Liệu website quan trọng như thế nào với startup trong lần gặp mặt đầu tiên với các shark?
1. Chi tiết tuy nhỏ nhưng “nhìn kỹ mới ra” ở Shark Tank
Nếu là fan của chương trình Thương vụ bạc tỷ, hẳn bạn sẽ ít nhiều để ý đến một hành động lặp đi lặp lại có chủ đích của các cá mập. Đó là khoảnh khắc các shark (đặc biệt shark Hưng) truy cập ngay vào website của các startup ngay khi nghe câu chào từ người chơi đến gọi vốn.
Dĩ nhiên, website không phải yếu tố chủ chốt để các shark ra quyết định đầu tư cho startup. Tuy nhiên, website lại thể hiện sự chuyên nghiệp, chỉn chu của startup, đồng thời là cửa ngõ để các shark đánh giá tổng quát “giao diện” những nhà khởi nghiệp này trong lần đầu gặp mặt.
Trên thực tế, các doanh nghiệp thành công tại Việt Nam và nước ngoài đều sở hữu ít nhất một website được đầu tư chăm chút.
Ngày nay, thế giới 4.0 sử dụng internet để tìm kiếm gần như tất cả các sản phẩm, dịch vụ và mua hàng trực tuyến, vì vậy website còn giúp doanh nghiệp mở rộng cơ hội tìm kiếm khách hàng, đối tác trên phạm vi toàn cầu.
Với các startup, một trong những điều họ được tư vấn đầu tiên chính là thiết kế website. Bởi website đóng vai trò như một cổng thông tin “all in one”: hiển thị mọi hình ảnh, video, tài liệu về sản phẩm - dịch vụ, chứa đựng mọi thông tin về doanh nghiệp.
Nếu công ty của bạn không có website, khách hàng/ đối tác còn có thể nghĩ doanh nghiệp của bạn “lạc hậu” không theo kịp thời đại, cũng như rất khó khăn trong quá trình tìm kiếm, đánh giá và chia sẻ hệ giá trị của bạn đến người khác.
Thậm chí không ít người sẽ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực chẳng hạn như công ty “ma” nếu bạn là một DN mà lại chẳng hề có website.
Một cách tổng quan, website chính là kênh marketing chủ lực, hiệu quả cho các startup: thu hút vốn đầu tư, nhanh chóng làm hài lòng khách hàng, gia tăng doanh số bán và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu (branding).
2. Khác biệt giữa “người được chọn” và “người không được chọn” trên Shark Tank thể hiện qua website
Từ Coolmate.me - startup “hiện tượng” giành được khoản đầu tư 500.000 USD từ shark Bình...
Trong tập Một Shark Tank mùa 4, Coolmate là một trong các startup nổi bật “chốt được deal” từ các shark.
Hãy cùng phân tích website của startup này, để xem rằng Coolmate có sự đầu tư thế nào đến “giao diện” của mình nhằm thu hút khách hàng và góp phần ghi dấu ấn tại đấu trường Shark Tank.
Theo anh Andy Vũ, Nhà sáng lập kiêm CEO công ty DigiMind (Hà Nội), 05 tiêu chí quan trọng nhất mà mỗi website cần đảm bảo là: mục tiêu, định vị thương hiệu, UI (User Interface), UX (Experience) và tốc độ tải trang.
Với Coolmate, mục tiêu của startup này chính là xây dựng thành công một website thương mại điện tử. Cấu trúc sitemap và các tính năng hiện có của website này đều hướng đến phục vụ quá trình cung ứng sản phẩm đến tay khách hàng, đáp ứng các trải nghiệm mua sắm online.
Coolmate chọn tagline "Mặc đẹp sống chất", thể hiện rất rõ định vị thương hiệu hướng đến phục vụ tệp khách hàng mục tiêu là cánh mày râu ưa chuộng phong cách thời trang đơn giản, năng động.
Phân tích khía cạnh tiếp theo, giao diện của website Coolmate.me (UI: User Interface) khá bắt mắt, tạo cảm giác thu hút.
Các mục trên trang chủ được sắp xếp hợp lý, gọn ghẽ nhưng vẫn đảm bảo điều hướng người dùng một cách hợp lý. Từ mục New Shopping Experience for Men tại trung tâm trang chủ, đến mục Nổi bật, Tủ đồ Cool Sub, Khách hàng nói, Cam kết từ Coolmate và dưới cùng là Câu chuyện thương hiệu, Thông tin liên hệ.
Dưới góc độ người dùng, trải nghiệm website Coolmate (UX: User Experience) khá tiện lợi. Việc mua hàng diễn ra chỉ với vài bước đơn giản: Chọn sản phẩm yêu thích → Chọn size → Xem giỏ hàng → Điền thông tin người nhận và phương thức thanh toán → Tiến hành đặt hàng.
Ngoài ra, người dùng có thể xem được thông tin chi tiết của sản phẩm (xem ảnh minh họa). Nút Call to Action cũng được bố trí hợp lý (dưới mục Giúp bạn chọn size), góp phần tạo trải nghiệm mua sắm đơn giản, thú vị.
