Làm bánh tạo hình - Hành trình 9 năm theo đuổi một đam mê
Sau khi tốt nghiệp ngành học do cha mẹ định hướng, chị Nguyễn Thị Kim Ánh, về công ty gia đình tiếp quản, hỗ trợ công việc.
Tuy nhiên, chị Ánh vẫn luôn ấp ủ đam mê với dòng bánh tạo hình nghệ thuật còn mới mẻ trên thị trường ngày ấy.
Theo những chia sẻ của chị với báo Kinh tế Sài Gòn Online, chị đã tự sắp xếp thời gian và công việc thường ngày của người mẹ hai con, người vợ, người quản lý công ty gia đình để tìm hiểu về nguyên liệu Fondant (kẹo mềm), một trong nhiều thành phần chính để tạo hình bánh.
Sau đó, từ một hội chợ liên quan đến ngành bánh, chị đã tìm được nguyên liệu kẹo mềm của Malaysia chuyên cho dòng bánh này.
Nguyên liệu này phù hợp với điều kiện thời tiết Việt Nam để bảo quản và làm mẫu, nặn tạo hình như ý muốn.
Cộng với việc nhận được giải thưởng trong cuộc thi nhỏ về bình chọn bánh tại Group chia sẻ kinh nghiệm ở Facebook, chị nhận ra bản thân cũng có khả năng làm bánh.
Năm 2014, chị phải tự học và mày mò vì mọi kiến thức về dòng bánh Fondant còn khá ít ỏi ở Việt Nam.
Chị phải liên tục tìm hiểu, tìm ra công thức phù hợp, thử nguyên liệu vì bánh tạo hình khác với bánh kem truyền thống.
“Gặp khó không biết hỏi ai, cứ tự làm cho đến khi bí mới tìm khóa học của thầy nước ngoài, tôi càng gỡ rối thành công, lại càng thấy thích thú.
Dù vậy ít nhiều tôi phải vượt qua rào cản từ gia đình cũng như lời ra tiếng vào từ mọi người vì họ thấy mình đang tự làm khổ, thức đêm hôm chỉ để hoàn thành một chiếc bánh chưa biết bán được cho ai” - chị nói.
Đi ra từ những khóa học chuyên nghiệp về bánh tạo hình, chị bắt đầu làm và bán những sản phẩm đầu tiên cho bạn bè, người quen lấy kinh nghiệm.
Thách thức chồng thách thức - Những tia hy vọng từ vị trí khách hàng
Chị kể, năm 2014 ở Việt Nam hầu như ít người biết bánh tạo hình trang trí từ kẹo mềm là gì, nhu cầu khách hàng còn ít.
Hơn nữa, giá thành cho một chiếc bánh cũng cao hơn bình thường vì nguyên liệu hoàn toàn nhập từ nước ngoài.
Thợ làm cần tay nghề cao, tốn nhiều chi phí theo học vì trong nước không ai dạy.
Dù thách thức chồng thách thức nhưng những chiếc bánh này vẫn thu hút lượng khách hàng nhất định.
- Tại tiệm, những chiếc bánh có giá dưới 1,5 triệu đồng được nhiều khách hàng ưa chuộng.
- Những chiếc bánh với giá hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng vẫn có nhóm khách hàng riêng của mình.
Đây là những sản phẩm có độ khó cao về chi tiết tạo hình cũng như quy mô, kích cỡ phù hợp với các sự kiện lớn, hội nghị, tiệc cưới…
Đồng thời, bánh còn được sử dụng nguyên liệu, màu thực phẩm toàn hoàn ăn được và an toàn với sức khỏe người dùng.
Nắm bắt từng cơ hội hiếm hoi khi tiếp cận với khách hàng, chị Kim Ánh không ngừng “ghi điểm” trong giới làm bánh tạo hình bởi những sản phẩm độc lạ, có tính thẩm mỹ.
Sau đó, chị Kim Ánh thừa thắng xông lên, mở thương hiệu có tên Fancy Fondant kết hợp vào công ty gia đình để điều hành quản lý như một ngành hàng chính.
