Từ sở thích, đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, ngày càng có nhiều người trẻ tham gia vào việc phục dựng, sáng tạo những giá trị văn hóa từ di sản của cha ông.

Nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật tưởng như đã thất truyền nay được tiếp cận đến công chúng với những cách thức, diện mạo mới mẻ, trên tinh thần kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại.

Đặc biệt, không chỉ làm sống dậy văn hóa nghệ thuật truyền thống bằng tư duy mới, nhiều người trẻ hiện nay còn có ý tưởng táo bạo hơn khi quyết định khởi nghiệp kinh doanh với mục đích gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hoá ấy.

Cùng điểm qua những thương hiệu đã khởi nghiệp thành công ý tưởng kinh doanh bảo tồn văn hoá truyền thống trong thời gian qua:

Ỷ Vân Hiên – Mộng lớn với cổ phục Việt

Hơn 10 năm trước, làn sóng cổ phong bắt đầu được một bộ phận giới trẻ yêu thích và quan tâm, cùng sự ra đời của nhiều nhóm như: Đình làng Việt, Đại Việt cổ phong, Thiên nam lịch đại hậu phi…

Các nhóm này đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc tìm hiểu nét đẹp, tinh hoa văn hóa, lịch sử dân tộc và gìn giữ, phát triển nó trong hiện tại.

Nguyễn Đức Lộc – một thanh niên 9X người Hà Nội cũng là thành viên tham gia, khi đó anh đang là chân quay phim của một đài truyền hình.

null
Những cuộc gặp gỡ vô tình cũng như hữu ý khiến cho Đức Lộc tiếp xúc nhiều với những bộ trang phục cổ.

Càng tìm hiểu lại càng thấy nhiều điều hay, nét đẹp, tinh hoa cha ông trong những trang phục các triều đại lịch sử mà ít người quan tâm.

Lộc bắt đầu tìm hiểu sâu hơn rồi nhận ra cổ phục chính là đam mê trong đời.

Để thực hiện đam mê của mình, Lộc đã học từ sách vở, tìm gặp các học giả, nhà nghiên cứu văn hóa, đi đến các làng nghề dệt vải tìm hiểu cách làm, tìm đến những nghệ nhân thêu, làm mũ, nón, giày hài… khắp nơi trên cả nước.

Nhiều người trong đó đã trở thành cố vấn, cộng sự của anh trong công việc sau này.

Trong đó Lộc may mắn tìm được mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ - một kho di sản sống từng làm gối xếp cho cung đình triều Nguyễn.

Khi được mệ Trí Huệ đồng ý giúp, Lộc đưa thêm người nhà từ Hà Nội vào nhà mệ ở Huế "ăn dầm ở dề" nhiều ngày để được mệ chỉ dạy cách làm gối xếp thủ công.

null
Sản phẩm đầu tiên Đức Lộc làm chính là chiếc gối xếp.

Sau đó Đức Lộc bắt đầu hợp tác làm việc với nhiều đơn vị, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa.

Đến đầu năm 2018, anh thành lập công ty Ỷ Vân Hiên với mong muốn được hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức hơn.

Những khó khăn ban đầu của một startup cũng bắt đầu bủa vây quanh Lộc. Đó là thiếu vốn, thiếu nhân sự, máy móc, thiếu kiến thức quản trị kinh doanh, mâu thuẫn thường xuyên, cổ đông bỏ đi, chuyển trụ sở công ty liên tục... Khó hơn cả là tư liệu nghiên cứu thiếu thốn.

Khó khăn đầu tiên là xác định được con đường mình đi: Đặt lợi nhuận hay văn hóa lên trước?

"Tôi quyết định đặt các giá trị văn hóa lên trước tiên nhưng tôi làm doanh nghiệp không thể bỏ qua vấn đề kinh doanh, lợi nhuận." - Lộc thẳng thắn thừa nhận.

Anh chia sẻ: “Làm văn hóa nhưng không có kinh tế thì không thể phát triển. Ngược lại, làm kinh tế mà không có văn hóa thì chẳng thể thăng hoa. Sản phẩm phải đến tay người dùng thì mới “sống” được. Đó cũng là cách quảng bá văn hóa cho mọi người.”

Chính vì vậy, Đức Lộc quyết định liều lĩnh khi đi vào thị trường ngách của ngách.

Sản phẩm công ty anh làm có hàm lượng văn hoá cao nên đầu tư rất nhiều tâm huyết từ nghiên cứu mẫu, chọn đặt vải, thêu, phụ kiện...