Anh Andy Vũ (DigiMind) cũng lưu ý, tốc độ tải trang gắn liền với khâu kỹ thuật, vì thế, DN cần tìm một đơn vị có chuyên môn để tư vấn và lựa chọn giải pháp thiết kế, lập trình website phù hợp.
Bên cạnh đó, khía cạnh nội dung và chuyên mục Cool Blog cũng được xem là điểm nhấn độc đáo khiến Coolmate nổi bật hơn hẳn các sàn thương mại điện tử, website kinh doanh thời trang khác, trong việc nắm bắt xu hướng và mang lại những giá trị hữu ích cho người dùng.
Thậm chí, thương hiệu này cũng tỏ ra nhanh nhạy khi “bắt trend” màn xuất hiện thành công của vị CEO trên chương trình Shark Tank mùa 4, tập đầu tiên.
Qua phân tích website của startup Coolmate, hẳn bạn đã hình dung tầm quan trọng của một website chỉn chu: làm nổi bật sản phẩm - dịch vụ mà bạn muốn phục vụ khách hàng, tác động tích cực đến hình ảnh thương hiệu và kết quả kinh doanh.
…đến những “người không được chọn” cho thấy sự thiếu đầu tư vào website
Có thể kể đến hai ví dụ tiêu biểu là website của cà phê Đất Sài Gòn và website của dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà Bluecare.
Website của vị CEO “tóc muối tiêu” cho thấy sự cũ kỹ từ cấu trúc sitemap và thiết kế giao diện (UI).
Tuy tốc độ tải trang khá nhanh, nhưng đập vào mắt là chiếc logo thương hiệu và những hình ảnh xuyên suốt website lại mang hơi hướng “thập niên 90 thế kỷ trước” thế này thực sự khó thuyết phục, thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm người dùng (UX).
Ngay trang chủ, tuy ở trên là “quán cà phê phong cách châu Âu” nhưng ngôn từ sử dụng trong mục bên dưới khá “tầm thường”, chẳng hạn như “báo mạng”.
Tổ hợp màu nâu, đỏ, vàng trông khá nóng và bức bối, vậy nên Đất Sài Gòn đã “chữa cháy” bằng dòng call to action Trực tuyến xanh màu lá mạ và chú chim biểu tượng của Hoa Kỳ?!
Có thể thấy, tất cả các hình ảnh, video đều nói lên sự đầu tư sơ sài, thiếu tinh tế và bắt nhịp thời đại, chí ít là chưa đủ để Đất Sài Gòn khẳng định “đẳng cấp châu Âu” như tham vọng của ông chủ hãng cà phê này.
Bạn có muốn trải nghiệm sản phẩm cà phê tại đây hay quyết định trở thành đối tác trong hệ sinh thái “vươn tầm thế giới” của CEO Vũ Quốc Việt?
Không vấp phải vấn đề nghiêm trọng “thiếu chiến lược và bắt nhịp xu hướng thời đại” như Đất Sài Gòn, vậy nhưng, website của Bluecare (ứng dụng đặt lịch chăm sóc y tế tại nhà cùng chung số phận “05 cái lắc đầu” trên Shark Tank) cũng chưa cho thấy sự chú trọng vào xây dựng website.
Đơn cử, tab Tuyển dụng và tab Trở thành Bluecarer có thông điệp, cấu trúc nội dung gây nhầm lẫn cho các đối tượng người dùng khác nhau (ứng viên xin việc, bác sĩ/nhân viên y tế tham gia app, khách hàng sử dụng).
Tông màu, bố cục khá đơn giản nhưng vẫn hài hòa và mang lại cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên, cách bố trí các chuyên mục nhỏ trong tab Blog khá lộn xộn, không hợp lý là một điểm trừ lớn cho Bluecare.
Nếu xem lại các tập Shark Tank, bạn có thể thấy website cũng phần nào đó đồng bộ với cách thể hiện của các startup, và câu nói “Trông mặt có thể bắt được hình dong” vô cùng hợp lý trong tình huống này.
Vì thế, cử chỉ “nhỏ mà có võ” của các shark: check website những startup tham dự chương trình, đã góp phần khẳng định tầm quan trọng của cửa ngõ giới thiệu doanh nghiệp đến các nhà đầu tư, củng cố thêm niềm tin vào quyết định chốt deal cuối cùng của các shark.
Qua việc phân tích website giữa “người được chọn” và “không được chọn” trên chương trình Shark Tank, website phần nào thể hiện hình ảnh, uy tín và đẳng cấp của các doanh nghiệp startup này.
Chưa cần biết bên trong (chiến lược, tình hình kinh doanh…) của doanh nghiệp thế nào, nhưng trước hết, giao diện bên ngoài (trong trường hợp này là website) cần đủ đẹp, đủ hấp dẫn để tạo thiện cảm và gây ấn tượng cho người khác.
Quá trình đầu tư thiết kế website như thế nào, mời bạn đón đọc bài viết tiếp theo trong series Shark Tank tại Trends Việt Nam.
Bảo Thạch - Trends Việt Nam