Thương hiệu này chuyên cung cấp nguyên liệu, dụng cụ làm bánh tạo hình, làm thành phẩm theo yêu cầu, đơn đặt hàng.
Nghề làm bánh tạo hình - Sáng tạo không giới hạn, không ngừng chinh phục đỉnh cao
Chọn theo đuổi dòng bánh tạo hình nghệ thuật, tập trung đầu tư từ nguồn lực, tiền của từ 2014 cho đến nay, chị Kim Ánh bộc bạch tất cả đều xuất phát từ đặc trưng là sáng tạo không giới hạn (Freehand).
Người làm bánh tạo hình có thể sáng tạo ra bất cứ thứ gì mình muốn bằng chính đôi bàn tay và trí tưởng tượng, không đơn thuần chỉ làm bánh theo thói quen và hình mẫu phổ biến, trùng lặp.
Chị Ánh cho hay có nhiều nguyên liệu bên cạnh kẹo mềm (Fondant) như dòng sô-cô-la, đường ăn kiêng tạo hình… cho ra bánh thành phẩm với mẫu mã đa dạng, độc đáo, theo mọi ý muốn của khách hàng.
Bên cạnh đó, bánh tạo hình nghệ thuật đi sâu vào việc áp dụng những kỹ thuật của nhiều bộ môn nghệ thuật khác như:
Hội họa, điêu khắc, đòi hỏi người làm hiểu về vật lý, kiến trúc, vẽ 3D…
Vậy nên, người thợ cần phải không ngừng học hỏi, trau dồi và tư duy đổi mới mỗi ngày.
Chị tâm sự về khao khát truyền nghề cùng mong ước lan tỏa việc làm bánh tạo hình như một “nghề" thực.
Theo như chị chia sẻ:
“Hành trình đi qua nhiều thăng trầm, tôi hạnh phúc vì được sống đúng đam mê từ thời trẻ.
Ở tuổi 31 hay tuổi nào cũng không bao giờ là muộn, tuy vậy tôi vẫn hy vọng những bạn trẻ có năng khiếu và sở thích sẽ sớm được phát hiện cũng như nhận được sự ủng hộ để phát triển tốt hơn và ghi tên mình trong mảnh đất còn mới mẻ này”.
Do vậy, chị Ánh đã mở ra nhiều lớp học để truyền lửa và phát triển khả năng sáng tạo, mở rộng cộng đồng cho ngành nghề này.
Những thành công hiện tại - “Trái ngọt” sau 9 năm nỗ lực
Nhìn nhận thị trường bánh Fondant từ 2014 đến hiện tại, chị Kim Ánh tỏ ra phấn khởi vì loại bánh này ngày càng phổ biến đến nhiều người.
Ngoài trực tiếp nhận đơn đặt hàng bánh, thương hiệu Fancy Fondant còn:
Bán dụng cụ nguyên liệu trên cả nước, mở các khóa học hướng dẫn làm bánh miễn phí trên mạng xã hội cho người mới bắt đầu, mở Workshop vào mỗi cuối tuần để những người quan tâm được trực tiếp “cầm tay chỉ việc”...
Ba năm trở lại đây, doanh số công ty bán nguyên liệu, dụng cụ chuyên làm bánh tăng lên 50% mỗi năm.
Các đối tượng yêu thích, muốn trải nghiệm khóa học sớm mở rộng ra từ trẻ em các trường lớn nhỏ, đến Việt kiều, người đi làm đủ loại ngành nghề.
Ngoài công tác giáo dục và truyền lửa nghề, chị Ánh còn tiếp tục thử chinh phục những kiểu tạo hình khó như tả thực người, điêu khắc hình thể và mong được mọi người đón nhận nhiều hơn.
Lời kết
Từ câu chuyện khởi nghiệp và những chia sẻ của chị Kim Ánh, có thể thấy những người trẻ, đặc biệt là trẻ em cần sớm phát hiện được thiên hướng cuộc đời và khám phá năng lực bên trong.
Đồng thời, việc đầu tư đủ và đúng để không phải mất thời gian loay hoay hay bỏ qua những thời điểm “vàng” trong đời là điều cần được chú trọng.