Khu công nghiệp Vân Trung 2, tỉnh Bắc Giang đang được triển khai trên diện tích 112 ha, trong đó có 84 ha là đất công nghiệp.
Từ tháng 6 năm 2019, tức là chỉ hơn 9 tháng mở cửa đón nhà đầu tư, đến nay đã có 90% diện tích được chuyển nhượng và cấp sổ đỏ.
Một con số ấn tượng nhất từ trước đến nay.
Trong đó, hầu hết là doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu sản xuất linh kiện điện tử, các sản phẩm về khuôn mẫu, cơ khí chính xác và các thiết bị gia dụng thông minh.
Doanh nghiệp thuê ít nhất là 5.000 m2 và nhiều nhất là 32 ha. Khi đi vào hoạt động, khu công nghiệp này cần khoảng 30.000-40.000 lao động.
Ông Nguyễn Ánh Văn, cán bộ quản lý Khu công nghiệp Vân Trung 2, tỉnh Bắc Giang cho biết, ngày cao điểm, có tới 10 doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu và đặt vấn đề đầu tư tại đây.
“Đầu tiên các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm chính sách đầu tư của tỉnh có thông thoáng và thuận lợi hay không.
Thứ 2 là vị trí địa lý và hạ tầng khu công nghiệp có đáp ứng được nhu cầu của họ hay không.
Thứ ba là nhu cầu về nguồn cung ứng lao động có dồi dào và có chất lượng hay không”, ông Văn nói.
Nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp vào các khu công nghiệp là rất cao, trong khi hầu hết các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã cơ bản lấp đầy.
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp, UBND tỉnh Bắc Giang đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.
Tỉnh này cũng xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển công nghiệp. Một lợi thế khác của tỉnh Bắc Giang là có nguồn lao động dồi dào.
Tỉnh Bắc Giang có 1,1 triệu lao động, thì đã có trên 50% lao động đã qua đào tạo.
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Bắc Giang đang phát triển thuận lợi.
Mặc dù 3 tháng đầu năm, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hướng xấu đến nền kinh tế nước ta, nhưng sản xuất công nghiệp tại địa phương vẫn tăng 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trị đạt hơn 46.500 tỷ đồng.
Trong đó, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 38.000 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có 6 khu công nghiệp với diện tích 1.462 ha, trong đó có 5 khu công nghiệp đã đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 85%.
“Đất để phát triển công nghiệp, dư địa để phát triển công nghiệp trong năm 2020 của tỉnh Bắc Giang chỉ còn hơn 100 ha.
Để giải quyết vấn đề này, từ năm ngoái, Bắc Giang đã xin Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập 2 khu công nghiệp mới với diện tích trên 1.300 ha.
Hiện nay, hồ sơ trình tự thủ tục đã được trình lên các bộ, ngành và các bộ ngành đều nhất trí và trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Nếu được Thủ tướng chấp thuận thì Bắc Giang có thể phát triển thêm 2 khu công nghiệp ngay từ cuối năm 2020 này”, ông Dương Văn Thái nói.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, trong 3 tháng đầu năm, bất động sản công nghiệp giá vẫn tăng trung bình 6,2%.
Kết quả của việc phòng chống dịch COVID-19 tiếp tục khẳng định lợi thế của Việt Nam, đó là đảm bảo sự ổn định, an toàn và môi trường đầu tư thuận lợi.
Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực bất động sản nước ta.
Ông Đặng Trọng Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Khải Toàn, đang xây dựng nhà xưởng cho thuê tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết:
“Ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho các tập đoàn đa quốc gia đặt quá nhiều nhà máy tại Trung Quốc phải xem xét lại khi Trung Quốc phải đóng cửa biên giới, toàn bộ chuỗi cung ứng của họ bị ảnh hưởng.
Các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi nguồn cung của họ, trong đó họ chọn Việt Nam để dịch chuyển một số nhà máy. Điều này dẫn đến nhu cầu về bất động sản công nghiệp tăng rất cao, nhất là tại các tỉnh phía Bắc”.
Đến hết năm nay, nước ta sẽ có khoảng 500 khu công nghiệp, diện tích cần khoảng 500.000 ha.
Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Để tạo đà cho bất động sản công nghiệp Việt Nam bứt phá, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chúng ta cần đổi mới tư duy, đổi mới phương thức quản lý và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với thị trường bất động sản nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng dựa trên cơ chế thị trường.
“Yếu tố thị trường đang đặt ra như là một sự đòi hỏi từ thực tế.
Ví dụ như chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ quốc tế đưa vị thế của Việt Nam đón nhận đầu tư nước ngoài vào công nghiệp mạnh hơn.
Đây là cơ hội lớn bởi vì nó sẽ tạo ra khả năng đầu tư cho các khu hỗn hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
Đấy là ngữ cảnh mới làm cho bất động sản công nghiệp của ta gắn với thị trường nhiều hơn”, GS. Đặng Hùng Võ phân tích.
Thực tế cho thấy, phân khúc bất động sản công nghiệp đang có tiềm năng lớn trong trung hạn và dài hạn.
Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để tận dụng những lợi thế sẵn có để tạo cơ hội phát triển cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Qua đó, giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiếp cận thông tin quy hoạch quỹ đất tại từng địa phương và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư.
Các bộ, ngành và địa phương cần hoàn thiện quy hoạch về hệ thống thành phố công nghiệp, đô thị thông minh đảm bảo tính kết nối đa phương tiện; sự đồng bộ giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa; phù hợp với các thế mạnh của vùng và địa phương.
Việc Quy hoạch bất động sản công nghiệp phải phù hợp với xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế và chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.