Có sản phẩm phải làm đi làm lại nhiều lần, chi phí rất tốn kém… Nhưng nghĩ lại nếu ngày đó anh không liều thì sẽ không có Ỷ Vân Hiên hôm nay.

null
Sau bốn năm thành lập với nỗ lực khôi phục lại những nét văn hóa cổ truyền đã bị mai một của dân tộc, Ỷ Vân Hiên đã trở thành cái tên quen thuộc với những người yêu văn hoá cổ.

Hiện Ỷ Vân Hiên tiến hành nghiên cứu chuyên sâu vào các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật (văn học, âm nhạc, kiến trúc, hội họa, điêu khắc), trang phục, ẩm thực và các nghi lễ truyền thống trong cung đình và dân gian.

Với mục đích nhằm thương mại hóa, giúp cho những nét đẹp đó đến được với công chúng trong và ngoài nước, công ty còn có các dịch vụ như: Bán trang phục theo yêu cầu của cá nhân tổ chức; cung cấp trang phục phục vụ các lễ hội truyền thống; tổ chức sự kiện văn hoá; tái hiện các sản phẩm qua các loại hình nghệ thuật như sân khấu, phim ảnh, âm nhạc...

Ngoài ra Ỷ Vân Hiên còn là đơn vị cung cấp, tài trợ, đầu tư phục trang cho nhiều sự kiện, chương trình.

Cụ thể như cung cấp phục trang cho vở diễn "Huyền thoại gò Rồng Ấp" nói về vua Lý Công Uẩn; đầu tư dàn trang phục hoành tráng cho phim cổ trang Phượng Khấu; MV ca nhạc cho các ca sĩ...

null
Với dự án phim Phượng Khấu, Nguyễn Đức Lộc được Tạp chí Thời trang Harper's Bazaar trao giải Thiết kế trang phục trong phim xuất sắc năm 2019.

Một thành viên của Ỷ Vân Hiên là studio chụp ảnh Ỷ Vân Các cũng vừa ra đời là nơi đến cho những người thích không gian chụp ảnh cổ trang.

Đức Lộc cũng chuẩn bị để cho ra đời dòng sản phẩm giá bình dân để tiếp cận được với đông đảo người yêu thích cổ phục hơn.

Bên cạnh đó, anh vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cổ phục các triều đại Lê, Lý, Trần.

Dù biết lịch sử càng xa tư liệu càng ít, việc nghiên cứu sẽ càng khó khăn hơn nhưng như lời Nguyễn Đức Lộc nói: "Chúng tôi tin rằng hiểu được quá khứ mới hiểu được hiện tại và xa hơn là sẽ tìm thấy hướng đi ở tương lai."

La Sonmai – Đưa sơn mài truyền thống lên ốp điện thoại

Câu chuyện khởi nghiệp của La Sonmai bắt đầu từ 5 năm trước.

Trong một lần tình cờ đi du lịch, anh Lê Xuân Trường nhìn thấy các sản phẩm sơn mài được bày bán rất nhiều, nhưng đa phần chỉ quanh đi quẩn lại với những cái cốc, tráp, khay, bình... trông khá đơn điệu và mẫu mã không bắt mắt.

Sau đó anh liền nảy ra suy nghĩ tại sao không áp dụng được sơn mài vào những sản phẩm hiện đại hơn.

Với sự nỗ lực, quyết tâm đưa ý tưởng trở thành hiện thực, một cơ duyên đã nảy nở trong kế hoạch kinh doanh liều lĩnh. Thủ lĩnh Lê Xuân Trường đã tìm được cộng sự của mình là Vũ Anh Đức - người bạn cũ đồng môn – đồng sáng lập nên thương hiệu La Sonmai.

null
Vũ Anh Đức (phải) và Lê Xuân Trường - hai đồng sáng lập La Sonmai.

Khi lựa chọn con đường kinh doanh đầy chông gai này, cả hai đã phải chấp nhận đương đầu với rất nhiều khó khăn. Bởi đưa sơn mài gần gũi với đời sống thời đại số thật sự là một việc không hề dễ dàng.

Tuy nhiên trong suốt 5 năm cộng sự, mỗi người đã hoàn thiện bức tranh La Sonmai bằng màu sắc riêng biệt, đóng góp vào quá trình thử nghiệm các phương thức chế tác ốp sơn mài cao cấp.

