Startup iZi xuất hiện tại Shark Tank - Biến việc học trở nên dễ dàng hơn, gợi ý về thị trường Out of school
Xuất hiện tại Shark Tank tập mới nhất, nhà sáng lập Đào Phan của iZi chia sẻ về ước mơ biến ứng dụng công nghệ giáo dục này thành ngôi trường mở lớn nhất, nơi tại đó mọi người đều có thể dạy và học những điều mình muốn với niềm vui.
Chính vì lẽ đó nên iZi được sinh ra với sứ mệnh biến việc học trở nên “iZi hơn” (easy – dễ hơn) và tạo ra niềm vui cho cả người dạy lẫn người học.
Nhiệm vụ chính của ứng dụng này là giúp người dạy biến các thông tin cần chia sẻ thành những trò chơi ở nhiều định dạng (format) khác nhau, từ đó khiến việc học trở nên nhẹ nhàng hơn và dễ tiếp cận, dễ nhớ.
Doanh thu của iZi đến từ 2 nguồn chính:
Số tiền thu hằng tháng đối với các host (người chủ trì buổi học) và việc chia sẻ doanh thu giữa iZi với host khi họ tạo ra những phòng học mà người dùng sẽ trả phí trực tiếp.
Đào Phan cho biết, iZi sẽ có một đội ngũ kiểm tra hồ sơ và tiểu sử của những host khi tham gia, còn chất lượng trong quá trình triển khai sẽ theo cơ chế mở và để cho cộng đồng tự đánh giá.
Đến với Shark Tank, cô mong muốn kêu gọi được 200.000 USD cho 4% cổ phần của startup.
Trước chia sẻ của startup, phần lớn “cá mập” đều tuyên bố rời cuộc chơi khi cho rằng giá trị định giá mà Đào Phan mong muốn quá cao và startup vẫn còn nhiều việc cần phải làm để phát triển.
Trước mức định giá thấp hơn khá nhiều so với kỳ vọng, nhà sáng lập Đào Phan của iZi đã quyết định từ chối lời đề nghị này, chấp nhận ra về dù không đạt được thỏa thuận nào.
Thị trường Out of School - Tiềm năng trong tương lai gần
Đối tượng mà startup iZi hướng đến là thế hệ Millennials, có độ tuổi từ 25-40 tuổi.
Ngoài ra, iZi còn hướng đến cộng đồng của tệp người dùng trên, những người thuộc thế hệ Gen Z (từ 16 đến 25 tuổi), có mong muốn, nhu cầu và sức chi cho việc phát triển bản thân.
Hai đối tượng mục tiêu này giúp định vị iZi là một sản phẩm công nghệ giáo dục tại thị trường Out of school (thị trường ngoài trường học).
Đây là thị trường có quy mô khoảng gần 7 tỷ USD tại Việt Nam và 1.600 tỷ USD trên bình diện toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam hiện nằm top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng E-learning lớn nhất thế giới với tỷ lệ tăng trưởng 44,3% trong năm 2018, theo nghiên cứu của Ambient Insight.
Giá trị của các startup về EdTech (công ty công nghệ chuyên về giáo dục) toàn cầu được ước tính hơn 190 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến vượt 300 tỷ USD vào năm 2025.
Gần 10 năm trước, tại Việt Nam, đã có một số doanh nghiệp trong nước tiên phong với mô hình E-learning như Violet.vn, Hocmai.vn, Topica… và khá thành công.
Đơn cử, Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn đã thu hút 3,5 triệu thành viên tham gia, hay gần đây, Topica kêu gọi được 50 triệu USD...
Điều này chứng tỏ, người dân Việt Nam thích ứng nhanh và sẵn sàng tham gia học tập trực tuyến, hình thành một tệp người dùng có tính chủ động, liên tiếp ứng dụng công nghệ giáo dục ở các cấp học cao hơn.
Từ đó cho thấy, thị trường Out of School hoàn toàn có khả năng phát triển tại Việt Nam trong tương lai gần, khi mà nhu cầu chia sẻ và học tập qua môi trường mạng ngày càng được nâng cao như hiện nay.