Theo tổng kết của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, ngành xuất bản đối mặt nhiều khó khăn nhưng đã có hướng đi đúng đắn, giúp doanh thu tăng.
Phát huy kết quả đó, các đơn vị ngành sách tiếp tục chuyển đổi số, lấy xuất bản điện tử, phát hành trực tuyến, hội nhập quốc tế là hướng phát triển trong năm 2022.
Hội nhập thị trường thế giới
Ngay từ năm 2021, một số nhà xuất bản đã chuẩn bị cho khai mở thị trường, tìm kiếm cơ hội, sẵn sàng đưa sách Việt ra thế giới.
Nhà xuất bản Trẻ là đơn vị đại diện để quảng bá, bán bản quyền một số tác phẩm văn học Việt ra nước ngoài.
Ở lĩnh vực sách thiếu nhi, Nhà xuất bản Kim Đồng có một số đầu sách bán bản quyền ra thế giới.
Năm vừa qua, Nhà xuất bản Kim Đồng đã bán được bản quyền một số đầu sách có chủ đề lịch sử, văn hóa, phong tục truyền thống đất nước.
Ngoài ra, các nhà xuất bản thế giới cũng có nhu cầu mua bản quyền, dịch và xuất bản phục vụ người bản địa.
Hiện nay, các nhà xuất bản nước ngoài có xu hướng quan tâm những vấn đề như bảo vệ môi trường, thiên nhiên,…
Hiện nay họa sĩ, tác giả trẻ trong nước năng động, tham gia các cuộc thi và được giải thưởng quốc tế, tạo tiền đề cho việc bán bản quyền sách.
Chỉ cần có bản thảo tốt, tổ chức được theo chủ đề mang tính thời sự, khả năng bán sách Việt ra nước ngoài trong tương lai là vô cùng triển vọng.
Đẩy mạnh quá trình xuất bản điện tử
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra tác động mạnh mẽ đối với tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xuất bản.
Hiện thị trường xuất bản phẩm điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều hoạt động đa dạng.
Xuất bản điện tử có những ưu điểm vượt trội hơn so với các ấn phẩm in truyền thống.
Khi được tối ưu hóa trên các thiết bị lưu trữ điện tử, các xuất bản phẩm điện tử sẽ trở nên gọn nhẹ hơn rất nhiều so với sách in.
Không những thế, độc giả cũng có thể chủ động điều chỉnh phông chữ, đọc ở trang chọn lựa và làm dấu trang đã đọc, liên kết (links) để đọc thêm những tài liệu liên quan.
Về phía doanh nghiệp xuất bản, cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại cơ hội cho sự ra đời xuất bản phẩm điện tử, in ấn được số hóa trên nền tảng công nghệ mới.
Việc phát hành, quảng bá xuất bản phẩm, dịch vụ hậu cần và chuỗi cung ứng trở nên hiệu quả hơn, chi phí thương mại giảm bớt, tạo điều kiện mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng xuất bản phẩm.
Theo đó, nhà xuất bản không chỉ hiện đại hóa được mô hình tổ chức mà còn có cơ hội đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất, chất lượng nguồn nhân lực, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng nhu cầu công nghệ hiện nay.
Để xuất bản lấy lại đà tăng trưởng
Về triển vọng của ngành xuất bản năm 2022, ông Nguyễn Nguyên nhận định sau 2 năm COVID-19, các nhà xuất bản như chiếc lò xo bị nén hết cỡ.
Năm 2022, nếu tạo điều kiện thuận lợi thì chiếc lò xo ấy sẽ bung lên, lấy lại đà tăng trưởng 5-6%.
Để vượt qua những thách thức, đạt tăng trưởng, các nhà xuất bản cần thực thi nhiều giải pháp đồng bộ.
Trước hết, đơn vị xuất bản cần tập trung khai thác bản thảo để xuất bản sách có giá trị, đặc biệt chú trọng đến đề tài về chuyển đổi số.
Xây dựng chiến lược phát triển nhà xuất bản theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Có giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nhằm đạt được kết quả khả quan hơn trong các năm tiếp theo.
Các nhà xuất bản đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực kỹ thuật.
Để phục vụ việc phát triển xuất bản điện tử, phát triển hình thức bán sách online, đưa ứng dụng công nghệ vào quy trình quản lý, biên tập, phát hành để phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.
Các nhà xuất bản cũng cần triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động phát triển văn hóa đọc, gắn kết giữa sách với cộng đồng.
Hình thành chuỗi hoạt động từ trung ương đến địa phương có sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp.
Thực hiện hiệu quả công tác tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc, hội sách, hội chợ - triển lãm theo từng chủ đề phục vụ nhiệm vụ chính trị và quảng bá xuất bản phẩm đến bạn đọc trong nước và quốc tế.
Theo Zingnews