Họ góp nhặt những vốn liếng kiến thức từ những nghệ nhân lành nghề vẫn đang duy trì một bản sắc Việt có thể sẽ thất truyền.

Trên cả sứ mệnh bảo vệ cho những chiếc điện thoại cá nhân, ốp điện thoại của La Sonmai còn là một tác phẩm nghệ thuật đậm chất Việt, được thiết kế đầy tâm huyết bởi các hoạ sĩ và bàn tay khéo léo sản xuất thủ công từ những nghệ nhân Sơn Mài.

null
Các nghệ nhân La Sonmai đã thực sự sống trong tinh thần tạo tác cẩn trọng và thăng hoa của truyền thống.

Mỗi một sản phẩm là thử thách để chinh phục.

Nhiều sản phẩm đã để lại những ấn tượng bất ngờ không những với khách hàng mà với chính đội ngũ thiết kế.

Phần vì những hiệu ứng màu sắc và đường nét độc nhất vô nhị trong nghệ thuật sơn mài, phần vì tinh thần phát huy văn hóa, hội họa truyền thống mà tác phẩm truyền tải.

Những hình ảnh quen thuộc trong dân gian Việt Nam như Sơn Tinh Thủy Tinh, Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Công chúa Liễu Hạnh được xuất hiện trên ốp điện thoại đã tạo rất nhiều ấn tượng không chỉ với khách Việt mà còn khách quốc tế.

null
Lần đầu tiên một sản phẩm nghệ thuật truyền thống như tranh sơn mài được sáng tạo để có thể trở nên gần gũi và thân thiện với thế giới “đầy số” đến như vậy.

Tuy vậy, chẳng có con đường nào là bằng phẳng.

Hoạt động chỉ với vốn tự thân, hai thủ lĩnh La Sonmai đã dồn nhiều tâm sức tối ưu hóa nguồn lực và cố gắng không ngừng đưa thương hiệu đạt được vị trí trên thị trường ngày hôm nay.

Hai anh đã phải trải qua nhiều lần thử nghiệm và thất bại quy trình chế tác tranh sơn mài truyền thống vừa cần được đảm bảo rất nghiêm ngặt, vừa cần xử lý trên bề mặt vật liệu mới.

Cho ra đời một phiên mẫu ưng ý cuối cùng là thành quả xứng đáng cho một quá trình nghiên cứu, cống hiến thời gian và công sức nghiêm túc.

Đây chính là bí quyết cốt lõi khiến các sản phẩm La Sonmai gây chú ý trên thị trường.

Với kế hoạch phát triển đưa thương hiệu vượt ra khỏi biên giới, La Sonmai cần rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư.

Điều này sẽ quyết định sự thành công của kế hoạch ra biển lớn trong tương lai của La Sonmai.

Năm 2020, La Sonmai vinh dự góp mặt trong danh sách đề cử giải thưởng quốc tế ADC New York lần thứ 99 cùng Gucci, Nike và vượt lên cùng với Adidas và hai thương hiệu thời trang lớn khác trên thế giới chiến thắng hạng mục Đồng.

Cùng trong tháng 5/2020, La Sonmai, vượt qua hàng triệu sản phẩm dự thi, một lần nữa tự hào nhận được một trong 6 giải thưởng thiết kế từ A'Design Award (Ý).

Đây là giải thưởng với quy mô lớn nhất về uy tín và tầm ảnh hưởng, là nền tảng cho các thiết kế thành công trên thế giới.

La Sonmai gặt hái được những thành tựu ban đầu trên con đường nhiều thử thách là nhờ sự cống hiến nghiêm túc, tình yêu mà đội ngũ dành cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam với một tinh thần lạc quan và đột phá.

Với niềm tin ấy, La Sonmai đang lên kế hoạch kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư uy tín nhằm đưa thiết kế và sản phẩm của mình chinh phục những thành tựu lớn hơn trong tương lai.

Amant Label – thương hiệu hồi sinh làng nghề thêu truyền thống

Lâu nay trong quan niệm của đại đa số người Việt, nhung the thường chỉ dùng để thiết kế trang phục cho người lớn tuổi, còn lụa, gấm linen cao cấp và hàng thêu tay thì khá đắt đỏ và kén người mặc.

Thế nhưng Nguyễn Thu Giang đã quyết tâm thay đổi những định kiến đó bằng cách tiếp cận trẻ trung và đa dạng hơn với kiểu dáng trang phục hiện đại.

