Thế nhưng, không biết tự bao giờ, người ta lại đặt những thứ này lên một cán cân – với công việc ở một bên và những yếu tố thuộc về đời sống cá nhân như gia đình, các mối quan hệ, sở thích và sự phát triển cá nhân ở bên còn lại – như thể đây là hai phần riêng lẻ và không liên quan gì đến nhau.
Tuy nhiên, trên thực tế, đây lại là hai phần không thể tách rời trong cuộc sống của mỗi con người.
Thậm chí, ông Jeff Bezos, vị CEO lẫy lừng của Amazon, từng chia sẻ rằng:
“Nếu tôi cảm thấy hạnh phúc ở nhà, tôi sẽ đến chỗ làm với một nguồn năng lượng tích cực. Và nếu tôi hạnh phúc ở chỗ làm, tôi cũng sẽ về nhà với một nguồn năng lượng tương tự.”
Tức là, thay vì nhìn nhận đời sống và công việc là hai yếu tố tách biệt cần phải hoàn thành cùng lúc và cùng đạt kết quả như nhau, đáng lẽ ta nên thấy được sự tương giao và hoà hợp giữa chúng.
Cùng chúng tôi tái định nghĩa về mối quan hệ giữa công việc và cuộc sống qua ba mẫu chuyện ngắn dưới đây.
1: Là ‘dung hoà’ và ‘hoà hợp’ chứ không phải là ‘cân bằng’
Chị sếp gần 30 tuổi ở chỗ làm của Giang luôn là tấm gương sáng chói cho sự “vượt sướng làm giàu”.
Tốt nghiệp từ một trường Đại học thuộc nhóm Ivy League, chị nhanh chóng tìm được việc làm tại những công ty công nghệ tại San Francisco và là niềm tự hào của gia đình.
Thế nhưng chỉ vài năm sau đó, chị quyết định từ bỏ tương lai đầy hứa hẹn của mình để về Việt Nam lăn lộn khởi nghiệp trong một lĩnh vực mà chị chưa từng học hay thử sức trước đó.
Sau gần 4 năm ở Việt Nam, chị xây dựng được một mô hình khởi nghiệp trên đà phát triển tốt và một đội ngũ trẻ, nhiệt huyết.
Nhân viên ai cũng yêu mến chị vì chị chịu khó, những dịp cuối tuần hay ngày lễ chị vẫn làm việc.
Một lần, Giang thắc mắc hỏi chị có biết khái niệm ‘work-life balance’ là gì không. Chị vui vẻ trả lời với Giang:
“Không có gì là cân bằng em ạ. Công việc và cuộc sống như những nốt thăng trầm trong một bản nhạc, và chúng chỉ cần hoà hợp với nhau là được.” (Everything in harmony)
Câu trả lời của chị khiến Giang trố mắt ngạc nhiên, chị chỉ cười và nói tiếp:
“Chị hiểu từ ‘cân bằng’ mang đến cảm giác bình yên. Nhưng ở một góc độ nào đó, em có thấy nghĩa của nó giống từ ‘hoàn hảo’ không?
Mà em biết rồi đấy, trên đời này không có thứ gọi là hoàn hảo. Vậy cớ gì mà cứ bắt bản thân phải giữ trạng thái ‘cân bằng’?”
“Với chị, ‘dung hoà’ là cách thực tế và khả thi hơn nhiều. Không cần sự phân chia đồng đều đến mức chuẩn xác như ‘cân bằng’, dung hoà là khi em biết phân bổ thời gian và thứ tự ưu tiên cho những thứ mà em muốn.
Oprah Winfrey cũng từng nói, “Chúng ta có thể có tất cả mọi thứ. Chỉ không phải là tất cả cùng một lúc.”
Chị không tách bạch giữa cuộc sống và công việc vì công việc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị. Chị vui khi chị được làm việc. Và chị biết nghỉ ngơi, thư giãn khi cần.”
