Xuất hiện trong tập 2 Shark Tank Việt Nam mùa 4, Vũ Quốc Việt là nhà sáng lập, CEO Công ty CP Đất Sài Gòn, chủ thương hiệu cà phê Đất Sài Gòn.
Công ty ông chuyên phân phối cà phê rang xay, đồng thời triển khai lĩnh vực tư vấn, thiết kế, thi công chuỗi quán cà phê cho đối tác.
Với kinh nghiệm 20 năm trong ngành, ông Việt mong muốn nhận được mức đầu tư 1,2 triệu USD giải ngân trong hai năm để đổi lấy 30% cổ phần công ty.
Tuy nhiên thương vụ này đã thất bại, CEO tóc muối tiêu vẫn ra về tay trắng. Nguyên nhân Startup liên tiếp nhận được lời từ chối của các Shark bởi các lí do sau đây:
Ước mơ quá lớn
Ngay từ những phút đầu tiên lên sân khấu, vị CEO tóc điểm muối tiêu đã liên tục khẳng định những tuyên ngôn lớn lao, hùng hồn.
"Lịch sử đã gọi tên tôi. Chúng ta cần quy tụ tri thức để nắm tay nhau vươn ra biển khơi, khẳng định khát vọng Việt khắp 5 châu. Nếu có điểm tựa tôi có thể nhấc bổng cả trái đất".
"Tôi mời các shark trên tinh thần dân tộc, cùng nhau phân chia những vị trí then chốt trong dự án quốc gia khởi nghiệp của tôi".
CEO Vũ Quốc Việt kêu gọi số vốn 1,2 triệu USD cho 30% cổ phần, giải ngân trong vòng 2 năm. Ông hướng tới mục tiêu đạt doanh thu năm 2030 là 500 triệu USD.
Nếu không thành công, ông hy vọng có thể quy tụ 20.000 thương hiệu cà phê Việt Nam với hơn 1.000 nhà máy trên cả nước, gom lại thành 5 đại công xưởng chế biến cà phê và cùng nhau xuất khẩu ra thế giới.
Tuy nhiên trở lại thực tế, qua lời kể của ông Việt, sau hơn 13 năm thành lập, công ty ông đã thi công cho 300-400 quán cà phê, cung cấp nguyên liệu cà phê rang xay cho khoảng 120 quán trên ba miền cũng như một số thị trường ngoại như Nga, Campuchia.
Về các chỉ số tài chính, năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch, doanh số mỗi tháng của Đất Sài Gòn khoảng 400-500 triệu đồng.
“Đây là mức doanh thu quá nhỏ với ngành tiêu dùng.” - nhận định của Chủ tịch Sunhouse Nguyễn Xuân Phú.
Sau khi nghe chia sẻ từ ông Việt, Shark Phú đã quyết định rút lui đầu tiên, vì cho rằng mục tiêu startup đặt ra quá lớn lao, trong khi "với ngành hàng tiêu dùng, sáng lập đã 13 năm rồi mà doanh số như vậy là quá nhỏ".
Shark Bình cũng quyết định không đầu tư đồng thời khuyên startup nên mơ lớn nhưng phải thực tế.
"Startup đừng bán cho các shark ước mơ. Shark chỉ mua mô hình kinh doanh và năng lực thực thi của startup thôi. Tôi thấy thái độ của anh hơi trên mây, ước mơ xâm chiếm toàn cầu, mở đại công xưởng cà phê… tôi không đồng ý. Vậy là không biết người biết ta. Tôi quyết định không đầu tư và khuyên anh mơ lớn nhưng thực hiện nhỏ thôi, hãy tự lượng sức mình. Sức mình có hạn mà mơ to quá lại thành ác mộng".
Không định vị được doanh nghiệp
Shark Phú cho rằng CEO tóc tiêu nên tập trung vào doanh nghiệp của mình, cần phải đánh giá trong 13 năm qua công ty vẫn còn thiếu yếu tố gì.
Giống như Shark Phú, Shark Hưng nhận định câu chuyện của ông Việt quá vĩ đại nhưng khả năng hiện thực hóa gần như không thể. Trong khi đó mức doanh thu của công ty còn không bằng một quán cà phê bình thường.
Ông Phạm Thanh Hưng cũng nhấn mạnh việc Đất Sài Gòn không định vị được bản thân là chuỗi cà phê hay đơn vị cung cấp cà phê rang xay.
"Dù các shark ủng hộ anh 1-2 triệu USD thì anh cũng đốt trong vài tháng là xong chứ chả làm được gì lớn lao đâu", cá mập đến từ Cenland nhận xét.
Đây cũng là lý do Phó Chủ tịch CenGroup từ chối đầu tư.
Không minh bạch về chất lượng sản phẩm
Theo ông Việt, giá cà phê của Đất Sài Gòn dao động vào khoảng 100.000 đồng/kg, có loại 50% và 100% cà phê. Với loại 50%, ngoài cà phê rang xay thì còn trộn thêm đỗ tương, đậu nành. Hạt cà phê của Đất Sài Gòn thuộc ba loại hạt robusta, culi, arabica.
Nhà sáng lập cũng từ chối chia sẻ về tỷ lệ các loại hạt trong cà phê khi cho rằng đó là bí quyết của công ty.
Bà Đỗ Liên sau đó cũng nhanh chóng rút lui. Bà Đỗ Liên cho rằng nhà sáng lập không công khai thành phần, tỷ lệ các loạt hạt trong cà phê khiến bà cảm thấy công ty đặt lợi nhuận cao hơn sự trung thực trong sản phẩm.
Không có dấu hiệu tăng trưởng
Shark Việt thì phân tích rằng không có dấu hiệu nào cho thấy rót tiền sẽ giúp công ty phát triển mạnh hơn. Vì vậy, ông cũng từ chối góp vốn cho thương vụ này.
Sau khi bị các nhà đầu tư từ chối, nhà sáng lập vẫn mong muốn mời các nhà đầu tư trở thành nhà tư vấn cho mình. Tuy nhiên ông Bình cho rằng bản thân chỉ có thể cung cấp công nghệ cho Đất Sài Gòn, vì đây là điều ông làm tốt nhất.
Tổng hợp