Cô đã “thổi hồn” vào nhung lụa, góp phần hồi sinh làng nghề thêu truyền thống.

null
Tốt nghiệp cử nhân Chính trị quốc tế tại Học viện Ngoại giao và thạc sĩ Truyền thông đại chúng tại Úc, nhưng Nguyễn Thu Giang lại dành trọn tình yêu của mình cho thời trang.

Hằn sâu trong trí nhớ của cô là lần đầu thấy bà nội khoác tà áo dài lụa gấm trong một buổi tiệc chiêu đãi.

Những tấm khăn nhung, lụa thêu đến hôm nay bà vẫn giữ gìn và trân trọng.

Đây cũng là ý tưởng khởi nguồn cho chất liệu nhung - lụa mà Thu Giang lựa chọn.

“Tôi muốn đưa văn hoá Việt đến gần hơn với người trẻ như mình, để các giá trị truyền thống không những không bị đi vào quên lãng mà còn trở thành một xu hướng trong giới mộ điệu và trong cả đời sống thường nhật, để nhung hay lụa không còn là những xa xỉ phẩm nữa.”
“Thay vào đó, tôi giúp khách hàng của mình khoác lên một cá tính độc nhất không thể trộn lẫn, khoác lên sự tinh tế sang trọng, và khoác lên cả sự tự hào với nền văn hoá Việt cổ”, Thu Giang nói.

null
Vì được vẽ, thêu hoàn toàn thủ công nên mỗi mẫu trang phục của Almant Label là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt “không đụng hàng”, có một không hai.

Cùng với tình yêu tơ lụa, cô chủ của Amant Label còn khao khát hồi sinh các làng nghề thêu truyền thống đang bị mai một.

Cùng với sự cạnh tranh gay gắt của máy móc công nghiệp, nghề thêu thủ công ở Việt Nam nhiều năm qua đang dần mai một trong tiếc nuối của nhiều nghệ nhân và thợ thêu lành nghề.

Thu Giang quyết tâm tận dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương, hợp tác trực tiếp với người lao động trong mọi công đoạn sản xuất, đầu tư chuyên nghiệp kênh bán online, phục vụ sản phẩm từ xưởng sản xuất đến thẳng tay khách hàng để giảm thiểu chi phí trung gian.

Amant Label cũng đặt giá thành sản phẩm ở mức hợp lý, phù hợp với nhiều nhóm khách hàng đa dạng trên thị trường cả trong nước và quốc tế.

Cách này cũng góp phần đem lại công việc ổn định cho các phường thêu, hi vọng nghệ thuật thêu sẽ được gìn giữ không mai một.

Để mang vẻ đẹp nhung lụa Việt đi khắp mọi miền đất nước, đến với khách du lịch nước ngoài, Thu Giang đã tận dụng phương thức kinh doanh số để vận hành thương hiệu.

Đó là cách giao thoa những sản phẩm cổ truyền của Việt Nam với phương thức kinh doanh hiện đại.

Nhìn vào những gì cô chủ của Amant Label làm được hôm nay, tưởng chừng như thật dễ dàng.

Nhưng cũng như bao người trẻ tự khởi nghiệp khác, Thu Giang và nhóm của mình đã từng thất bại.

null
Thu Giang đã từng hoang mang không biết mình phải bắt đầu từ đâu và mình có nên tiếp tục nữa hay không.

Lô sản phẩm đầu tiên chất lượng rất tốt, giá thành rất tốt nhưng không được khách hàng đón nhận.

Sau này, cô nhận ra rằng, do lúc đó cô quá sợ khác biệt, do đó thiết kế và mẫu mã quá bình thường nên không gây được chú ý, cô đành bán lỗ và đi từ thiện.

Rất may mắn là từ khi thay đổi tầm nhìn và chiến lược, định hướng lại tệp khách hàng và cách quảng cáo hiệu quả hơn thì Amant đã gặt hái được những thành công nhất định.

Trong tương lai, cùng với thời trang thêu tay, Amant Label định hướng sẽ phát triển đa dạng các sản phẩm thủ công như chăn, ga, khăn, đồ cho em bé.

Tầm nhìn của Amant Label là trở thành thương hiệu Việt đầu tiên đưa sản phẩm thêu tay truyền thống của Việt Nam ra thế giới một cách bài bản, chuyên nghiệp, theo tiêu chuẩn xanh, thân thiện với môi trường từ quy trình sản xuất cho đến các công đoạn đóng gói, tiêu thụ và phân phối sản phẩm.

