Việc mua sắm online quần áo đã qua sử dụng với nhiều tiện ích như giao dịch nhanh, mức giá phải chăng đang trở thành xu hướng mới nổi ở Mỹ, đặc biệt thế hệ genZ (những người sinh trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến đầu những năm 2010).
Moira Campos, một người sở hữu tài khoản bán hàng với 40.000 người theo dõi và là một trong những rất nhiều cái tên tiên phong trong việc tạo ra xu hướng mua sắm mới trên ứng dụng.
Moira Campos - người dùng Depop nói: "Tôi có rất nhiều đồ không dùng đến và tình cờ biết đến Depop thông qua kênh YouTube. Vì vậy, tôi đã quyết định dùng ứng dụng này để kiếm tiền từ khi còn học trung học."
Không chỉ bán những đồ đã sử dụng của bản thân, người dùng Depop còn mua số lượng lớn quần áo tại những cửa hàng đồ cũ và sau đó rao bán chúng với giá gấp đôi.
Với khoảng 30 triệu người dùng tại gần 150 quốc gia, Depop đang ngày càng khẳng định được vị thế là một ứng dụng bán hàng hữu ích, giúp thúc đẩy lĩnh vực thời trang bền vững.
"Depop hướng tới đối tượng trẻ với giao diện khá giống mạng xã hội Instagram. Nó đơn giản và không quá phức tạp như những nền tảng bán hàng trực tuyến khác", Moira Campos nói.
Bà Mary Epner - chuyên gia phân tích mảng bán lẻ cho hay: "Depop thực sự dành cho những người tiêu dùng trẻ, trong khi những cửa hàng bán lẻ truyền thống thường hướng tới nhóm đối tượng nam giới và phụ nữ lớn tuổi. Giới trẻ tìm đến Depop để mua những bộ trang phục với mức giá phải chăng."
Theo nhận định của các chuyên gia, Depop cùng những ứng dụng mua bán khác đang tác động đến thị trường quần áo cũ trị giá 64 tỷ USD tại Mỹ.
Và đây cũng chính là nơi giúp 14 triệu tấn quần áo cũ mà người Mỹ bỏ đi hàng năm được tiêu thụ một lần nữa.
Theo Cafebiz