên mất những điều đã nói và khiến nhân viên hoang mang khi tiếp nhận thông tin.

Sau mỗi thông báo đưa ra, hãy xác minh lại một lần nữa với nhân viên, hay thậm chí ghi chú lại để không quên những gì đã nói. Đây cũng là cách bạn yêu cầu các nhân viên chịu trách nhiệm về kỳ vọng chung một cách thiện chí.

Thể hiện sự nhất quán trong các quyết định còn là cách thể hiện tính cách của người sếp, cho phép bạn xây dựng lòng tin ở cấp độ cá nhân hơn.

null

3. Đừng phòng thủ

Chắc hẳn bạn cũng không ít lần bắt gặp những ánh mắt dè chừng, những câu trả lời “mọi thứ vẫn ổn” đối với những nhân viên hướng nội hay ngại thể hiện quan điểm. Đối với những trường hợp này, bạn lại thường phòng thủ.

Mọi thành viên của một tổ chức luôn cầu mong một không khí làm việc với văn hóa tích cực, nơi họ có thể thoải mái chia sẻ và đưa ra những lời khuyên phù hợp ngay cả cho trưởng bộ phận hay lãnh đạo công ty.

Sự phòng thủ là kẻ vô hình giết chết một nền văn hóa tốt đẹp của doanh nghiệp.Hãy bình tĩnh tiếp nhận mọi động thái của người đối diện và tìm ra câu trả lời trong những cuộc trò chuyện.

Đôi khi, những người ít nói nhất lại là người hiểu bạn nhất, bởi trong những lúc người khác bày tỏ, có lẽ họ đang lẳng lặng quan sát và ghi nhớ thói quen của bạn.

4. Thoải mái với những ý kiến bất đồng

Ở những thời khắc mở lòng để bộc lộ quan điểm cá nhân, bạn sẽ phải đối phó với những ý kiến và đề xuất trái ngược.

Nhiệm vụ của bạn khi làm sếp là phải bắt đầu tiếp nhận những chỉ trích ấy, dám nói ra những điều đó cũng là một cách nhân viên thể hiện tinh thần xông pha của mình. Bởi những người luôn mang tâm trạng có thể ra đi bất cứ lúc nào, họ sẽ chẳng buồn tham gia vào cuộc đối thoại.

Bạn không nhất thiết phải chấp nhận mọi lời nhận xét một cách vô điều kiện, nhưng hãy thể hiện sự tôn trọng với nhân viên. Một phần công việc của người quản lý là học cách chấp thuận những lời phán xét mà không bất mãn.

5. Hãy lắng nghe, lắng nghe và lắng nghe

Hãy bắt đầu bằng câu hỏi “Dạo này thế nào?” nghe có vẻ bình thường, nhưng nó luôn hữu dụng trong nhiều trường hợp để khiến bạn và đối phương có thể mở lòng và bày tỏ những tâm sự luôn che giấu.

Chỉ cần bạn kết nối với nhân viên bằng cách lắng nghe một cách chân thành, bạn sẽ đọc vị được rất nhiều thông điệp mà họ chưa dám nói ra, chẳng hạn như sự ngừng nghỉ khi nói chuyện, nhấn nhá trong câu chữ hay sự tập trung của ánh mắt… để có thể phản hồi một cách tinh tế. Sau đó, những gì bạn truyền đạt cũng sẽ nhận được sự đối xử tương tự.

Một trong những lý do khiến “trái tim không thể chạm đến trái tim” là vì cả hai đã bộc lộ cảm xúc chưa tới. Bộc lộ về nỗi lo của mình và “kết nối” nỗi lo của chính mình và nỗi lo của người khác, đó là một cách để mở lòng.

Theo Nữ Doanh Nhân