2: Những chỗ dựa tinh thần vững chắc
Thời còn đi học, Mai đã tự biết đi làm để nuôi bản thân. Đơn giản vì cô muốn chứng tỏ với bố mẹ là mình trưởng thành và có thể gánh vác mọi thứ.
Thế nhưng thế giới rộng lớn và bất định hơn cô tưởng. Công việc chồng chất, áp lực học hành, thi cử khiến cho cô kiệt quệ về cả thể chất lẫn tinh thần.
Đỉnh điểm là khi cô về nhà, sà vào lòng mẹ khóc nức nở. Mẹ chỉ nói với Mai rằng: “Mẹ chưa bao giờ cần con chứng minh gì cả, đừng tự tạo áp lực.
Quan trọng là từng khoảnh khắc, từng diễn biến trong cuộc đời con đã sống trọn hết mình, cảm thấy hài lòng, không hối tiếc và lấn cấn là được.”
“Vì vậy giờ đây, mình không cảm thấy tội lỗi nếu quá bận rộn với công việc và không thể về thăm bố mẹ vào dịp cuối tuần.
Nhưng mình cảm thấy có lỗi vô cùng nếu như về nhà với bố mẹ rồi vẫn cắm mặt vào màn hình máy tính.” – Mai, giờ đây đã 23 tuổi, nói về lựa chọn của cô kể từ nghe được câu nói của mẹ, một trong những chỗ dựa tinh thần vững chắc của cô.
Ngoài gia đình, Mai cảm thấy mình may mắn vì có những chỗ dựa tinh thần vững chắc khác, họ là bạn bè và là đồng nghiệp của cô.
Bạn bè không ép cô phải ở lại cuộc vui thâu đêm suốt sáng nếu họ biết sáng hôm sau cô phải gặp mặt đối tác.
Đồng nghiệp chủ động san sẻ phần công việc với cô khi cô được giao cho một dự án quan trọng phải hoàn thành trong một thời gian ngắn.
“Khi bạn thẳng thắn chia sẻ về những ưu tiên của mình, những người yêu thương bạn sẽ tôn trọng và thấu hiểu cho bạn. Bạn không cần phải gồng mình để hoàn thành quá nhiều vai trò cùng một lúc.”
Đó là bài học mà Mai rút ra được.
3: Ý thức được rằng đôi khi mất cân bằng lại là cánh cửa dẫn đến hạnh phúc
“Em là một người cực kỳ mâu thuẫn. Em rất sợ việc mỗi ngày đi đến văn phòng, lặp đi lặp lại một công việc, rồi trở về nhà và lên giường đúng giờ.
Nhưng em cũng sợ việc phải đương đầu với những thử thách, những cơ hội mới, bất định và có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của em trước đó.” – Linh tâm sự với người đàn anh mà cô tin tưởng.
Từ lâu rồi, Linh không còn tìm thấy niềm vui trong công việc hiện tại, nhưng đồng thời, cũng không có đủ can đảm để rời đi.
Nó khiến cuộc sống của cô trở nên tẻ nhạt, cô tự thu mình vào vỏ bọc, không muốn giao tiếp với ai. Mọi thú vui cũng trở nên vô nghĩa.
Ông anh kiến trúc sư của cô từ tốn trả lời: “Em biết không? Trong đời này không có thời điểm nào là hoàn hảo để bắt đầu một thứ cả.
Ở những chỗ anh từng làm qua, anh chưa bao giờ được làm thứ mà anh thật sự muốn làm. Thế là anh khởi nghiệp, mặc dù trước đây anh chưa bao giờ có ý định đó.
Giờ đây anh có nhiều mối lo hơn khi anh làm cho người ta, anh cũng không còn được ngủ nhiều như trước, nhưng bù lại, anh được làm những công trình mà anh thích – nhỏ thôi, nhưng không rập khuôn.
Không có hạnh phúc nào mà không cần đánh đổi cả.
Nếu sự cân bằng, ổn định hiện tại không khiến em vui, thì sao em lại ngại thay đổi?