Hoa Văn Đại Việt – Bảo tồn mỹ thuật truyền thống

Cách đây hơn 6 năm, một cuộc thi vẽ truyện tranh lịch sử được tổ chức với sự tham gia của đông đảo giới trẻ.

Nhưng vấn đề nan giải xuất hiện đó là tìm kiếm trên mạng chỉ toàn ra hoa văn Trung Quốc và các nước lân cận trong khu vực.

Một số bạn trẻ trong nhóm Đại Việt cổ phong đã nảy sinh ý tưởng triển khai dự án gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) nhằm sử dụng công nghệ vector để vẽ lại toàn bộ các hoa văn cổ tiêu biểu của Việt Nam.
Với mong muốn bảo tồn, tôn vinh những hoa văn phổ biến, biểu trưng và đặc sắc trong mỹ thuật truyền thống qua các triều đại phong kiến tự chủ (từ thời Lý đến thời Nguyễn), dự án Hoa Văn Đại Việt đã ra đời.

Lúc đầu, các bạn trẻ chỉ đặt mục tiêu 100 triệu đồng, nhưng chỉ trong vài tháng, tổng số tiền gây quỹ đã đạt gần 200 triệu đồng.

Với số vốn đó, nhóm dự án đã bắt tay vào việc sưu tầm, nghiên cứu.

null
250 vector hoa văn Đại Việt được tổng hợp, đưa vào sách chú thích Hoa Văn Đại Việt, sách tô màu Hoa Văn Đại Việt…

Các mẫu hoa văn Đại Việt có hai trường phái: cung đình và dân gian.

Hoa văn cung đình thì xa hoa, cầu kỳ, còn hoa văn dân gian lại rất giản dị, thuần phác. Hoa văn của mỗi thời kỳ sẽ có một đặc trưng riêng.

null
Bộ file hoạ tiết Nhật Bình của Hoa văn Đại Việt.

Với 250 mẫu hoa văn Đại Việt trong tay, nhóm dự án đã chia sẻ miễn phí 200 véc tơ hoa văn số hóa để cộng đồng có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như thiết kế, đồ họa...

Ngay sau khi nhóm dự án công bố những véc tơ này, nhiều hoa văn đã được các tổ chức, cá nhân khác sử dụng để làm các sản phẩm như trang phục, đồ lưu niệm, hộp đựng bánh kẹo, quà tặng...

Ngoài ra, cũng có đoàn làm phim liên hệ với nhóm để nhờ tư vấn hoa văn cho trang phục cổ.

Mong muốn của các bạn thành viên trong nhóm dự án là đưa hoa văn tiếp cận gần hơn đời sống hiện đại chứ không đơn thuần là chỉ phục dựng, tái hiện hoa văn cổ.

Việc đưa hoa văn Đại Việt ứng dụng vào những sản phẩm thân thiện với đời sống sẽ khiến những nét hoa văn cổ đến với cộng đồng một cách dễ dàng hơn.

null
Một số mẫu bao lì xì có sử dụng Hoa văn Đại Việt.

Hiện giờ, danh mục sản phẩm có ứng dụng hoa văn Đại Việt được nhóm dự án thương mại hóa đã khá đa dạng như: Lịch để bàn, lì xì, các mẫu áo buddy, áo nỉ, sổ tay, bìa sách… đa số là các sản phẩm hướng đến giới trẻ.

Không chỉ dừng ở việc đơn thuần kinh doanh, bán sản phẩm các bạn trẻ trong nhóm dự án còn mong muốn có thể gây dựng được cộng đồng chia sẻ hoa văn.

Đặc biệt nhóm còn tiến tới đưa các sản phẩm ứng dụng hoa văn Đại Việt vào ngành du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Kết

Có thể thấy chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, nhiều đột phá trong suy nghĩ và hành động của người trẻ đã tạo ra những giải pháp bất ngờ trong gìn giữ, bảo vệ, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.

Sự thành công của các thương hiệu như Ỷ Vân Hiên, La Sonmai, Amant Label, Hoa Văn Đại Việt... chính là cơ sở để nhiều người tin về khả năng triển khai những ý tưởng kinh doanh ứng dụng nghệ thuật, văn hóa truyền thống vào đời sống hiện đại.

Không chỉ vậy, điều này còn cho thấy người trẻ sáng tạo luôn có công thức riêng để lưu giữ, kế thừa, phát huy những giá trị tinh hoa của lịch sử, văn hóa nước nhà.