Nếu bạn đang đọc bài này, nhiều khả năng bạn đã từng hoặc đang phải làm việc với người như vậy, họ có thể là cấp trên, đồng nghiệp, khách hàng hay thậm chí cấp dưới của bạn.
Có nhiều kiểu người khó tính hoặc khó ưa, tùy theo cách nhìn và ngưỡng chịu đựng của mỗi người.
Họ có thể là kẻ bắt nạt, người hay đố kỵ, người thường xuyên hạch sách, hoặc khó tính theo kiểu khắt khe…
Vậy cần làm gì để có thể làm việc hòa thuận cùng với họ? Dưới đây là một số “liệu pháp” giúp đời sống công sở của bạn “dễ thở” hơn.
1. Luôn ghi nhớ ba nhu cầu thiết yếu trong giao tiếp
Nếu bạn thực sự đề cao ba điều: tôn trọng – lắng nghe – thấu hiểu, hãy để chúng trở thành “kim chỉ nam” dẫn dắt cách bạn ứng xử và giải quyết vấn đề.
Trong giao tiếp, mỗi người thường có nhu cầu và mục đích khác nhau.
Nhưng có ba điều mà chắc chắn ai cũng muốn, đó là được tôn trọng, được lắng nghe và được thấu hiểu.
Đó là lẽ ứng xử tự nhiên, nhưng có lúc, những phẩm chất tốt đẹp của bạn bị đem ra “thử thách” bởi những kẻ khó đỡ.
Bạn sẽ bắt gặp ý nghĩ “họ có tôn trọng mình đâu mà mình phải tôn trọng họ”.
Nhưng bạn sẽ không muốn hành vi của mình là sự phản chiếu thái độ và cách hành xử thiếu chuẩn mực của người khác.
Nếu bạn thực sự đề cao ba điều nói trên, thì trong bất kỳ tình huống nào, cũng hãy để chúng trở thành “kim chỉ nam” dẫn dắt cách bạn ứng xử và giải quyết vấn đề.
Công ty của Vân có một anh đồng nghiệp mở miệng ra là sai bảo người khác trong khi rõ ràng đó là phần việc của anh.
Thêm vào đó, thái độ nhờ vả của anh cũng rất hách dịch. Dĩ nhiên, với những người như vậy, không sớm thì muộn cũng sẽ gây tranh cãi với những người khác.
May mắn cho anh chàng này là công ty Vân toàn những người trí thức, tư tưởng cởi mở, và ôn hoà. Thế nên mọi người chọn cách phớt lờ nhân vật khó đỡ kia, tập trung làm thật tốt phần việc được giao.
Nếu anh chàng đó có nhờ vả, họ sẽ tìm cách từ chối khéo và chấm dứt cuộc trò chuyện ngay để tránh cãi vã không đáng có.
2. Rèn khả năng làm chủ cảm xúc
Chính bạn mới có quyền quyết định cảm xúc của bản thân, đừng trao quyền đó cho người khác.
Có những người khắt khe hoặc thiếu hiểu biết lẽ thường tới mức khiến người vốn điềm tĩnh cũng trở nên nổi cáu.
Dù đã cố gắng kiềm chế cơn bực bội, đầu óc bạn vẫn có khuynh hướng biểu tình, bởi giữ được bình tĩnh đâu phải dễ.
Nhưng khó mới cần phải tập.
Khả năng làm chủ cảm xúc giúp bạn chủ động trong mọi tình huống và ra quyết định đúng đắn hơn. Khi mất bình tĩnh, bạn sẽ có những lời nói và quyết định mà tới lúc tĩnh tâm, bạn thường hối hận.
Rồi bạn phải sửa sai. Có lẽ bạn chẳng muốn sử dụng thời gian, năng lượng của mình uổng phí thế.
Hãy nhớ rằng, chính bạn mới có quyền quyết định cảm xúc của bản thân. Đừng trao quyền đó cho người khác.
“Không có nghề nào làm dâu trăm họ nhiều như nghề account!” Sơn, 30 tuổi, hiện đang làm senior account cho một công ty truyền thông cho biết.
Một ngày của Sơn là một chuỗi những cuộc gặp và trao đổi liên tục với khách hàng, đối tác, và đội ngũ của mình.
Dĩ nhiên, với cường độ làm việc với con người nhiều như vậy, không thể không tránh khỏi những trường hợp gặp phải những người khó đỡ.
Điển hình là việc công ty chỉ cho phép khách hàng nhận xét và đề xuất chỉnh sửa tối đa 2 lần.
Thế nhưng hiếm có khách hàng nào tôn trọng điều đó. Họ thường phản hồi với Sơn theo kiểu lần đầu qua loa, lần thứ hai đòi chỉnh sửa thêm chút, và… lần ba đòi làm lại gần như là toàn bộ.
Dĩ nhiên, Sơn có quyền từ chối chỉnh sửa vì họ vi phạm quy tắc.
