Theo báo cáo của Ban Dự án điện Sông Hậu 1 về tình hình triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 theo Hợp đồng EPC, đến thời điểm ngày 15/01/2021, công tác thi công, lắp đặt của Dự án còn lại khoảng 3% khối lượng tổng thể.

Phần công việc còn lại này thuộc hạng mục xử lý khói thải FGD, bãi thải xỉ, hệ thống đường nội bộ và cảnh quan nhà máy.

Để đảm bảo tiến độ chung cửa Dự án, Lilama và các nhà thầu đang đặt mục tiêu và đưa ra kế hoạch duy trì công tác thi công lắp đặt hệ thống FGD, thi công xây dựng bãi thải xỉ trong dịp Tết Nguyên đán 2021 để sớm đưa hệ thống xử lý khói thải vào chạy thử không tải từng phần vào ngày 28/2/2021.

null Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 dự kiến sẽ phát điện thương mại vào cuối năm nay.


Tới thời điểm hiện tại, công tác chạy thử đã hoàn thành khoảng 61% khối lượng công việc, Tổ máy số 1 đã hoàn thành mốc thử nghiệm phát điện bằng dầu lên lưới điện quốc gia, Tổ máy số 2 dự kiến sẽ thử nghiệm điện bằng dầu vào ngày 27/01/2021.

Đối với công việc chạy thử còn lại, Lilama và các nhà thầu đang tập trung thực hiện các hệ thống với mục tiêu là:

- Chạy thử khu vực nhà máy chính Tổ máy 2 đảm bảo đủ điều kiện lên lưới vào ngày 27/01/2021;

- Chạy thử hệ thống vận chuyển than đảm bảo mục tiêu nhận than vào ngày 20/02/2021.

- Chạy thử hệ thống lọc bụi tĩnh điện đảm bảo chạy tự động hoàn toàn trước ngày 21/03/2021.

- Chạy thử hệ thống thải xỉ đảm bảo xỉ ra bãi thải xỉ trước ngày 21/3/2021.

- Bắt đầu triển khai chạy thử từng hệ thống FGD từ ngày 01/03/2021.

Dự kiến, đến ngày 21/3/2021 sẽ đốt than lần đầu lò hơi Tổ máy số 1; ngày 18/4/2021, đốt than lần đầu lò hơi Tổ máy số 2; phát điện thương mại Tổ máy số 1 dự kiến vào ngày 20/10/2021; phát điện thương mại Tổ máy số 2 dự kiến vào ngày 17/12/2021.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 có công suất 1.200 MW với hai tổ máy, mỗi tổ máy 600 MW, tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng.

Theo ông Vũ Trọng Thiết, Giám đốc Ban Dự án điện Sông Hậu 1, khó khăn vướng mắc lớn nhất chính là công tác thanh toán liên quan đến phần xây dựng, lắp đặt và gia công chế tạo thuộc phần điều chỉnh giá dẫn đến các nhà thầu chỉ được tạm thanh toán với tỷ lệ thấp.

Trong khi đó, chi phí nhân công, vật tư phải thanh toán cho nhà cung cấp 100% giá trị khi hàng về công trường. Vì vậy, Lilama và các nhà thầu luôn phải đối mặt với việc thâm hụt dòng tiền, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công và hoàn thành Dự án.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở hầu hết các quốc gia có liên quan đến nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ dự án.

Do đó việc không thể chủ động điều động các chuyên gia lắp đặt, chạy thử đang ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch chạy thử cũng như đánh giá thời điểm hoàn thành nhà máy.

Khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh/năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế tỉnh Hậu Giang nói riêng và các tỉnh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Theo Báo Đầu tư