“Nhưng một người khó chịu đã khiến công việc trở nên khó khăn, hai kẻ “khó ở” chỉ càng làm cho vấn đề thêm căng thẳng. Hơn nữa, việc bạn “nổi đóa” chẳng khiến họ bỗng dưng quay ra hợp tác, mà trái lại, càng đẩy mâu thuẫn xa hơn. Thế nên mình vẫn đồng ý chỉnh sửa, và nói rõ rằng đây là lần cuối.”
3. Nhìn nhận vấn đề một cách cởi mở
Đối với nhiều vấn đề, chẳng hề có đúng, sai, mà do quan điểm, cách nhìn khác biệt.
Hầu hết chúng ta cho rằng nguồn gốc vấn đề là ở người còn lại.
Khi ai cũng chỉ thấy mình có lý, cách tốt nhất là chọn thời điểm thích hợp để ngồi lại và nói chuyện.
Bạn giải thích chính kiến của mình, và tạo cơ hội tương tự cho người đối diện.
Với cách nhìn cởi mở, biết đâu bạn sẽ thấy rõ quan điểm của họ, còn họ sẽ nhận ra chỗ chưa hợp lý trong suy nghĩ của mình.
Dưới góc nhìn tích cực, những người khó tính, đặc biệt khi họ là sếp của bạn, nếu vì công việc mà cầu toàn, đòi hỏi cao, chứ không phải bởi thành kiến cá nhân, sẽ giúp bạn trưởng thành và hoàn thiện mình nhanh hơn.
Nhưng nên nhớ, đó không phải là lý do khiến bạn gồng mình “chịu đựng”.
Bạn chỉ nên xem đó là cơ hội học hỏi, rèn luyện khi họ cư xử trong ngưỡng mà bạn có thể thông cảm và chấp nhận được.
Sam là một nhiếp ảnh gia kiêm nhân viên thiết kế đồ họa mới vào nghề, anh làm việc trực tiếp với Giám đốc sáng tạo của mình.
Anh thường nhận được các nhận xét và yêu cầu chỉnh sửa tác phẩm từ chính sếp của mình.
Có những lỗi anh phải sửa đi sửa lại cả chục lần sếp mới gật đầu cho đi. Đôi lúc Sam nghĩ chắc sếp không thích mình.
Mãi cho đến một buổi chiều nọ, sếp kéo sát ghế lại ngồi cùng Sam và hướng dẫn anh làm từng bước từng bước cho đến tận 9h tối, khi đó cả văn phòng đã tắt đèn về hết.
Sam nhận ra rằng không phải sếp thích bắt lỗi anh, mà là thật sự mong muốn anh hoàn thiện kỹ năng và công việc của mình.
Từ đó, anh thay đổi thái độ làm việc của mình, luôn để ý những lỗi đã từng mắc phải để sếp không phải mất thời gian chỉnh sửa cho mình nữa.
4. Đừng “để bụng”
Ngay cả khi công việc chung và mâu thuẫn đã được giải quyết, đôi lúc, bạn vẫn cảm thấy ấm ức, bực bội hoặc thiếu thiện cảm với người khó tính.
Có thể vì vấn đề chưa được xử lý thỏa đáng như bạn muốn.
Hoặc bạn nhận ra tính cách nào đó của họ mà bạn chẳng thể ưa.
Vô hình trung, những cảm xúc tiêu cực sẽ tích tụ, ảnh hưởng đến tâm lý của bạn và làm giảm hiệu quả công việc.
Những cảm xúc ấy sẽ gặm nhấm tinh thần và năng lượng của bạn.
Lâu ngày, sẽ khiến chính bạn, chứ không ai khác, trở thành người khó tính.
Có thể bạn không nhận thấy, hoặc không thừa nhận, nhưng bạn sẽ mang những định kiến đó vào những lần trao đổi, làm việc tiếp theo.
Như vậy là thiếu khách quan.
Một trong những cách để nhìn nhận sự việc công tâm là thay đổi góc tiếp cận vấn đề. Thay vì hướng suy nghĩ vào “ai”, hãy tập trung vào “cái gì”.
Chẳng hạn, thay vì nhìn nhận “A” là người đề xuất “kế hoạch X”, hãy tập trung phân tích “kế hoạch X” được đề xuất để giải quyết “vấn đề Y”. Ai đề xuất không còn là trung tâm của sự chú ý, nhờ vậy, sẽ đảm bảo tính khách quan.
Lời kết
Trọng tâm của việc “ứng phó” với người khó tính không phải ở họ, mà là ở bạn, ở cách mà bạn ứng xử và giải quyết vấn đề.
Không chỉ người khác mới cần được bạn tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu. Mà trước hết, bạn phải tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu bản thân.
“Hiểu người khác tức là hiểu mình, hiểu mình tức là hiểu người khác. Tất cả đều phải bắt đầu từ chính bản thân.” – Thích Nhất Hạnh.